Được phát hành vào lúc nửa đêm ở Nhật, bộ tiểu thuyết Kishidancho Goroshi của Haruki Murakami được in lần đầu lên đến gần 1 triệu rưỡi bản (cho cả hai tập).
Bản dịch tiếng Việt, Giết chỉ huy đội kỵ sĩ (2 tập, Mộc Miên dịch), trong lần in đầu cũng lên đến 10.000 bản – một con số lớn đối với thị trường xuất bản ở Việt Nam.
Từ lâu, cái tên Haruki Murakami không chỉ là một hiện tượng mà đã trở thành thương hiệu. Độc giả xếp hàng mua sách của ông như mua vé xem ca sĩ thần tượng.
Sách của ông bán hàng triệu bản, thậm chí làm tăng doanh số những đĩa hát và cuốn sách được ông nhắc đến trong tác phẩm.
Độc giả mua sách của ông không hẳn vì họ đều yêu mến văn chương của ông, mà phần nào đó vì nó “thời thượng”. Văn chương của ông đi dây giữa bình dân và bác học, và có vẻ như chính điều này cản trở ông đến với giải Nobel.
Vẫn là một thế giới đặc trưng Murakami như lời các độc giả quen thuộc. Trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, một họa sĩ trung niên bình thường chuyển đến ngôi nhà yên tĩnh ở vùng núi sau những rắc rối trong hôn nhân.
Tại đây, anh khám phá ra bức tranh “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ” trên tầng áp mái và từ đó một loạt sự kiện quái dị xuất hiện kéo nhân vật chính vào cuộc phiêu lưu không định trước.
Tác phẩm có những điều thường gặp ở các tiểu thuyết của Murakami. Nhân vật chính bình thường có xu hướng lánh đời, một người bạn giàu có và quyền lực, cái giếng (ở Giết chỉ huy đội kỵ sĩ là căn hầm). Nhưng khác biệt giữa tiểu thuyết này với những tiểu thuyết trước đó có lẽ ở nhịp điệu chậm.
Trong các tiểu thuyết, Murakami thường có xu hướng thông báo hay thậm chí “xô” độc giả vào một trạng huống kỳ dị từ những đoạn đầu tác phẩm, nhưng ở Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, mọi sự diễn ra từ tốn.
Murakami cần đến hơn ngàn trang sách (bản tiếng Việt) để kể một câu chuyện ông có thể hoàn thành trong vòng 500 trang (hoặc ít hơn nữa). Câu chuyện dễ đoán, có phần lặp lại các cuốn trước, nhưng điềm đạm, ít gây sốc và không còn muốn phá cách.
Nhà văn Haruki Murakami từng tâm sự ông đã nỗ lực nhiều năm để nắm được tư tưởng và tâm hồn độc giả. Người ta đọc ông dường như vì ông cho họ thứ họ cần: sự đồng điệu. Các nhân vật chính của ông thường bình dị, bị vây bởi những điều vặt vãnh của xã hội hiện đại.
Nhưng họ lúc nào cũng có một đời sống thoải mái và không bị đặt nặng vấn đề trách nhiệm xã hội hay lo nghĩ tiền bạc. Đó là khao khát của nhiều người trong cuộc sống hiện nay. Không phải mộng anh hùng hay vĩ nhân mà chỉ cần một đời sống thoải mái và tự do, không phải mang vác quá nhiều áp lực xã hội và công việc.
Nhân vật trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ chỉ là một họa sĩ vẽ chân dung thuê không danh tiếng, nhưng dường như các hóa đơn hay sinh hoạt phí không nằm trong thế giới của anh.
Các nhân vật của Murakami thường thoát khỏi gánh nặng vật chất và thường không có chí hướng phấn đấu. Họ dường như chạm được vào mẫu số chung của nhiều người trên thế giới ngày nay – những người thường có xu hướng thu mình, thậm chí có thể nhiều năm liền không bước ra khỏi nhà.
Bản thân Haruki Murakami cũng là một người thu mình. Dù không ẩn dật nhưng những tiếp xúc với truyền thông của Murakami còn hạn chế, một điều hiếm hoi trong thời buổi mọi thứ điều cần đánh bóng, tiếp thị.
Với Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, Murakami vẫn cứ là Murakami và ta vẫn bị lôi cuốn, dẫu nhân vật và môtip dường như lặp lại qua mỗi tác phẩm. Công chúng đòi hỏi những sáng tạo mới mẻ, nhưng có lẽ với nhiều độc giả trung thành, họ chỉ cần nhà văn giữ nguyên như thế.
Họ có thể thất vọng với tác phẩm nhưng vẫn sẽ mua đọc tiểu thuyết tiếp theo, miễn có tên Haruki Murakami trên bìa.
Tuổi trẻ