Đôi lần, khi bất cẩn, con tin rằng vết thương cũng là nơi mà da gặp lại mình, bờ này hỏi bờ kia, mày đã ở đâu?
Mình đã ở đâu, hả mẹ?”
Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian được viết dưới dạng lá thư người con trai gửi cho bà mẹ không biết chữ của mình. Bà mẹ không biết một chữ tiếng Anh, ấy thế mà đã nuôi anh lớn lên trên đất Mỹ. Lá thư dày đặc chữ, dày đặc hình ảnh và suy nghĩ của anh, về những điều mẹ anh chưa biết, không biết hoặc đã biết. Những sự kiện, những mảnh vụn ký ức cứ thế nối liền nhau. Không đường biên, không rào trước, những hình ảnh liên tiếp tràn đến như thuỷ triều, tự xếp cho mình chỗ đứng của nó, chờ những đợt sóng khác dội tiếp lên, và cứ như thế mãi. Miên man nào là những ký ức. Miên man nào là hình ảnh. Miên man nào là những miêu tả sắc cạnh nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ.
Anh viết về người mẹ mang tên một loài hoa – hoa Hồng. Rose. Một bông hoa Hồng mọc ra từ một nhành Lan. Bà ngoại anh tên Lan. Đó là tên bà đã tự đặt cho mình sau khi chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt. Một loài hoa mà như Ocean Vuong đã nói: Khi nở ra trông như bị xé rách. Mình nghĩ đó là lần đầu tiên trong đời, bà đã rực rỡ, với một thân mình tự do và cái tên bật ra từ chính mình. Anh viết về những hậu chấn tâm lý chiến tranh của Ngoại và mẹ. Một người bà lú lẫn luôn nghĩ chiến tranh vẫn còn nổ ra ngoài kia. Người thường đột ngột bật dậy trong đêm để kéo Chó Con của bà núp gần cửa sổ, chờ loạt pháo bắn trong đầu bà dần tắt. Nhưng dẫu vậy, bà vẫn luôn biết vấn đề trong đầu óc của mình, và cả vấn đề trong đầu óc của con gái.
“Má con thương con lắm đó Chó Con. Nhưng má con bệnh. Bệnh như bà vậy. Trong đầu nè.”
Ocean Vuong viết về những tan vỡ trong tâm hồn của những người quanh anh. Nhưng những tan vỡ ấy lại nhẹ nhàng và có ý nghĩa xiết bao. Những tan vỡ ấy đã góp phần định nghĩa chính bản thân họ. Anh luôn có những kết luận, hoặc những câu hỏi như khẳng định khiến mình rung động làm sao: Mẹ đau. Làm sao một người có thể là một cảm giác? Hay, Con nhớ mẹ hơn là nhớ những gì về mẹ. Hay, Tại sao ngôn ngữ của sáng tạo không thể là ngôn ngữ của tái tạo?
Anh viết về cậu bạn trai Trevor. Người luôn nghĩ mình là dị tính, là đàn ông. Người luôn nghĩ vậy ngay cả khi hai người gần kề nhau và làm tình. Người đầu tiên ngoài gia đình gọi anh bằng cái tên thân mật: Chó Con. Người an ủi anh khi anh không kìm được mình: Này, nghe mình, đừng có lo nghe không?
Nhưng ngoài những gì Ocean Vuong đã viết về vấn đề di dân, phân biệt chủng tộc, tác giả còn khiến mình ngạc nhiên về ý thức kiểm soát lẫn cái tôi. Đó là câu chuyện bắt đầu với Trevor. Đó là khi anh miêu tả mối quan hệ của hai người họ, anh bộc lộ suy nghĩ về quyền lực – thứ quyền lực mang tên khuất phục:
“Để được vào khoái lạc, Trevor cần con. Con có một lựa chọn, một ngón nghề, cậu lên hay xuống đều phụ thuộc vào việc con có sẵn lòng xếp chỗ cho cậu, vì ta không thể vươn lên nếu không có gì cho ta vươn cao hơn nó. Khuất phục là cách kiểm soát mà không cần phải ở trên cao.”
Cái sự tương quan quyền lực giữa người thụ lực và người chủ lực mà Ocean Vuong chỉ ra trong mối quan hệ của anh với Trevor tương tự với cách mà Michel Foucault từng diễn giải quan niệm của ông về quyền lực. Vai trò của mỗi cá nhân trong mối quan hệ đều có tiếng nói và khả năng tác động nhất định. Ranh giới giữa màu da, kẻ yếu và kẻ mạnh dần bị xoá mờ.
Như thế, mình đã biết Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian không chỉ đơn giản là một bức thư con trai gửi cho người mẹ. Và mình nên đọc đi đọc lại nó nhiều lần nữa. Viết về vấn đề di dân dễ gây bức bối, song cuốn sách này lại nhẹ nhàng hơn mình nghĩ – có lẽ phần nhiều do cách viết của tác giả. Cứ như thể trong quá trình tái tạo lại kí ức lên bức thư dài này, anh đã biến đau đớn thành một điều gì đó khác. Như là… một cú chạm vậy.
Đã từng nghe ai đó nói văn chương Ocean Vuong hay nhất khi đọc bằng nguyên bản tiếng Anh. Nhưng với bản dịch này, mình cho là cảm xúc mình nhận được đã rất đủ, rất mãnh liệt và xúc động rồi.
Năm mới mạnh dạn làm thang đánh giá cá nhân. Xin đánh giá quyền này 4.8/5 ạ.
Review của độc giả Nguyen Nguyen – Nhã Nam reading club