Review Người truyền ký ức

Review Người truyền ký ức

Mình đã từng đọc tác phẩm này cách đây khá lâu, nhưng là đọc lậu. Ngày ấy mình còn nghèo và không có nhiều tiền dành cho sách, bây giờ thì mình vẫn nghèo nhưng đã sống có trách nhiệm hơn và muốn bù đắp lợi nhuận cho tác giả cũng như nhà xuất bản, nên trước thềm sinh nhật, hễ có ai muốn tặng quà mình đều đòi được tặng sách vì biết đầu tư cho sách luôn luôn là một món hời. Và cuốn sách này đã được bổ sung vào giá sách mình cũng theo cách ấy, nó đến từ một người bạn xinh đẹp mà mình quen qua mạng.⁣

Có lẽ không cần phải nói nhiều về độ nổi tiếng cũng như danh tiếng của “The giver – Người truyền ký ức” – một trong những tác phẩm tiêu biểu theo trường phái “Phản địa đàng”. Truyện thiếu nhi nhưng lại không quá thích hợp khi đọc ở độ tuổi trẻ con, bởi nó cần nhiều sự chiêm nghiệm và suy nghĩ hơn là chỉ đọc thoáng qua để nắm bắt phần nội dung chẳng mấy hồi hộp của tác phẩm.⁣

Nói là không hồi hộp bởi tác phẩm thiếu vắng những cú “plot twist” vốn là đặc sản thường có trong mọi cuốn bộ phim, nhưng kết cục thì vẫn gợi nên những sự khó đoán định nếu người đọc không đi đến tận cùng. Câu chuyện theo chân Jonas, một thiếu niên sắp bước qua tuổi mười hai, đang vừa háo hức vừa lo sợ buổi lễ trưởng thành sắp tới gần ở cộng đồng mà cậu đang sống. Một cộng đồng nơi những đứa trẻ không được sinh ra bởi bố mẹ cùng nhà, mà được cho ra đời bởi những người chuyên làm nhiệm vụ sinh đẻ để duy trì nòi giống cho cộng đồng được gọi là “Mẹ đẻ”, với giới hạn tối đa là năm mươi “bé mới” trên một năm. Với từng độ tuổi, những đứa trẻ sẽ được trao tặng các món quà ứng với sự trưởng thành, và khi đạt đến độ tuổi mười hai, chúng sẽ được hội đồng định hướng cho công việc tương lai phù hợp với khả năng của mỗi đứa. Trái với các bạn, Jonas không được trao bất cứ nhiệm vụ định hướng nào ở lễ mười hai, bởi cậu đã được lựa chọn để trở thành người lưu giữ ký ức của cả cộng đồng. Từ đó cậu gặp “Người truyền thụ” và bắt đầu thấu hiểu những điều mà chẳng ai trong cộng đồng hiểu, nhìn thấy những thứ mà không một ai trong cộng đồng từng thấy. Rồi cậu nhận ra nơi mình sống vốn chẳng phải là địa đàng mà là một xã hội rập khuôn thiếu vắng nhiều xúc cảm, mang phần nhiều sự vô nhân đạo dưới cái lốt hạnh phúc đều đặn mỗi ngày.⁣

Cốt truyện không hề có cao trào, nhưng người đọc vẫn đoán được rằng sẽ có một gì đó xảy ra ở phần kết của tác phẩm, một sự kiện gì đó mở màn cho thức tỉnh, để cộng đồng của Jonas chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Mình đã chờ đợi sự kiện này xảy ra, và đáng buồn là nó không được như mình mong đợi. Cái kết tập trung nhiều vào nhân vật chính mà không hề đưa ra bất cứ gợi ý nào về sự chuyển biến của cộng đồng sau sự kiện ấy. Vậy nên sau tất cả mình không quá thỏa mãn với cái kết của tác phẩm, đó là lý do mình trừ điểm đánh giá cá nhân cho tác phẩm này.⁣
Tuy nhiên tác phẩm có rất nhiều điểm sáng. Đầu tiên, cái cách mà Lois Lowry miêu tả những điều vốn bình dị trong cuộc sống của chúng ta trở thành những thứ quái dị mà các nhân vật trong tác phẩm chưa bao giờ được trải nghiệm là một sự tài tình và tự nhiên đến nỗi chính mình cũng phải mơ hồ vài giây để chắc rằng mình đã hiểu đúng về ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng, cảm xúc… trong cuộc sống này. Mình cũng rất thích sự chỉn chu bà dành cho từng chi tiết, dù là nhỏ nhặt, ví dụ như những món quà mà các đứa trẻ được nhận khi bước sang tuổi mới đều có ý nghĩa riêng của nó, hay những luật lệ khắt khe nhằm duy trì trạng thái xã hội ổn định để tránh mọi xung đột và sự cố có thể xảy ra. Nhưng mình nghĩ điều khiến tác phẩm này đặc biệt hơn cả chính là xã hội “phản địa đàng” dưới lốt “địa đàng” được tác giả khắc họa nên, nó không quá trần trụi và đau buồn như “Chuyện người tùy nữ” của Margaret Atwood nhưng vẫn mang những nét ám ảnh khiến người ta cứ phải suy nghĩ hoài.⁣

