Review Thú tội – Minato Kanae

Review Thú tội – Minato Kanae

Trong đời đi học, hẳn ai cũng từng trải qua ít nhất một lần mà giáo viên dành buổi học không phải để giảng bài mà là kể một câu chuyện gì đó. Không khí đặc quánh, cả lớp lặng như tờ, và dù giáo viên có mát mẻ “ai không muốn nghe có thể về”, cũng chả ai dám nhúc nhích.

Đó chính xác là những gì đã diễn ra vào buổi họp cuối cùng của lớp 7 ở một trường cấp 2 trong Thú tội, và câu chuyện được cô giáo kể còn lạnh gáy hơn bất cứ những gì mà chúng ta có thể đã từng trải qua: bé Manami con gái cô chết trong bể bơi trường học và hai học sinh ngay trong lớp phải chịu trách nhiệm cho chuyện đó.

Chương đầu của Thú tội là bản chép lại lời kể lạnh lùng của cô Moriguchi, như thể cô đang nói về chuyện của ai chứ không phải đứa con gái bé bỏng mới 4 tuổi của mình, một bà mẹ đơn thân. Câu chuyện kết thúc bằng một tiết lộ lạnh gáy khác – cô đã thực hiện xong chuyện trả thù, vào đúng cái buổi sáng của ngày học cuối cùng này.

Những chương còn lại của Thú tội là lời kể/tường thuật/ thú tội của những nhân vật có liên quan, tất cả đều xoay quanh câu chuyện con gái cô Moriguchi bị sát hại và cách hai học sinh liên quan tiếp nhận và hành xử sau khi biết được kế hoạch trả thù của cô giáo, để rồi khép lại với kết thúc bất ngờ.

Người đọc được nghe kể một câu chuyện nhiều lần, từ nhiều người, mỗi lần lại thấy hé lộ một thông tin khác, một ẩn khuất khác. Nhược điểm của lối triển khai này là người đọc có thể bị chán, nhưng may thay, tác giả Kanae Minato đã cứu lại bằng một cái kết bất ngờ không tưởng.

Đi từ cái buổi học u ám ở chương đầu, Thú tội giữ được cái không khí lạnh lùng tàn nhẫn cho đến kết thúc, khi những học sinh đầu cấp hai có thể nói về cái chết nhẹ như không. Nó làm gợi lên cái ám ảnh cực đoan thường thấy trong truyện Nhật, trong trường hợp này là ám ảnh được thừa nhận, ám ảnh kỳ vọng, ám ảnh chứng tỏ mình.

Cô Moriguchi được gọi là “Kẻ giảng đạo” trong chương đầu tiên, và trong quá trình kể về cái chết của con gái mình, cô đã nêu nhiều vấn đề đáng chú ý: truyền thông không nên khai thác quá kỹ các vụ án mạng liên quan tội phạm trẻ, vì chỉ tổ biến chúng thành anh hùng, khuyến khích kẻ khác noi theo. Không đặt tên cho những xu hướng tiêu cực (ví dụ hikikomori – giam mình và xa lánh xã hội), vì khi đã có cái “danh hiệu” đó người ta không còn phiền vì chuyện đó nữa. Kỳ vọng về giáo viên với học sinh, về khen ngợi, về tội ác và trừng phạt.
Dù đã biết thủ phạm nhưng Moriguchi muốn tự trả thù thay vì báo cảnh sát, do lẽ cô hiểu rằng “dẫu có giao cho cảnh sát thì không những chúng không phải vào trại giáo dưỡng mà có khi chỉ bị quản thúc hoặc được tha bổng”. Nhưng nên báo thù thế nào đây? Có thể giết hai đứa trẻ này, song “làm vậy thì  Manami  cũng chẳng thể quay về, vả lại cũng chẳng thể khiến (chúng) hối hận về tội ác của mình”.
“Cô muốn chúng biết được gánh nặng và sự quan trọng của sinh mệnh. Từ đó chúng sẽ hiểu được gánh nặng của tội ác mà mình gây ra và phải sống với gánh nặng ấy”. Câu chuyện giết người đền mạng, án tù và tử hình, có cần thiết hay không tương tự như Thánh giá rỗng của Keigo Higashino.
Trong truyện cũng có ba người mẹ xuất hiện thường xuyên – cô giáo Moriguchi và mẹ của hai học sinh có liên quan. Trong những vụ án chấn động liên quan đến tội phạm vị thành niên (mình đã nghĩ đến My sói năm 2010, có ai biết/nhớ em này không; và Lê Văn Luyện năm 2011), người ta thường đặt câu hỏi cái gì đã khiến những người trẻ hành động như thế?
Với Thú tội, câu trả lời là quan hệ giữa mỗi cặp mẹ-con nói trên, vốn liên quan đến những ám ảnh của mỗi người và là nguồn cơn dẫn đến tấn bi kịch gói gọn trong tiểu thuyết chỉ dày 250 trang này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *