Tôi đã chết vào một ngày nào đó – Gửi tới tất cả những thiếu niên đã tan biến như những cánh hoa bay ở lứa tuổi chưa thể rời xa.
“Tôi đã chết vào một ngày nào đó” của Lee Kyung Hye khai thác nỗi sợ nằm sâu thẳm trong tim mỗi người, nỗi sợ về sự rung động điềm đạm của sinh mệnh, nỗi bất lực của con người trước tử thần, mang theo thông điệp tích cực để người ở lại tiếp tục hành trình của sự sống.
Sẽ có một phút giây nào đó, hoặc sớm hoặc muộn, con người ta mới bất chợt nhận ra rằng: Cơ thể ba mươi sáu phẩy năm độ, thì ra là như vậy, thì ra ấm áp như vậy. Sống, là một động từ. Chết, là một dấu chấm tròn. Sống, là ngũ vị. Chết, là hết.
Cuốn nhật ký bìa xanh.
“Tôi đã chết vào một ngày nào đó” gồm 7 chương và phần mở đầu, vừa vặn diễn đạt một cốt truyện không quá dài cũng không quá ngắn.
Tác phẩm tái hiện lại ký ức về Jae Joon, một thiếu niên đã tan biến như những cánh hoa bay ở lứa tuổi chưa thể rời xa, trong lòng cô bạn thân Yoo Mi của cậu bé, qua quyển nhật ký bìa xanh mà cô đã tặng cậu nhân dịp lễ Giáng Sinh năm trước.
Tôi đã chết vào một ngày nào đó,
Liệu cái chết của tôi có ý nghĩa gì không?
Quả là một sự thách thức để có thể đọc trọn vẹn cuốn nhật ký của một người đã khuất, lại càng khó khăn hơn khi mà ngay hai dòng đầu tiên đã hiện ra như một điềm gở khủng khiếp đến thế. Phải chăng Jae Joon có ý định tự sát? Từng trang, từng trang nhật ký dần dần hé lộ thế giới nội tâm đầy sinh động của một cậu bé hằng ngày luôn trầm lặng ít nói, đồng thời trả lời cho mối nghi ngờ ban đầu.
“Tôi đã chết vào một ngày nào đó” được kể theo ngôi thứ nhất của Yoo Mi, một cô học trò cuối cấp hai, tác giả sử dụng văn phong tươi trẻ và giọng điệu có đôi lúc hơi “kịch” để phù hợp với lứa tuổi và hình tượng của cô bé. Tác phẩm vì vậy mà kén người đọc, nhưng ý tưởng nhân văn và cảm xúc mà nó mang lại vẫn dễ dàng chạm đến nơi mềm yếu của nhiều độc giả.
Nhìn vào cái chết để biết sống.
Lee Kyung Hye khắc họa rõ nét cuộc đời hai cô cậu học trò nhỏ. Những chi tiết về thời đi học chăm chỉ và căng thẳng bỗng chốc trở nên sống động, bên cạnh là biến cố gia đình, sự rạn vỡ tình cảm của bố mẹ, tuổi phản nghịch, tình yêu đầu đời, tình bạn trung trinh và khát khao tự do của lứa tuổi ô mai… Tất cả vẽ nên bức tranh đa sắc màu, qua góc nhìn của những tâm hồn non dại bị tổn thương từ chính gia đình mình.
“Những chuyện người lớn làm không bị coi là xấu, thì trẻ con làm cũng không thể coi là xấu. Những chuyện trẻ con làm bị coi là xấu, thì người lớn làm cũng phải bị coi là xấu.”
Những ước mơ, hy vọng, thất vọng, nỗi buồn, nỗi cô đơn… quay cuồng chao đảo trong thế giới nội tâm của tuổi mới lớn. Có những nỗi đau không thể nói thành lời. Có những nỗi buồn không được biết đến, không có nghĩa là chúng không tồn tại. Và nhiều đứa trẻ vẫn đang chống chọi từng ngày để lớn lên thành người tử tế, như Jae Joon, như Yoo Mi.
Nhưng Jae Joon đã không kịp trưởng thành, cậu mãi mãi dừng lại trong hình hài một học sinh lớp 9. Bất ngờ và đột ngột. Cuộc đời cậu trở thành một dấu chấm tròn. Để lại nỗi đau và niềm tiếc nuối cho người ở lại, nhưng tất cả đã không còn kịp nữa.
Bằng cách lồng ghép các vấn đề về trẻ em, gia đình và xã hội – đặt trên ranh giới của tử thần, tác phẩm là một lời nhắc nhở các bậc cha mẹ về mối quan hệ với con em, và rộng hơn là nhắc nhở mỗi người về sự mong manh của sinh mệnh và sức mạnh của sự sống.
Còn sống, thật là tốt!
“Tôi đã chết vào một ngày nào đó” đánh lừa cảm xúc đầu tiên bằng tựa đề khá tiêu cực, cứ ngỡ nó chủ trương rằng mỗi người có quyền hủy hoại bản thân. Nhưng không, tác phẩm bắt đầu bằng một bi kịch nhưng không đắm chìm trong bi thương, những nhân vật trong đây càng không hề bi lụy.
Jae Joon đã sống rất trọn vẹn cả cuộc đời, dẫu ngắn ngủi, vì cậu chính là người đã nhìn vào cái chết để biết sống. Tuy bị gia đình quản thúc chặt chẽ, nhưng cậu bé vẫn giữ hoài bão, vẫn nuôi ước mơ. Bạn bè không nhiều, nhưng có một người bạn rất thân. Và cậu, cũng đã kịp để cho trái tim mình biết thế nào là rung động.
Yoo Mi từng tuyệt vọng đến mức không thể tin rằng cậu bạn thân đã vĩnh viễn rời bỏ thế gian này, nhưng rồi cô buộc phải học cách chấp nhận. Xuyên suốt tác phẩm là quá trình trưởng thành qua nỗi đau của Yoo Mi.
“Từ giờ tôi sẽ không bao giờ nhớ cậu rồi khóc lóc sướt mướt như này nữa. Tôi sẽ mạnh mẽ sống tiếp cho mà xem. Dù không có cậu…”
Cuốn sách mang đến cho độc giả hy vọng và niềm tin vào sức mạnh của sự sống, để có thể gấp lại trang cuối cùng, thở hắt ra một hơi, cảm nhận dòng không khí chuyển động rồi hốt nhiên cảm thán: “Còn sống, thật là tốt!”