Review “THƯ VIỆN NỬA ĐÊM” (Matt Haig) – Có xứng đáng là một cú “hit”?

Review “THƯ VIỆN NỬA ĐÊM” (Matt Haig) – Có xứng đáng là một cú “hit”?

Nhận được vô vàn lời khen, sự tán dương, những lời rỉ tai nhau tìm đọc và là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất năm 2020 do người đọc/người dùng của Goodreads bình chọn. Thế nhưng với sự thành công ấy, đâu đó vẫn tồn tại những tranh cãi rằng liệu “Thư viện nửa đêm” có phải là một cuốn tiểu thuyết tốt và đáng đọc hay không? Với bản thân mình, đây cũng là một trong những cuốn sách mà mình cực kỳ trông đợi sẽ được phát hành tại . Và thế là sau hành trình trải nghiệm đi qua thư viện “nằm giữa cõi sống và cõi c/h/ế/t” này, mình nhận thấy dù đây chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo để Matt Haig thể hiện rằng ông là một tiểu thuyết gia đáng gờm, nhưng nó lại là một tác phẩm đáng để trân trọng mà bạn không có gì phải hối tiếc khi đã đọc qua!

Nora Seed là một cô gái trẻ mắc chứng bệnh trầm cảm, có lẽ bắt nguồn từ việc cuộc sống của cô có quá nhiều sự hối tiếc và “thất bại” (hoặc….ngược lại). Khi mọi thứ bị đẩy lên đến đỉnh điểm của sự chịu đựng, cô quyết định sẽ t/ự s/á/t để chấm dứt tất cả. Thế nhưng, khi linh hồn đang chơi vơi giữa miền sống và miền c/h/ế/t, Nora bỗng được đưa đến một thư viện được gọi là “Thư viện nửa đêm” cũng như gặp lại bà Elm – thủ thư ở trường cũ của cô lúc bé và bây giờ cũng là thủ thư của TVNĐ. Tại đây Nora được biết cô sẽ có cơ hội được sống lại ở những cuộc đời khác – những cuộc đời mà Nora từng bỏ lỡ vì đã không quyết định hoặc đã quyết định làm một điều gì đó. Và thế là hàng trăm, hàng ngàn cơ hội được mở ra trước mắt Nora để cô có thể khám phá bản thân mình cũng như khắc phục những gì cô đã và đang hối tiếc. Hành trình bắt đầu khi những cuốn sách được mở ra….

“Thư viện nửa đêm” có lẽ sẽ phù hợp với rất nhiều người. Bởi ai trong chúng ta chắc chắn cũng đã từng có những giây phút không hài lòng với cuộc sống hiện tại của chính mình, cuộc sống mà bản thân đã có, đã đi qua. Mặc dù có thể ta đang có những thứ mà người khác không có, nhưng ta vẫn thường ước ao được sống cuộc đời của người khác – những người có được thứ mà ta chưa có. Đó là sự kỳ lạ của con người, nhưng vẫn hoàn toàn có thể hiểu được. Nội dung và chủ đề của “Thư viện nửa đêm” dường như đã chạm tới một trong những bí ẩn mà con người luôn thắc mắc, luôn cố mường tượng ra, đó là nếu trong quá khứ họ hành động khác đi thì liệu cuộc đời của họ có trở nên tốt đẹp hơn hay không? Hoặc nếu họ được sống một cuộc đời như họ mong muốn thì liệu họ có hạnh phúc hơn?

Sở hữu một cốt truyện hấp dẫn và dễ đồng cảm như thế, nhưng điều gì đã xảy ra với “Thư viện nửa đêm” – khi mà nửa phần sau của cuốn sách được nhận xét là không mấy ấn tượng, nhạt…như sách help-self và không quá “phê” sau khi đọc xong?

[Bắt đầu khúc này là hơi có spoil nhẹ nha] :)))

Đầu tiên, có một điều mình nhận ra đó là nếu cốt truyện và chủ đề là thứ câu dẫn người đọc đến với “Thư viện nửa đêm” thì chính cách xây dựng cùng những ý tưởng tạo nên câu chuyện của Matt Haig đã khiến sự ấn tượng bị giảm mất một nửa. Matt Haig đã có một ý tưởng rất tốt: có một thư viện nằm giữa cõi sống và cõi c/h/ế/t, nơi mà một số người “sắp c/h/ế/t” sẽ được ghé qua để thử tất cả những tiềm năng mà mình có trước khi sự sống của người ấy chấm dứt, và mỗi cuốn sách trong thư viện tượng trưng cho một cuộc sống mà họ đã bỏ lỡ. Mình rất thích việc ví von mỗi cuốn sách mà một cuộc đời vì phải chăng người ta hay nói “mỗi cuốn sách sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện” đó sao? (Đến cả cũng có câu khẩu hiệu “Bởi vì sách là thế giới!” mà :)) ). Vì thế, mình đã khá là hụt hẫng khi đọc đến phần mà nhân vật Hugo Lefèvre xuất hiện, bởi mình nhận ra tác giả đã không sử dụng hình ảnh “thư viện” một cách nhất quán. Theo lời Hugo, ta được biết là đối với mỗi người khác nhau thì thứ mà họ đến khi đang chơi vơi giữa sống – c/h/ế/t là khác nhau, kể cả người dẫn đường (như bà Elm) cũng khác nhau (với Hugo thì đó là cửa hàng băng đĩa). Tức, hình ảnh “Thư viện nửa đêm” trong thực của cuốn sách này là một biểu tượng không cố định vì nó có thể thay đổi tùy theo việc người đó là ai và cái gì có ý nghĩa nhất với họ. Okay, mình thấy làm như vậy cũng không phải là không phù hợp. Nhưng khi Matt Haig đã đặt tên cho tác phẩm là “Thư viện nửa đêm” nhưng lại không biến hình ảnh thư viện thành một nơi chốn cố định cho tất cả mọi người thì mình lại thấy hơi tiếc một chút. Với quan điểm của mình, việc Matt Haig không theo đuổi một biểu tượng cố định trong cuốn sách này đã làm mất đi sự vững chắc, không quá thuyết phục mình, không khiến cho mình tin tưởng nhiều vào ý tưởng đó. Nhưng dù sao thì điểm này cũng không quá nghiêm trọng và ảnh hưởng mạch truyện. Chỉ là nếu như Matt Haig cố định hình ảnh thư viện, chỉ thay đổi người thủ thư sẽ là một người nào đấy có ảnh hưởng, tác động lớn tới cuộc đời họ thì sẽ tốt hơn nhiều.

Dễ nhận thấy, có một thứ nhất định phải khen Matt Haig đó là anh đã có sự đầu tư và dành nhiều tâm huyết cho việc kiến tạo, cấu trúc nên Thư viện nửa đêm. Từ cách mô tả, cách vận hành cho đến những nguyên tắc tại Thư viện đều được Matt Haig lên ý tưởng và giải thích rõ ràng, kỹ càng trong tác phẩm nhằm cho độc giả biết được cách hoạt động của Thư viện và dễ tưởng tượng hơn. Tuy nhiên, điểm yếu của Matt Haig lại nằm ở việc dẫn dắt câu chuyện. Như đã nói, đây là hành trình mà Nora Seed sẽ thử qua những cuộc đời mà cô đã bỏ lỡ, tức có rất nhiều những câu chuyện, những khả năng được giới thiệu. Điều đó đòi hỏi ở tác giả sự sáng tạo khi đưa ra những tình huống hoặc những cuộc đời mới lạ nhưng đồng thời phải dẫn dắt tốt để tránh sự nhàm chán. Đáng buồn là ở cả hai sự đòi hỏi này, Matt Haig đều có chút hơi….fail nhẹ :)) Phần đầu của cuốn sách, khi ta được giới thiệu đến một vài cuộc đời khác của Nora thì mình nhận thấy là phần này làm khá tốt. Bởi những cuộc đời đầu này cùng những cái kết của nó được Matt Haig đặt ra nhằm đi đến giải mã cho một thứ: những gì Nora hối tiếc đều không đáng, cho ta thấy một góc nhìn khác của cuộc sống và giúp ta trả lời cho câu hỏi “nếu ta quyết định một thứ gì đó khác đi thì liệu mọi thứ có tốt hơn không?”, “mặt trái của những quyết định và những sự lựa chọn là gì?”. Phần đầu này được kể khá nhẹ nhàng, phù hợp và khiến mình bị thuyết phục thật sự! Tuy nhiên, càng về sau thì không biết có phải do áp lực phải sáng tạo hay không mà việc giới thiệu những cuộc đời khác của Nora có phần hơi chán và không đọng lại nhiều ý nghĩa. Thậm chí ở phần giữa Matt Haig còn đưa Nora đến với rất nhiều cuộc đời đơn giản chỉ khác nhau ở chỗ….nghề nghiệp và còn được kể theo dạng liệt kê nữa. Điều này không hẳn là sai nhưng cách dẫn dắt, kể chuyện của Matt lại hơi nhàm chán thành ra làm phần giữa hơi lê thê và chán ngắt. Tuy nhiên, vẫn có vài cuộc đời được kể tốt và mang lại nhiều ý nghĩa, đặc biệt là cuộc đời cuối cùng mà Nora thử qua trước khi quay lại với thực tế. Matt Haig đã đưa ra một thông điệp rất đáng để suy ngẫm, rằng ở một cuộc đời hầu như không có khiếm khuyết gì, liệu bản thân ta có thực sự hạnh phúc? Đồng thời là những quan điểm về tính chính danh, về “cuộc sống thực sự” rất đáng để suy nghĩ.

Về phần nhân vật, có nhiều nhận xét cho rằng tác giả chưa đầu tư nhiều vào hệ thống nhân vật. Điều này mình cũng phải công nhận. Thế nhưng đây là thứ không thể tránh khỏi bởi khi giới thiệu nhiều cuộc đời thì đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nhân vật xuất hiện nhưng không có thời lượng đủ để gây ấn tượng và để có thể khai thác được tốt. Về nhân vật chính – Nora Seed – đạt được sự cân bằng khi cô không quá thú vị cũng không quá nhạt nhòa hay trôi tuột khỏi tâm trí ta sau khi đọc xong. Quá trình phát triển và nhận thức của nhân vật Nora Seed cũng khá tốt, dễ hiểu vì chính bản thân tác giả Matt Haig cũng đã từng mắc phải chứng trầm cảm. Ở Nora, mình thấy được những suy nghĩ, hành động tiệm cận gần giống với những gì người trầm cảm phải trải qua, khiến cho độc giả phần nào đồng cảm và dễ thấu hiểu cho những quyết định của Nora. Nora từ một người trầm cảm, chán ghét cuộc sống và luôn đỗ lỗi cho bản thân mình. Cho đến khi cô đến “Thư viện nửa đêm”, cô bắt đầu thay đổi và nhận thức phát triển đến mức hoàn chỉnh nhất khi cô nhận ra cuộc đời đáng sống nhất chính là cuộc đời hiện tại của cô và cô chấp nhận nó. Mình đánh giá quá trình phát triển nhận thức này khá tốt vì nó đi từ từ theo cấp độ, là sự thay đổi dần dần của Nora qua từng biến cố, khiến cho ta cũng dần nhận ra nhiều điều khi dõi theo cô qua từng trang sách. Có thể bạn sẽ nghĩ việc Nora thay đổi suy nghĩ và cách sống chỉ sau một lần tự tử hụt, mọi chuyện trở nên tốt đẹp đến khó tin đúng là có hơi khiên cưỡng. Thế nhưng con người và cuộc đời vốn cũng khó đoán như thế. Hãy xem như đây là một sự chữa lành, một thông tin điệp tốt mà tác giả muốn truyền tải đến chúng ta.

Như đã nói và đã phân tích, có lẽ “Thư viện nửa đêm” cho thấy rằng Matt Haig là một tiểu thuyết gia còn non tay. Thế nhưng chủ đề, câu chuyện và thông điệp của nó cũng đủ để kéo nó lên mức điểm khá. Và mình tin chắc rằng, sự ủng hộ và vị trí hiện tại của “Thư viện nửa đêm” đến từ việc kết nối những con tim đồng cảm, chạm đến được bản ngã dễ tổn thương của độc giả và thấu hiểu, nói lên tiếng lòng của nó. “Thư viện nửa đêm” là một sự lựa chọn phù hợp cho tất cả mọi thời điểm: khi bạn còn nhỏ, khi bạn đã đi được nửa cuộc đời, khi bạn đã lớn, khi tâm hồn bạn xáo động đến không ngừng và cả khi tâm hồn bạn đang tĩnh lặng./.

Review của độc giả Phát Nguyễn – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
THƯ VIỆN NỬA ĐÊM https://bit.ly/thuviennuademTiki https://bit.ly/thuviennuademFHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *