Vừa biết kết quả Giải Nobel Văn chương 2022 là mình ngồi viết review ngay rồi.
Thật sự mình không hề có một ấn tượng nào về nhà văn này cả. Tác phẩm “Một chỗ trong đời” là cuốn duy nhất mình đọc của bà, nhưng cảm xúc để lại khá nhợt nhạt, đến mức khi viết cảm nhận về nó mình… phút chốc có chút không biết nói gì.
Mình tìm cuốn này để đọc, chỉ vì cái tựa “Một chỗ trong đời” khá thu hút và cái bìa cũng rất xinh đẹp. Nó khiến mình liên tưởng đến một cốt truyện thâm trầm sâu sắc về ý nghĩa cuộc đời hay nhân sinh quan gì đó.
Vậy mà không phải. Ngược lại, nội dung khá đơn giản, là tự sự của người con về cuộc đời mình xoay quanh mối quan hệ giữa cha và con gái.
Lúc mới đọc được vài trang, mình khá ngỡ ngàng với lối kể chuyện của người con, về cái chết của người cha – nó hờ hững đến mức lạnh lùng, mình dường như không thấy có trạng thái cảm xúc nào đang diễn ra trong trái tim của cô. Sau này mình có đọc được đâu đó, thì biết được, đó là lối hành văn đặc trưng của tác giả, chọn đi theo kiểu viết nhạt nhẽo, vô vị, không dùng những từ hoa mỹ hay phóng đại, chỉ đơn giản là thuật lại sự việc.
Nhưng, đó là cách viết đặc trưng vốn dĩ của tác giả hay là cách để khiến độc giả – như mình đây lờ mờ nhận ra ngay từ những trang đầu tiên về bất thường xúc cảm quan hệ giữa hai cha con cô?!? Mình nghĩ vậy, nhờ cách viết ấy mà người đọc chạm vào được sự chân thực một cách đơn giản nhất, tự cảm nhận nhân vật bằng trực giác chính mình. Có phải đó là một lý do tạo ra cái đặc trưng, cái ấn tượng một phần nào làm nên một nhà văn đạt giải Nobel chăng?
Nói vậy để chạy đuổi theo hào quang mới có thôi, chứ thực tế mình đã từng cố gắng để đọc hết tác phẩm này, cho dù nó khá mỏng, chưa đầy 100 trang giấy. Cách viết nhạt nhẽo, nội dung không có gì đặc sắc, nó khiến người ta dễ bỏ cuộc.
Một người cha hay cáu kỉnh, luôn không ủng hộ và chưa từng cố gắng hiểu con gái. Ngược lại, người con gái cũng đâu hiểu cha và khoảng cách giữa họ cứ dài ra cho đến khi “không còn gì để nói với nhau nữa.” Và có phải, cứ thế, tình cảm của họ nhợt nhạt và vô cảm đi không? Mình tin nếu bạn đọc nó, bạn sẽ cảm nhận được nỗi yêu thương con của người cha, tuy có sai cách nhưng là rất nhiều, và ông đã dùng cả cuộc đời của mình để đưa người con mà mình tự hào đến một chỗ trong đời, nơi mà ông cho rằng cô sẽ tìm thấy ánh sáng cuộc đời, thứ mà ông không thể có được.
❝ Có lẽ niềm tự hào lớn nhất đối với ông, hay thậm chí là lời biện minh cho cuộc đời ông: là tôi đang thuộc về thế giới từng khinh miệt ông. ❞
Và người con gái, khi cuối cùng cô đã thấu tỏ được thì dường như mọi chuyện đã lỡ muộn màng. Một chỗ trong đời, có phải là nơi có cha – người không ai có thể thay thế trong lòng cô hay không!?!
Cái kết có lẽ là phần khiến người đọc thẫn thờ nhiều nhất, một cảm giác nuối tiếc không rõ ràng, với cái nhíu mày vô thức.
“Tôi viết chậm. Cố công vạch ra nền móng của một cuộc đời trong tổng thể các sự kiện và lựa chọn, tôi có cảm tưởng sẽ dần đánh mất đi vẻ đẹp riêng của cha tôi. Cái khung nền có nguy cơ mất vị trí, còn ý nghĩ thì cứ chạy tán loạn. Ngược lại nếu tôi để những ký ức đó len lỏi vào thì tôi sẽ nhìn thấy con người của chính cha tôi nụ cười của ông, dáng đi của ông, ông nắm tay tôi đi hội chợ, chơi vòng quay ngựa và điều đó là tôi phát sợ…”
Tác phẩm đã từng được giải giải thưởng Renaudot 1984, nay có thêm Nobel văn chương cho tác giả nữa, liệu Nhã Nam có tái bản không, khi cuốn này không còn thấy bán trên thị trường nữa rồi ^^?
Review của độc giả Tâm Nguyễn – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA | SHOPEE |
MỘT CHỖ TRONG ĐỜI | https://nhanam.vn/products/mot-cho-trong-doi-tb-2022 | https://tiki.vn/mot-cho-trong-doi-p205033951.html?spid=205033955 | https://www.fahasa.com/mot-cho-trong-doi.html | shorturl.at/ktDJU |