Đầu tiên là về tính riêng biệt của từng cá nhân, con người có thể đấu tranh để trở nên bình đẳng, để xóa bỏ khoảng cách giữa các tầng lớp, hay sắc tộc…nhưng chẳng có ai đấu tranh để loại bỏ bản ngã của chính mình, để sống một cuộc đời bị sắp đặt từ khi sinh ra tới lúc già cỗi. Sẽ thế nào nếu một xã hội phát triển vượt xa cả sự bình đẳng và trở thành đồng nhất tuyệt đối, nơi người ta mặc những bộ đồ giống nhau, ăn những bữa ăn được chuẩn bị sẵn không một chút khác biệt, tham dự những buổi lễ và kỷ niệm với tâm thế của những con chiên ngoan đạo bị đặt trong luật lệ chung của cộng đồng?⁣

Sự vô nhân đạo xảy ra mà người ta còn không hề biết đến khái niệm “vô nhân đạo” này. Thể hiện qua việc “phóng thích” ở cộng đồng, họ có thể phóng thích bất cứ ai, từ những người lớn tuổi đã cống hiến cả cuộc đời mình đến một đứa trẻ sơ sinh khi nó “không đạt đủ tiêu chuẩn của cộng đồng”. Nơi mà những người sống chung dưới mái nhà không được gọi là “gia đình” mà là “TỔ gia đình”, một tập hợp của những cá thể chẳng có liên kết gì với nhau bằng máu mủ hay tình cảm mà là bằng nghĩa vụ và luật của cộng đồng. Rồi những đứa trẻ ấy khi lớn lên cũng không có trách nhiệm gì với người bố mẹ đã nuôi dưỡng chúng, họ lãng quên lẫn nhau và lại có cho mình “Tổ gia đình” mới.⁣

Loại bỏ những thứ mà con người cho là ko cần thiết, là bất cập, là cổ lỗ…khiến ta nghĩ rằng xã hội sẽ tốt đẹp hơn, nhưng thực tế thì nó biến con người thành những con rối rập khuôn hời hợt, mất nhiều nhận thức và thiếu thốn kinh nghiệm sống. Con người là động vật bậc cao bởi cảm xúc phức tạp, phân hóa đa dạng, xã hội với cấu trúc cầu kỳ và chuyên biệt, có khả năng cảm nhận sâu sắc…khi loại bỏ những thứ đó, con người còn lại gì?⁣

Hơn hết, cuốn sách cũng có những suy tưởng rất thực tế, có thể đặt ở bất cứ xã hội và thời gian nào, điều đó thể hiện qua những lời thoại hết mực thông thái:⁣

“𝑻𝒂 𝒃𝒊𝒆̂́𝒕 𝒓𝒂̆̀𝒏𝒈 𝒕𝒓𝒐𝒏𝒈 𝒒𝒖𝒂́ 𝒌𝒉𝒖̛́ đ𝒂̃ 𝒄𝒐́ 𝒏𝒉𝒖̛̃𝒏𝒈 𝒕𝒉𝒐̛̀𝒊 𝒌𝒚̀ – 𝒏𝒉𝒖̛̃𝒏𝒈 𝒕𝒉𝒐̛̀𝒊 𝒌𝒚̀ 𝒌𝒉𝒖̉𝒏𝒈 𝒌𝒉𝒊𝒆̂́𝒑 – 𝒏𝒈𝒖̛𝒐̛̀𝒊 𝒕𝒂 𝒗𝒐̣̂𝒊 𝒗𝒂̀𝒏𝒈 𝒉𝒖̉𝒚 𝒅𝒊𝒆̣̂𝒕 𝒏𝒉𝒂𝒖, 𝒗𝒊̀ 𝒔𝒐̛̣ 𝒉𝒂̃𝒊, 𝒗𝒂̀ 𝒓𝒐̂́𝒕 𝒄𝒖𝒐̣̂𝒄 𝒍𝒂̣𝒊 đ𝒖̛𝒂 đ𝒆̂́𝒏 𝒔𝒖̛̣ 𝒉𝒖̉𝒚 𝒅𝒊𝒆̣̂𝒕 𝒄𝒉𝒊́𝒏𝒉 𝒎𝒊̀𝒏𝒉.”⁣

Người ta có thể làm bất cứ điều gì để đảm bảo quyền lợi của bản thân, chỉ quan tâm đến mục tiêu trước mắt và rồi sẽ phải hối hận về những hệ lụy mà hành động ấy mang lại. Chẳng cần đâu xa, lấy chiến dịch “Diệt chim sẻ” của Mao những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước làm ví dụ, chỉ một bước sai lầm và 30 triệu người đã bỏ mạng. Khắp chiều dài bất tận của nhân loại, liệu sẽ có thêm biết bao nhiêu hậu quả đau lòng xảy đến từ những quyết định thiếu sót đầy ích kỷ của chính giống loài chúng ta?⁣

“Đ𝒊𝒆̂̀𝒖 𝒕𝒐̂̀𝒊 𝒕𝒆̣̂ 𝒏𝒉𝒂̂́𝒕 𝒄𝒖̉𝒂 𝒗𝒊𝒆̣̂𝒄 𝒈𝒊𝒖̛̃ 𝒏𝒉𝒖̛̃𝒏𝒈 𝒌𝒚́ 𝒖̛́𝒄 𝒌𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒑𝒉𝒂̉𝒊 𝒍𝒂̀ 𝒏𝒐̂̃𝒊 đ𝒂𝒖, 𝒎𝒂̀ 𝒍𝒂̀ 𝒔𝒖̛̣ 𝒄𝒐̂ đ𝒐̣̂𝒄. 𝑲𝒚́ 𝒖̛́𝒄 𝒄𝒂̂̀𝒏 𝒑𝒉𝒂̉𝒊 đ𝒖̛𝒐̛̣𝒄 𝒄𝒉𝒊𝒂 𝒔𝒆̉.”⁣

Chẳng ai muốn trải qua đau đớn, nhưng cũng chẳng ai muốn đắm mình trong cô độc, không một ai sinh ra trên đời để bị lẻ loi hay “xứng đáng được” tách mình khỏi cộng đồng. Bất cứ cá nhân nào, ở độ tuổi hay giới tính nào, cũng có quyền được đào sâu gốc rễ và được sống với những cảm xúc nguyên bản nhất.⁣

“𝑵𝒉𝒖̛𝒏𝒈 𝒄𝒉𝒖́𝒏𝒈 𝒕𝒂 𝒌𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒄𝒐́ 𝒒𝒖𝒚𝒆̂̀𝒏 𝒍𝒖̛̣𝒂 𝒄𝒉𝒐̣𝒏…𝑻𝒂 𝒄𝒐́ 𝒗𝒊𝒏𝒉 𝒅𝒖̛̣ 𝒓𝒂̂́𝒕 𝒍𝒐̛́𝒏. 𝑪𝒂̣̂𝒖 𝒄𝒖̃𝒏𝒈 𝒔𝒆̃ 𝒏𝒉𝒖̛ 𝒗𝒂̣̂𝒚. 𝑵𝒉𝒖̛𝒏𝒈 𝒄𝒂̣̂𝒖 𝒔𝒆̃ 𝒉𝒊𝒆̂̉𝒖 𝒓𝒂̆̀𝒏𝒈 đ𝒊𝒆̂̀𝒖 đ𝒐́ 𝒌𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒈𝒊𝒐̂́𝒏𝒈 𝒗𝒐̛́𝒊 𝒒𝒖𝒚𝒆̂̀𝒏 𝒍𝒖̛̣𝒄.”⁣

Có vinh dự và được chúc tụng, sống trong sự kính trọng và những lời tán thưởng đôi khi cũng chỉ là con rối nằm trong quyền kiểm soát của người múa rối, không có tiếng nói, không thể phản kháng và sống với bất lực đeo bám tâm hồn.⁣

Sau tất cả, những con người trong cộng đồng chấp nhận sống không cần ký ức để trốn tránh mọi nỗi đau mà họ có thể phải trải qua. Nhưng liệu điều đó có thực sự khiến họ hạnh phúc? Khi mà những cảm xúc về tình yêu, về cái đẹp, về sự rung động… đều chưa một lần lướt qua tâm thức họ? “Người truyền ký ức” – nơi địa đàng không hẳn là địa đàng, một cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc để chiêm nghiệm, để tự rút ra những bài học cho chính mình từ câu chuyện về một cậu bé mười hai tuổi, rằng điều gì là cần thiết và quan trọng nhất đối với chính ta?⁣

Review của độc giả Hoà Mai – reading club

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *