Có những tác phẩm chọn đúng thời điểm để trình hiện với thế giới. Có những câu chuyện gặp được đúng người kể đích đáng để cất lên. Có những thông điệp tìm được đúng cách để lan tỏa trong thế giới nhiều vọng động. Những trước tác của Khaled Hosseini – nhà văn người Mĩ gốc Afghanistan – luôn xuất hiện ở giao điểm của những điều “đúng” ấy. Và rồi núi vọng, tác phẩm thứ ba của Hosseini nhìn ở góc độ nào cũng là một thiên truyện như vậy.
Nối tiếp thành công vang dội của Người đua diều và Ngàn mặt trời rực rỡ, Và rồi núi vọng được xuất bản năm 2013 trong sự kì vọng và tin tưởng của tác giả. Hosseini từng bày tỏ: “Tôi vô cùng hào hứng khi chia sẻ với độc giả về cuốn sách này”(1). Vẫn tiếp tục lấy gia đình làm chủ đề trung tâm, nhưng ở tác phẩm này, Hosseini không tập trung vào tình cha hay tình mẹ, mà hướng ngòi bút “về các anh chị em và về việc họ đã yêu thương, làm tổn thương, phản bội, kính trọng và hy sinh cho nhau như thế nào”(2). Đọc hơn 500 trang sách, dõi theo 58 năm cuộc đời của anh em Abdullah và Pari từ làng nhỏ Shadbagh đến thủ đô Paris hoa lệ hay bang San Francisco xa xôi, cảm thấy rõ rằng câu chuyện về Afghanistan đã chọn đúng Khaled Hosseini để thoát thai.
Đúng, bởi trải nghiệm sâu sắc của Hosseini – người con máu thịt của Afghanistan luôn lưu giữ trong mình những sự kiện không chịu tĩnh lại thành kí ức, bởi khuôn mặt lịch sử của Kabul với “mỗi một dặm vuông có cả ngàn thảm kịch”(3) cần được minh định bằng ngòi bút có cả sức nóng thực tế và độ lùi khách quan như Hosseini, bởi thông điệp về sự hàn gắn vẫn vượt lên trên bao thăng trầm đứt gãy để trở thành tiếng vọng của thời đại, bởi niềm tin vào những giá trị vĩnh hằng mang tầm vóc của di sản dân tộc vẫn sáng lên da diết trong bối cảnh một Afghanistan còn chìm trong định kiến và chia rẽ. Phải là Khaled Hosseini, con người lớn lên giữa sa mạc và núi non, mới đủ thấm thía khi viết về cây sồi mấy trăm năm tuổi, về “loại nho chỉ có thể mọc ở Shadbagh, không nơi nào khác trên thế giới có cả”(4). Phải là Khaled Hosseini, người đã đi từ Kabul qua Paris đến Bắc California mới thấu rõ cảm thức lưu lạc để viết về sự chia cắt tình thân, thậm chí chia cách trong nội tại bản thể đủ sức nặng đến vậy. Phải là Khaled Hosseini, với sự tinh tường và chính xác của bàn tay từng cầm dao mổ, mới có thể lách ngòi bút vào khoảng hỗn loạn của thời cuộc, mù mờ của nhận thức để phản ánh những vấn đề nan giải của Afghanistan bằng những hình tượng nghệ thuật giàu hàm lượng cảm xúc. Tất nhiên, người chắp bút câu chuyện về đất nước Hồi giáo bị xâu xé bởi mâu thuẫn sắc tộc và bàn tay ngoại bang không nhất thiết mang tên Khaled Hosseini, nhưng phải có đủ sức nặng của trải nghiệm, đủ tầm rộng của góc nhìn, đủ sự đau đáu hướng về quê hương như người con của Afghanistan sinh năm 1965 ấy, mới có thể viết được câu chuyện có sức lan toả lên đến hàng chục triệu bản. Như một câu hát cất lên từ mạch nguồn truyền thống, như huyền thoại mở đầu tác phẩm và trở thành vọng âm trong bao trái tim người, Và rồi núi vọng mang dáng dấp một bài hát của sự trở về: trở về với quê hương Afghanistan còn nghèo đói và chiến tranh để nhận diện chính mình, trở về với tình ruột rà máu mủ sau bao tháng năm xa cách để lấp đầy những khoảng trống trong bản thể. Có lẽ, từ sự trở về ấy, mỗi số phận sẽ tìm thấy lối ra trong mê cung của những bi kịch chồng chất.
Nếu tiếng núi trong Tiếng rền của núi của Yasunari Kawabata là âm thanh của cái đẹp mong manh, của sự hòa điệu vô hình dễ bị thất tán bởi ô trọc của thời đại, thì tiếng núi vọng của Hosseini lại là tiếng vọng âm trầm của những giá trị vĩnh hằng, có thể bị khuất lấp nhưng không điều gì triệt tiêu được. Xuất phát từ niềm tin ấy, tác giả đã lấy câu chuyện về sự lưu lạc của anh em Abdullah-Pari làm trung tâm để kết nối những câu chuyện đời khác… Một đêm mùa thu năm 1952, bên rìa sa mạc hoang vắng, người cha nghèo khổ Saboor đã kể cho hai con nhỏ (Abdullah và Pari) câu chuyện “cắt một ngón tay để cứu cả bàn tay”(5). Đau đớn, nhưng có thể làm gì khác được? “Phải là con bé”(6), như lời thốt ra từ miệng người mẹ kế Parwana! Từ đó là hành trình dằng dặc chia cách của hai anh em trên cái nền đau thương của những biến cố trong lịch sử Afghanistan. Nhưng đó đâu chỉ là số phận riêng của Abdullah và Pari, nhìn ở tầm rộng hơn, đó còn là hành trình số phận của dân tộc Afghanistan. Lưu lạc và mất mát đã thành hệ quy chiếu để diễn giải cuộc đời của các nhân vật: nỗi cô đơn của Nabi hay kết thúc thê thảm của cha con Gholam khi tìm về làng cũ, hạnh phúc xa hoa đơn độc của Adel hay lựa chọn dành phần lớn cuộc đời làm công việc nhân đạo ở Kabul của bác sĩ từ tâm Markos, thậm chí sự trở về của Timur và Idris hay nỗi trống thiếu mơ hồ đằng đẵng của Pari đều nằm trong vòng quay ấy. Tất cả, dù mang diện mạo và bi kịch khác nhau nhưng đều chung con đường trở về để tìm sự gắn kết với những di sản của quá khứ, từ đó mà tìm thấy ý nghĩa sự tồn tại của bản thân.
Có thể nói, mỗi trang sách của Hosseini trong Và rồi núi vọng đã đặt người đọc vào thế đối diện: đối diện với với thế giới rộng lớn và đối diện với những điều khuất lấp trong bản dạng. Hosseini phác họa Afghanistan của ông, nhưng người đọc tìm thấy một chỗ cho chính mình trong hơn nửa thế kỉ đầy biến động của đất nước quê hương ông, rồi từ điểm tựa ấy mà nhìn nhận lại thế giới của mình.
Và rồi núi vọng, với ma thuật kể chuyện của Hosseini đã lướt nhanh qua bề mặt hiện thực để chạm vào một hiện thực khác, sôi trào hơn, sống động hơn và luôn đau đáu. Đó là hiện thực của lòng người với bề bộn cảm xúc và thao thức trong trí nghĩ. Chính dòng cảm xúc vừa riêng tư của mỗi cá nhân, vừa đồng điệu vì mang hơi thở của thời đại mà mỗi nhân vật hiện diện đã nối kết các phần riêng rẽ trong cuốn sách. Đứng ở điểm nối kết ấy, hãy lắng lòng để nghe tiếng núi còn vọng mãi…
Review của độc giả Hàn Giang – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
VÀ RỒI NÚI VỌNG | https://bit.ly/varoinuivongtb2021Tiki | https://bit.ly/varoinuivongtb2021FHS |