REVIEW “BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT” – Haruki Murakami

REVIEW “BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT” – Haruki Murakami

Hiện tại mình đang đọc cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót của Haruki Murakami, chỉ còn chục trang nữa thôi là kết thúc rồi, thật sự là mình cảm thấy hụt hẫng.

Murakami thật sự là một cái gì đó rất mới, rất khác, độc đáo và lạ lùng. Truyện của ông nhuốm màu xám xịt của những ngày âm u đầy mây như sắp mưa, có cả mùi, cái mùi lành lạnh mát mát của đất ấy, nhưng không phải mát theo kiểu làm người ta khoan khoái đâu, mà cảm giác kích thích đầu óc ta mở rộng để suy nghĩ gì đó ấy.

Trong cuốn này của Murakami, mình thích nhất những đoạn nhân vật phụ hồi tưởng lại kí ức trong . Trung uý Mamiya trong truyện là một cựu chiến binh trong thế chiến thứ 2, mặc dù được sống sót trở lại quê hương nhưng ông đã lạc mất cái được gọi là linh hồn của mình trong những năm tháng trên chiến trường ở Mãn Châu. Đoạn ông kể chuyện của mình với Okada (nhân vật chính) ông nói thế này:

“(…) tôi cảm thấy cuộc sống thực của mình đã chấm dứt dưới cái giếng sâu trong sa mạc Ngoại Mông kia. Tôi cảm thấy như thể, trong cái ánh sáng cường liệt mỗi ngày chỉ rọi vào đáy giếng trong mười đến mười lăm giây đó, tôi đã đốt cháy phần cốt lõi của sinh mệnh mình cho đến khi chẳng còn lại gì nữa. Với tôi, cái ánh sáng kia huyền bí đến như vậy đó! Tôi không giải thích được rõ lắm, nưng nếu nói một cách thật trung thực và giản dị, thì từ đó trở đi, dù tôi có gặp chuyện gì, dù tôi có trải nghiệm gì đi nữa, tôi cũng không còn cảm xúc nào trong đáy lòng tôi.”

Trung uý Mamiya đã được một người bạn tiên tri nói rằng ông sẽ không chết ở Trung Hoa, ông sẽ được trở về quê hương và chết trên đất Nhật. Đoạn trích trên là ông Kể lại cho nhân vật chính cảm giác khi ông bị quân địch vứt xuống dưới giếng, và sau đó Okada cũng không vì lí do gì mà cũng chui xuống một cái giếng cạn trong căn nhà hoang ở sau nhà, ngồi trong bóng tối suy nghĩ, hồi tưởng, vật lộn giữa thực tại và phi thực tại, để rồi xuyên sang một không gian khác, trong một căn phòng bóng tối bao trùm, đặc quánh, một chai Cutty Shark đậm mùi, chỉ có tiếng rạn nứt của những viên đá trong xô, thi thoảng leng keng vài tiếng dá va vào trong ly rượu của người đàn bà nằm trên giường, chỉ có thể nghe thấy giọng mà không thể thấy mặt. Rồi sau đó xảy ra những sự việc mà không biết là xảy ra trong thực tại hay phi thực tại. Nhân vật Okada đã rất nhiều lần trăn trở rằng liệu này xảy ra với ông có thật hay không, ông biết mình đang trong một không gian khác nhưng tại sao dấu vết xảy ra trong không gian ấy lại hiện hữu khi ông trở về thực tại.

Mỗi nhân vật trong cuốn này của Murakami đều thật dị thường. Kumiko, vợ của Okada, người đã từng có thời ấu đơn độc và khép kín, không yêu thích nổi gia đình mình, khi gặp được Okada thì đời cô như được tìm lại sức sống, nhưng rồi sau sáu năm cưới nhau thì vào một ngày bình thường cô bỏ đi không một dấu vết. Nhân vật Trung uý Mamiya, người tưởng chừng như may mắn khi thoát chết nơi chiến trường và được trở về quê hương, nhưng lại sống quãng đời còn lại của mình hoàn toàn trống rỗng, chỉ toàn ám ảnh về những gì mình thấy trong những năm tháng chiến tranh. Hai chị em Kano Malta, một cô đồng hay một nhà tiên tri và Kano Creta, một cô điếm thể xác rồi trở thành điếm tinh thần. Wataya Noboru, một chính trị gia suy đồi, bại hoại được đại chúng yêu thích. Cô thiếu niên mười sáu tuổi với những trăn trở về sự sống và sự tồn tại, Karahasa May. Quý bà Nhục đậu khấu với câu chuyện về vườn thú và một lần cận kề cái chết từ thưở thơ ấu. Cậu trai Quế lớn lên trong câu chuyện về vườn thú và tàu ngầm của mẹ cậu, Nhục đậu khấu, rồi bỗng nhiên một ngày cậu quyết định không nói nữa. Okada, một người thất nghiệp, sống làng nhàng từ ngày này qua ngày khác cùng với vợ mình, sau khi vợ bỏ đi thì chui xuống giếng suy nghĩ và xuyên sang một không gian phi thực tại khác, từ trong không gian ấy trở về thực tại thì mang theo một vết bầm, một vết bầm làm cuộc đời ông rẽ sang một góc khác và gặp những con người khác, để rồi trong chính không gian ấy, bằng cây gậy bóng chày ông cầm theo từ nhà người nghệ sĩ cầm thùng đàn ghi ta bí ẩn kì dị đã đánh nhau với ông, ông đã vung gậy đánh toác sọ một người đàn ông trong cái không gian phi thực tại ấy vì khao khát muốn đưa người đàn bà ngồi trên giường, người mà ông tin rằng chính là con người ẩn sâu trong Kumiko, vợ ông, về hiện thực.

Khi đọc cuốn này của Murakami mình đặt ra hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Lí do bỏ đi mà Kumiko viết trong thư có thật không, Wataya đã làm ô uế nội tâm bên trong của chị gái như thế nào, tại sao cả Kano Malta và ông Honda lại nhắc nhở Okada cẩn thận với nước, dòng chảy đã thay đổi nghĩa là sao, cậu bé mà ở trong mơ đã đào quả tim được chôn trong vườn nhà mình là ai, tại sao khi cậu trở về giường ngủ lại thấy một cái tôi khác của cậu đang ngủ trên giường, và tại sao khi ngủ dậy cậu lại cảm thấy mình như đang ở trong thân xác không phải là mình, tại sao Quế lại ngừng nói, người đàn bà nằm trên giường rốt cuộc là ai, người đàn ông không mặt bị Okada đánh chết là ai, thậm chí là người phụ nữ đã gọi điện gợi dục cho Okada ở đầu truyện là ai, v.v…

Biên niên ký chim vặn dây cót thực sự là một cuốn sách đáng đọc với những bạn nào thích tưởng tượng hình ảnh hay cảm xúc, thích ngẫm nghĩ rồi đặt mình vào nhân vật rồi cảm nhận. Cuốn này mà được dựng thành phim thì không còn gì đỉnh hơn được nữa, mình thực sự muốn xem những cảnh trên chiến trường hoặc cảnh Okada ở không gian phi thực tại trên màn ảnh. Bao phê!

Điểm trừ duy nhất ở cuốn này là dày mà lại không có mục lục, mỗi lần muốn giở lại đọc là lại phải dò…

Review của độc giả Pham Hoang Bao Khanh – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI
BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT https://bit.ly/biennienkychimvandaycottb2020Tiki

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *