Đối với quyển “Người lạ trong nhà” này, thật sự mình không biết phải review như thế nào. Vì suy nghĩ của mình cứ bị rối tung lên qua từng phần của truyện, cảm giác khá là bối rối khi đọc đến trang cuối cùng.
Khởi đầu câu chuyện là sự kiện 2 đứa bé nhà Massé bị giết bởi chị bảo mẫu Louise (mình gọi là chị bảo mẫu nhưng cô ấy hơn 40 tuổi rồi). Cậu em trai Adam 2 tuổi đã chết còn cô chị gái Mila 4 tuổi thì đang trong tình trạng hấp hối. Hung thủ là chị bảo mẫu lại tự tử ngay tại hiện trường với 2 vết rạch trên cổ tay và tự cắm dao vào cổ họng mình, chị vẫn chưa chết mà được đưa đi cấp cứu. Sau đó trình tự của truyện được đảo ngược lại từ thời điểm Myriam – mẹ của 2 đứa trẻ mang thai, sinh con và vì nhiều nguyên nhân mà đi đến quyết định thuê thêm 1 bảo mẫu để chăm sóc 2 đứa trẻ và chăm lo cho ngôi nhà.
Thật sự với khởi đầu về cái chết của 2 đứa trẻ như thế, cộng với hình ảnh chị bảo mẫu Louise gọn gàng lịch thiệp quá mức với mái tóc búi gọn ra sau, cái áo cổ tròn và váy xanh sạch sẽ, móng tay cắt gọn sơn hồng không một vết xước thì trong tưởng tượng của mình, chị ta rất giống với mama trong manga Yakusoku no Neverland (tên tiếng Việt là Miền đất hứa) của tác giả Kaiu Shirai. Ở thời điểm đó, mình đã cho rằng Louise là một người không có cảm xúc, tối tăm và đáng sợ, chất chứa đằng sau vẻ ngoài hoàn hảo là những âm mưu đen tối và khủng khiếp. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải như vậy.
Càng đọc về sau, mình lại nhận ra rằng chính những cảm xúc của Louise mới là điểm chủ chốt của quyển sách này. Càng đi sâu vào những trải nghiệm, suy nghĩ, hành động của Louise, cảm giác bức bối và ngột ngạt lại càng mạnh mẽ. Trong suốt quá trình đọc, có một loại áp lực vô hình cứ chèn ép lấy mình. Cảm giác như bản thân đang bị nhốt trong 1 căn phòng bé tí, tối tăm, xung quanh là những vũng nước đen vừa nhớp nháp vừa bốc mùi tanh tưởi. Có lẽ đó là sự đồng cảm với Louise.
Còn lý do khiến mình bối rối, là vì mình hoàn toàn không hiểu được Louise là người như thế nào. Đó là một con người cô đơn đến tận tâm can, chắc chắn là vậy, nhưng sau đó thì sao? Louise yêu quý 2 đứa trẻ và không muốn tách rời khỏi chúng, xem chúng quan trọng hơn cả bản thân mình. Louise muốn là một phần của gia đình Massé, muốn ở cạnh vợ chồng Myriam và Paul, không muốn rời khỏi họ dù chỉ 1 giây. Đến mức chị sẵn sàng nằm dưới gầm giường, nơi mà Paul và Myriam làm tình phía trên chỉ bởi vì sự sợ hãi không được ở cạnh họ (dĩ nhiên đây chỉ là suy nghĩ của chị). Chị cảm thấy trống rỗng và không biết phải làm gì vào những ngày cuối tuần khi không đến nhà Massé làm việc, chỉ mong mau đến thứ 2 để có thể đến đó gặp lại họ. Chị sợ hãi những ngày gia đình họ đi du lịch, khi mà chị không được ở bên cạnh 2 vợ chồng và những đứa trẻ nữa.
Nhưng sau đó, Louise lại một lần nữa đánh vỡ suy nghĩ của mình về chị. Chị mơ về một ngày nào đó, chị quay lại hòn đảo Siphnos – hòn đảo mà chị từng được đi nghỉ hè cùng gia đình Massé – nhưng lần này chỉ 1 mình chị. Chị không quan tâm mình sẽ sống như thế nào, lấy gì mà ăn qua ngày. Chị chỉ muốn rời khỏi gia đình Massé, đến đó một mình. Ngày đó sẽ là ngày hạnh phúc nhất đời chị, khi mà chị không còn phải chăm sóc một ai nữa. Đến đây mình khá hoang mang, không phải chị rất yêu gia đình Massé và 2 đứa trẻ sao? Không phải chị muốn trở thành một phần không thể thiếu của họ sao?
Sau đó, khi mà mình cho rằng Louise đã mệt mỏi với công việc bảo mẫu của mình thì lại một lần nữa, chị ta quay về với con người cô đơn và không thể rời xa gia đình Massé. Nhưng chị ngày càng cực đoan và đáng sợ hơn. Vốn dĩ ngay từ khi Louise xuất hiện, mình đã biết được chị ta bị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Khi mà chị ta lúc nào cũng xuất hiện với 1 dáng vẻ giống nhau, chỉn chu đến từng chiếc móng tay, lau dọn sạch sẽ mọi thứ đến mức không còn một hạt bụi. Nhưng càng về sau chứng rối loạn này lại càng trầm trọng hơn. Đáng sợ nhất là chi tiết bộ xương gà sạch bóng không còn một miếng thịt thừa dính lên ấy, bạn có tưởng tượng được không? Bộ xương gà được tạo ra từ phần thức ăn thừa ôi thiu mà Myriam đã vứt vào thùng rác vào sáng sớm được chị ta nhặt lại, dạy cho lũ trẻ cách bóc thịt ăn sao cho không còn một mảnh nào và không ảnh hưởng đến bộ xương. Bộ xương được lau rửa thơm mùi hoa đặt hoàn mỹ trên bàn bếp như một sự trả thù Myriam vì cô ấy đã cấm chị không cho bọn trẻ ăn những món hết hạn sử dụng. Đọc đến đây mình vừa buồn nôn vừa sợ hãi, Louise đã vặn vẹo đến thế này rồi sao?
Sự cực đoan của Louise còn thể hiện qua khao khát có thêm một đứa bé, một đứa bé của chị, thuộc về chị nhưng không phải do chị sinh ra, mà là đứa bé được tạo ra bởi Myriam và Paul. Trong suy nghĩ của chị, chỉ cần có thêm một đứa trẻ nữa, thì gia đình họ sẽ phải cần đến chị, sẽ không thể rời khỏi chị. Suy nghĩ về đứa trẻ ấy ám ảnh Louise đến mức dù trong cảnh nợ nần, chị cũng dốc hết số tiền còn lại để dẫn 2 đứa trẻ ra ngoài chỉ với mục đích tạo không gian riêng cho Paul và Myriam. Sự ám ảnh đó còn thể hiện qua việc chị quan sát từng hành động, cử chỉ của 2 vợ chồng: để ý từng vết bẩn trên ga giường và thậm chí là vạch quần lót bẩn của Myriam để kiểm tra. Nhưng cuối cùng đứa trẻ đã không xuất hiện, Myriam không có thai. Lúc đó, chị đã nghĩ nếu không còn 2 đứa trẻ Mila và Adam, thì chắc chắn vợ chồng họ sẽ phải sinh thêm một đứa bé nữa. Liệu có phải chính vì ý nghĩ này mà chị ra tay với 2 đứa bé không? Đến hết truyện mình vẫn không biết được nguyên nhân là gì, tại sao chị lại giết Mila và Adam – 2 đứa trẻ mà chị yêu thương hơn cả đứa con ruột của mình. Tâm lý chị đã vặn vẹo đến mức đó sao?
Đó cũng là nguyên nhân khiến mình bối rối như vậy. Mình không thể nào liên kết được những chuyển biến trong tâm lý của Louise, cũng không thể nào giải mã được sự thay đổi đó.
Tuy bối rối, nhưng mình nghĩ mình hiểu được những gì tác giả muốn truyền tải qua tác phẩm này. Những áp lực trong cuộc sống của một con người. Là những khao khát bị trói buộc bởi cái nghèo, sự kỳ thị và khinh miệt. Là sự cô đơn bị dồn nén qua từng ngày. Thật sự là khi đọc hết quyển sách, dù khá bứt rứt vì đến cuối cùng vẫn không hiểu nguyên do tại sao, sự kiện chính xác diễn ra như thế nào nhưng mình đã thực sự thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng có thể thoát ra được cảm giác áp bức và tối tăm mà quyển sách này mang đến.
Bên cạnh chị bảo mẫu Louise thì mình muốn nói thêm một chút về Myriam và Paul. Có lẽ họ đại diện cho một phần nào đó những ông bố bà mẹ trẻ trong xã hội này. Có lẽ dự định lúc đầu của một người và thực tế hoàn toàn khác nhau, khi cuộc sống không màu hồng như bạn tưởng.
Myriam khi có đứa con đầu tiên với Paul, cô đã rất hạnh phúc với nó và sẵn sàng nghỉ việc để chăm sóc con. Myriam cảm thấy đứa bé và gia đình là tất cả đối với mình, rằng cô chỉ cần có thế là đủ. Sau đó họ quyết định có thêm đứa thứ 2. Nhưng cũng kể từ đó, cuộc sống gia đình ngày càng xáo trộn đi. Myriam lúc nào cũng mệt mỏi vì phải chăm 2 đứa trẻ: đứa con gái nhỏ Mila lúc nào cũng cáu kỉnh và con bé sẵn sàng la hét, nằm vật ra giữa đường với những thứ con bé không thích, những điều mà con bé không được đáp ứng; cậu con trai nhỏ Adam vẫn nằm trong nôi hay xe đẩy và luôn lim dim ngủ hoặc khóc đòi ăn. 2 đứa trẻ khiến Myriam trở thành một bà mẹ cáu kỉnh, lúc nào cũng lôi thôi, người thì luôn mang nặng mùi sữa ôi. Căn nhà lộn xộn với bát đĩa chưa rửa trong bếp, quần áo chưa giặt chất chồng, đồ chơi lăn lóc, mùi sữa ôi và mùi tã khiến ngôi nhà mang một mùi hương chỉ khiến người ta buồn nôn. Paul thì bận rộn công việc và chán nản khi phải về nhà, thậm chí có những ngày dù không có việc gì nhưng anh cũng kiếm cớ công việc chỉ với một mục đích – không phải về nhà.
Những dự định tốt đẹp về ngôi nhà hạnh phúc không còn nữa. Myriam khao khát được quay lại với toà án, được thể hiện hết mình trong công việc với tư cách một luật sư. Tình cờ cô gặp lại người bạn cũ năm nào khiến nỗi niềm ấy càng lớn dần và đó cũng là lý do cuối cùng khiến cô và Paul đi đến quyết định thuê một bảo mẫu để chăm sóc 2 đứa con của họ, để họ có thể tập trung cho sự nghiệp của mình, và họ gặp được Louise.
Trong suốt thời gian đầu có sự hiện diện của Louise trong căn nhà, Paul và Myriam đã vô cùng hạnh phúc. Họ gọi chị là bảo mẫu tuyệt vời nhất, họ khoe Louise với những người bạn của mình, thậm chí Myriam còn xem Louise như một người thân trong gia đình mình. Họ lao đầu vào công việc và giao hoàn toàn 2 đứa bé cho Louise chăm sóc. Sự nghiệp ngày càng thăng tiến nhưng những khoảnh khắc ở bên gia đình ngày càng rời rạc. Họ vừa phấn khích trong công việc của mình nhưng cũng vừa hối tiếc vì đã bỏ lỡ những khoảnh khắc bên cạnh các con. Đó có lẽ cũng là những mâu thuẫn chung của những ông bố, bà mẹ trẻ hiện nay khi không thể toàn vẹn cả 2 mặt là gia đình và sự nghiệp.
Nhưng càng về sau, có lẽ bản tính con người dần thay đổi. Paul bắt đầu khó chịu về sự có mặt của Louise, và thể hiện sự coi thường đối với chị. Anh cho rằng chị đã mang sự nghèo khổ và hèn mọn đến và xuất hiện trước mặt họ. Anh ta đã từng rất biết ơn vì Louise luôn gửi những ảnh chụp 2 đứa trẻ cho vợ chồng anh, đề họ dù không có mặt nhưng vẫn có thể nắm được từng khoảnh khắc của con, rồi sau này khi chúng lớn cả gia đình có thể cùng ngồi xem lại những bức ảnh đó. Nhưng càng về sau, sự biết ơn ban đầu lại bị thay thành sự chán ghét, anh ta thấy Louise thật phiền phức khi luôn gửi ảnh vào điện thoại của họ với những câu bình luận quê mùa. Paul vừa chán ghét vừa xem thường chị, nhưng cũng vừa không thể sống hoàn hảo như hiện tại nếu thiếu đi sự phục vụ của chị. Có lẽ, chính những thay đổi đó dần dẫn đến sự xa cách của 2 vợ chồng Paul, Myriam với Louise.
Đối với 2 người này, mình cảm thấy, có phải con người ta luôn được voi đòi tiên không? Con người luôn không biết thoả mãn nhỉ?
Giá như chúng ta đừng xây nên những ảo tưởng màu hồng ngay lúc đầu. Nếu có thể nghĩ đến những hậu quả có thể phát sinh ngay từ đầu thì mọi thứ có lẽ tốt hơn rồi. Như trong xã hội hiện tại, nhiều người chỉ đơn giản nghĩ đến “ngôi nhà và những đứa trẻ”, nhưng sau đó thì sao? Bạn có sẵn sàng hy sinh thời gian của mình không, có sẵn sàng dừng lại sự nghiệp hay giấc mơ của mình để chăm sóc chúng không, có sẵn sàng chịu trách nhiệm cho việc nuôi nấng một hoặc nhiều đứa trẻ không? Nếu không hoặc chưa sẵn sàng thì làm ơn bỏ giùm cái “định luật”: Sinh rồi tự khắc nuôi được.
Hơi lạc đề nhưng đây cũng là một điều mà sau khi đọc xong “Người lạ trong nhà” đọng lại trong mình. Bên cạnh sự cô đơn và những áp lực mà một người, một giai cấp phải chịu thì còn có vấn đề trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ trong xã hội ngày nay nữa.
Review của độc giả Nga Thuy Tran – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
Người lạ trong nhà | http://bit.ly/nguoilatrongnhaNhaNam | http://bit.ly/nguoilatrongnhaTK | http://bit.ly/nguoilatrongnhaFHS |