Hình hài của nước – Guillermo del Toro, Daniel Kraus
The Shape of Water
—-
“Cô chạm vào anh. Chạm vào chính mình. Không có sự khác biệt. bây giờ cô đã hiểu. Cô ôm anh, anh ôm cô, họ ôm lấy nhau, và vạn vật là bóng tối, là ánh sáng, là xấu xí, là đẹp đẽ, là nỗi đau, là sầu khổ, là không bao giờ và cũng là mãi mãi.”
—–
Phim điện ảnh Hình hài của nước do đạo diễn người Mexico Guillermo del Toro đã mang về vô số giải thưởng lớn, đặc biệt phải kể đến bốn giải Oscar cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Thiết kế xuất sắc nhất và Nhạc phim hay nhất. Dựa trên những thành công đó, ông và Daniel Kraus đã cùng nhau tạo nên tiểu thuyết Hình hài của nước.
Hình hài của nước lấy bối cảnh trong những năm 1960, thời kỳ Mỹ và Nga đang chiến tranh lạnh, một nhóm binh lính người Mỹ do Strickland dẫn đầu được cử đến vùng Amazon để săn tìm một sinh vật huyền thoại, được người Brazil gọi là Deus Branquia “Thần mang cá”, với những bí ấn và sức mạng mà người Mỹ tin rằng khám phá ra được, sẽ mang lại cho họ khả năng chống lại nước Nga. Trải qua hàng chục tháng ròng trong vùng rừng sâu nước hiểm, nhóm người của Strickland bị tổn thất nghiêm trọng, những người còn sống dường như cũng đánh mất bản thân, giống như phạm phải lời nguyền khi chạm vào một sinh vật thiêng liêng.
Nhân vật chính của câu chuyện, Elisa, cô gái câm lặng sống cuộc đời thầm lặng, với niềm đam mêm đặc biệt với âm nhạc và những đôi giày cao gót xinh xắn, Elisa làm công việc quét dọn đêm ở Occam, nơi sinh vật kia được chuyển đến, vô tình họ gặp gỡ nhau, giữa kẻ khác về giống loài nhưng hai tâm hồn lại đồng điệu một cách đáng kinh ngạc, những rung cảm giữa họ dần nảy nở và tạo nên một cảm xúc bất ngờ, nhưng liệu họ có vượt qua được ranh giới của bản thân để đến được với nhau.
Không đơn thuần kể về câu chuyện tình yêu đầy cổ tích có phần quen thuộc thường thấy về người đẹp và quái vật, Hình hài của nước còn đề cập đến nhiều vấn đề hơn, những nhân vật chưa được khai thác nhiều trong phim giờ đã có nhiều đất diễn hơn, tác giả đã khai thác có chiều sâu giữa tính cách của họ, khắc họa hiện thực xã hội xoay quanh số phận của những người da màu, người họa sĩ đồng tính, nhà khoa học tha hương, người vợ luôn khao khát được sống là chính mình hay thậm chí là Strickland cũng có những góc khuất khiến mình phải suy ngẫm. Quả thật, những điều còn thiếu ở phim điện ảnh đã được tiểu thuyết bổ sung một cách đầy đủ và cuốn hút nhất.
Nhịp truyện với mình có phần hơi chậm, giọng văn không phải là quá dễ đọc, nhưng nó vẫn có gì đó khiến mình khó rời mắt, hồi hộp với các diễn biến tiếp theo. Tuy không mang cốt truyện quá mới lại, nhưng Hình hài của nước với những thông điệp mạnh mẽ, cách kể hoàn toàn khác, cuốn tiểu thuyết chắc hẳn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm đầy thú vị.
Duy Thuy Dang – Nhã Nam reading club