REVIEW “ĐẠI DƯƠNG CUỐI ĐƯỜNG LÀNG” – Neil Gaiman

REVIEW “ĐẠI DƯƠNG CUỐI ĐƯỜNG LÀNG” – Neil Gaiman

Đại dương cuối đường làng là tác phẩm đầu tiên của bác Neil mà mình được đọc. Và đây cũng chính là khởi điểm cho niềm yêu thích đặc biệt của mình giành cho người bác già đáng mến này.

Câu chuyện bắt đầu sau một tang lễ nặng nề đằng đẵng tuốt tận miền quê Sussex, một người đàn ông trạc tuổi tứ tuần trong vô thức đã tìm về phía trang trại nằm ở cuối đường làng – trang trại của gia đình Hempstock, nơi có một cái ao vịt mà cô con gái Lettie thường gọi là “đại dương”. Và cũng chính từ đây, những mảnh kí ức thời ấu tưởng như đã được chôn chặt trong tiềm thức nay lại được gọi trở về, kéo theo cả những kỳ dị, bí ẩn nhưng không kém phần cảm động bỗng cùng lúc sống dậy trong tâm trí của ông.

Bốn năm về trước, cái chết của người thợ mỏ đá mắt mèo đã châm ngòi cho hàng loạt những sự kiện nguy hiểm và khó có thể giải thích. Đó chính là sự hiện diện của Ursula Monkton – một con quỷ của sự dục vọng dưới lớp vỏ của một người phụ nữ xinh đẹp làm nghề trông trẻ. Cùng với mụ, là những “kẻ hốt dọn” đáng sợ, có nhiệm vụ xâu xé nhân gian, đưa tất cả trở về dĩ vãng. May mắn thay, cậu bé không chơ vơ một mình. Sát cánh bên cậu là gia đình nhà Hempstock, là cô bé Lettie, là người chị, người bà, người mẹ – là một gia đình – gia đình cho cậu những cái bánh mì nóng, cho cậu những cốc sữa dê béo ngậy, cho cậu chỗ ngủ qua đêm và bỏ công cắt bỏ những mẩu kí ức kinh hoàng trong cậu. Trên hết, gia đình ấy cho cậu một mái ấm, cứu rỗi cậu khỏi thế giới xám ngoét, tăm tối và mang cậu trở lại với cuộc sống tươi đẹp bên ngoài.

Đến với “Đại dương cuối đường làng”, người đọc sẽ được đắm mình trong những vũng lầy đem đúm của sự rùng rợn và nỗi ám ảnh – rất Neil Gaiman: một con quỷ đội lốt người khoét một hố giun trên bàn chân của một cậu bé bảy tuổi, một người bố vì sắc dục mà suýt dìm chết đứa con ruột của mình trong bồn nước lạnh băng, hay là những sinh vật kì quái xuất hiện từ thinh không và biến mất cùng với lụi tàn… Dường như, tác giả đã làm sống dậy tất thảy những nỗi kinh khiếp thuở tấm bé của triệu triệu trẻ em và gom hết tất thảy vào trong những thiên truyện lạ lùng này.

Nhưng tất nhiên, sự rùng rợn thuần túy thì không thể khiến cho Đại dương cuối đường làng khiến mình mẩn mê tới vậy. Bên cạnh đêm đen mịt mùng, là cả những quãng nghỉ tươi sáng và phủ đầy chất thơ bàng bạc. Đó là hình ảnh một “đại dương” huyền ảo, rực rỡ dưới ánh trăng đêm, hay một bờ giậu vàng lấp lánh như vươn cao rồi rực sáng giữa những cơn ác mộng triền miên ghê sợ.

Neil Gaiman thực sự đã rất tài tình khi khắc họa thành công khung cảnh miền quê nước Anh vừa quạnh vắng, heo hút lại vừa huyền diệu, đẹp đẽ, thanh bình. Vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống trong các phẩm của Neil Gaiman nói chung dường như đều chất chứa trong nó một sự kỳ bí, huyền diệu khó tả. Sự kỳ diệu ấy len lỏi tới từng con chữ, mạ bạc tới từng ký tự và làm cả cuốn sách như bừng sáng trong mắt bạn đọc. Bác già đã xây dựng nên một thế giới kỳ ảo, lạ thường nhưng không hề tách bạch với thực tại. Đổi lại, dưới ngòi bút của bác, thế giới ấy lại hiện lên một cách đầy sống động, chân thực. Nó như nhập làm một với thế giới thực tại, màu sắc diệu kỳ quyện hòa hoàn hảo với chất liệu thực tế, tạo nên một nét rất riêng mà chỉ Neil Gaiman, riêng Neil Gaiman mới có thể làm được.

Bên cạnh nghệ thuật dựng cảnh đỉnh cao thì ngòi bút miêu tả nhân vật cũng là một điểm khiến mình phải trầm trồ. Hình ảnh một cậu bé đáng thương, cô độc hay hình ảnh gia đình Hempstock giản dị, bao dung nhưng đầy quyền uy đều khiến mình có những ấn tượng sâu sắc. Mỗi nhân vật, từ nhân vật chính đến nhân vật phụ, từ chính diện cho tới những kẻ phản diện xảo trá, mưu mô, ghê rợn đều được bác Neil khắc họa tỉ mỉ, ghi dấu đậm nét về cả nhân hình lẫn nhân tính, khiến cho độc giả đã đọc qua một lần thì không tài nào quên được. Thật khó có thể tin tất cả những tinh hoa này đều được gói ghém trong một cuốn sách chưa đầy 200 trang!

Nói chung, Đại dương cuối đường làng là một cuốn sách tuyệt vời. Kể chuyện hấp dẫn, miêu tả xuất sắc, thật khó có thể chê. Dẫu vậy, ở truyện vẫn xuất hiện tương đối nhiều những hình ảnh ẩn dụ có thể gây bối rối ở nếu không đọc thật kỹ. Cá nhân mình thì thấy thích cách tác giả dựng cảnh ở cuốn này hơn so với Coraline, dù cốt truyện có thể không xuất sắc bằng. 8.5/10, sách bác Neil chưa bao giờ phải làm mình thất vọng hết á.

Instagram: @albertshadou

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *