Đây là một câu chuyện bối cảnh xưa (xuất bản năm 1954), và motif cũng xưa nốt: chuyện tình của những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi. Những rung động đầu đời, khao khát và cả ganh đua – vì thế mà ta sẽ có 4 nhân vật nam nữ, người mình yêu không phải kẻ yêu mình, và ngược lại.
Ở đó, bạn đọc sẽ thấy chàng thanh niên Shinji chí thú với nghề đi biển để giúp mẹ và nuôi em ăn học, tiểu thư Hatsue con của chủ tàu giàu có, một gã hợm hĩnh Yasuo và Chiyoko, con gái người giữ ngọn hải đăng. Sẽ có những phải lòng nhau đến sớm, những hờn ghen, đố kỵ, ganh ghét, nhưng cũng có những tình cảm thuần khiết, những khí phách rất đỗi anh hùng khi 4 con người đó xoay vần giữa chuyện yêu đương và chiếm đoạt.
Tiếng triều dâng cũng cho người đọc biết rất nhiều về nghề đi biển, nghề lặn san hô, về cuộc sống dân chài nơi đảo xa của nước Nhật hơn nửa thế kỷ trước, và về những quang cảnh mà ai xem anime nhiều, nhất là phim Ghibli, hẳn sẽ dễ dàng hình dung. Nhưng sẽ tuyệt hơn nếu ta đọc nó khi đang ở gần biển khơi như thế, hoặc giả đã từng trải qua những cảnh đấy, để dễ dàng đặt chân lên hòn đảo trong Tiếng triều dâng.
Mình đã định review và recommend quyển này trước kỳ nghỉ lễ, để bạn nào có đi biển thì mang nó theo. Nhưng hôm nay viết được thì đã muộn, và những chuyến đi biển giờ cũng là điều xa xỉ mất rồi.