Đọc sách: Tìm lại dấu xưa hương cũ

Đọc sách: Tìm lại dấu xưa hương cũ

Đọc sách: Tìm lại dấu xưa hương cũ - Ảnh 1.

Cuốn sách này tên tác giả là người Việt. Nhưng văn bản lại là dịch từ tiếng . Tại sao vậy? Xin thưa, đây là những bản văn tác giả viết bằng tiếng Pháp. Chuyện là thế này: Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975), sinh tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội), chính quê tại làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài (Hà Tây trước đây). Năm 1926 ông sang Pháp học. Năm 1927 đỗ tú tài. Năm 1928 ông đỗ cử nhân văn chương, năm 1931 đỗ cử nhân luật. Năm 1934 Nguyễn Văn Huyên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại đại học Sorbonne. Luận án chính “Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở ” và luận án phụ “Nhập môn nghiên cứu nhà sàn Đông Nam Á” của ông được đánh giá xuất sắc, được in thành sách và xuất bản tại Pháp. Từ những công trình và bài viết bằng tiếng Pháp đó của Nguyễn Văn Huyên, cuốn sách nói đây nhằm cho người đọc Việt Nam biết đến những kiến giải dân tộc học của một người Việt Nam muốn giới thiệu và trình bày những phong tục tập quán của đất nước mình với người đọc phương Tây, cụ thể là người Pháp. Ông nói với họ về các thứ Tết của người Việt: tết nguyên đán, tết đoan ngọ, tết trung thu. Ông nói với họ về tiết thanh minh và sự giữ gìn mồ mả ở Việt Nam; về sự đầu thai của linh hồn và lễ xá tội vong nhân của người Việt; về việc chôn người chết vào giờ xấu theo tín ngưỡng Việt Nam; về y phục của người Việt; về chống hạn trong tập quán Việt Nam; về tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam. Cách chọn những “hội hè lễ tết” để nói về Việt là một lựa chọn có chủ đích của tác giả vì từ trong hội hè tính cách người Việt bộc lộ nhiều và rõ nhất.

Viết cho người ngoại quốc hiểu người nước mình, chính thực Nguyễn Văn Huyên đã tự mình tìm hiểu phân tích dân tộc mình từ các khía cạnh văn hóa phong tục. Lấy thí dụ về tết Nguyên Đán. Đó là một ngày lễ lớn mở đầu năm. Ông viết: “Như vậy, ở xứ sở mà cuộc sống theo nhịp sự nối tiếp nhau của các mùa, Tết là một ngày thiêng liêng trong tất cả. Con người, vào những ngày bình thường, hoàn toàn thuộc về gia đình và công việc của mình. Anh ta rất ngờ vực kẻ lạ. Chỉ trong những ngày chuyển sang năm mới này thì một sự cảm thông trịnh trọng mới diễn ra, và cuộc sống tình cảm của nông dân nước ta, rất kình địch nhau, mới biểu lộ một cách trịnh trọng nhất định. Các gia đình, thông thường khép mình lại và bị giam hãm trong nỗi lo ấu của đời sống hàng ngày ít nhiều ích kỷ, thì chìa rộng bàn tay cho nhau. Mọi người chúc nhau sức khỏe và hành phúc mà chẳng có ẩn ý gì cả. Và dường như ai cũng thấy ở sự thịnh vượng của láng giềng vẻ thanh bình và yên ổn của tất cả mọi người.” (tr. 28, theo bản dịch của Đỗ Trọng Quang từ một bài viết của Nguyễn Văn Huyên trên tờ Indochine, Hebdomadaire Illustré, số 75-76, 8/1941). Đấy là một cách cắt nghĩa về sự chan hòa vui vẻ của người Việt trong dịp Tết.

HỘI HÈ LỄ TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT

Tác giả: Nguyễn Văn Huyên

Người dịch: Đỗ Trọng Quang – Trần Đỉnh dịch (từ tiếng Pháp)

& Nhà xuất bản Thế Giới, 2017

Số trang: 420 (khổ 15x24cm)

Số lượng: 2500

Giá bán: 115.000

Ông chỉ ra sự khác biệt của người Nam với người Bắc trong phong tục tập quán như Nguyễn Trãi xưa đã viết “phong tục Bắc Nam cũng khác”. Như trong tiết Thanh Minh chẳng hạn. Ở , các tuần tiếp ngay sau tiết Xuân phân là thời kỳ đẹp nhất của mùa muôn hoa đua nở. “Còn ở đất Việt Nam này, nơi mùa đông ít khắc nghiệt hơn và ít dài hơn, niềm vui sống lại bắt đầu, với thiên nhiên nở rộ, một cách mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu của năm mới. Nhiều lễ hội làm cho trai gái gặp nhau đã diễn ra từ trước tiết Xuân phân. Và ta dễ hiểu rằng, nhờ phong tục ngày càng trở nên tinh tế, tất cả ý nghĩ của người sống đều hướng về người chết trong ngày “trong sáng” này.” (tr. 43)

Nguyễn Văn Huyên sang Pháp học từ hồi trẻ và khi định hướng cho con đường của mình ông đã chọn ngành dân tộc học và lấy chính dân tộc mình làm đề tài nghiên cứu, điều đó đủ nói lên lòng yêu nước và tự hào dân tộc của ông. Sau khi đã có học vị tiến sĩ một cách xuất sắc ông có thể chọn cho mình một cuộc sống và sự nghiệp nổi danh ở thế giới phương Tây. Nhưng không, ông đã chọn con đường về nước (năm 1935) để đem cái học của mình phụng sự đất nước. Năm 1938 ông làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội với tư các khoa học ngang hàng với các chuyên gia Đông phương học Pháp thời ấy. Nguyễn Văn Huyên đã trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ năm 1946 và giữ chức vụ đó suốt 29 năm liền cho đến khi mất (1975). Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Cuốn sách “Hội hè lễ tết của người Việt” không phải là một công trình gốc của Nguyễn Văn Huyên mà là một tập hợp các bài viết của ông từ những công trình khác nhau. Trong sách ngoài những bài viết về các Tết như đã nêu, còn có những bài viết về hội Phù Đổng, về tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, về một bản đồ phân bổ các thành hoàng ở tình Bắc Ninh. Đọc các bài viết đó người đọc sẽ thấy được phạm vi quan tâm nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên cũng như sự khảo sát sâu sắc, tỉ mỉ của ông đối với những biểu hiện tín ngưỡng phong tục của người nông dân Bắc Bộ. Ông Georges Coedès, Giám đốc EFEO đã đánh giá: “Cùng với sự đào tạo đại học vững chắc mà ông đã nhận được ở Pháp, tại khoa Văn và khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Paris, ông Nguyễn Văn Huyên còn có ưu thế vô song là kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh của ông về các xã hội Việt Nam, sự tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và khả năng đi sâu tiến hành những khảo sát mà các nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện được.” (tr. 277). Nhờ đó các bài viết của ông vừa có tính chất hàn lâm học thuật, vừa thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, từ đó “tỏa ra phảng phất một hương thơm kín đáo, chất tinh tế của những truyền thuyết Việt Nam.” (tr. 278). Ngày xuân đọc cuốn sách này ta sẽ được gặp lại, sống lại những phong tục xưa cũ của đất nước ta mà tiếc thay đến nay đã bị phôi pha phai nhạt nhiều.

 

Dân Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *