REVIEW “TẠP ÂM TRẮNG” – Don Delillo

REVIEW “TẠP ÂM TRẮNG” – Don Delillo

Tạp âm trắng của Don Delillo được đánh giá là một tác phẩm , đồng thời là đại diện của dòng hậu hiện đại. Đây là một cuốn sách truyền tài quá nhiều thông điệp, chứa quá nhiều giá trị để có thể đánh giá trong một vài dòng ngắn ngủi.

Cách tiếp cận trước hết là bằng tiêu đề. Theo định nghĩa, “tạp âm trắng” là tập hợp của nhiều tần số khác nhau với mục đích phục vụ cuộc sống con người, một loại tiếng ồn điện tử giúp thư giãn đầu óc. Dù được viết từ góc nhìn của một con người sống ở nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cuốn sách đã nhắc nhở về sự phụ thuộc quá đà vào công nghệ. Nhưng đó chỉ là một hệ quả nhỏ từ đề tài chính của tiểu thuyết, một phần trong tập hợp những thứ khiến con người xao nhãng, với trung tâm là chủ nghĩa tiêu dùng. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại liên tục cần được cung cấp một nguồn thông tin vô bổ để chuyển sự chú ý, tạo cảm giác thư thái: những bi kịch của người lạ, những thảm họa phương xa, những món đồ không cần thiết, những kiến thức ngẫu nhiên thiếu xác thực,…

Không thể gọi Tạp âm trắng là một câu chuyện, vì không có kết cấu cụ thể nào được viết ra. Cuốn sách cũng không được viết để tạo bất ngờ tình tiết. Đó là lối viết kén người đọc, chỉ tập trung vào thông điệp chứ không phải dòng kể. Ba phần trong tiểu thuyết có những hướng đi rất khác nhau. Phần 1 chỉ đơn giản là những chương rời rạc về cuộc sống thường ngày của Jack Gladney, một con người với gia đình chắp và vá từ nhiều cuộc hôn nhân và đang định danh bản thân trong một sự nghiệp hết sức vô vị. Điểm chắc chắn duy nhất của nhân vật là sự vô định về tương lai, càng được củng cố bởi sự nhiễu loạn về hướng đi của hai phần còn lại. Phần 2 là một chương vô cùng dài về một thảm họa lớn, để rồi nhường chỗ cho một biến cố hiển vi trong gia đình ở phần 3. Đây không phải là hành trình cởi nút thắt các tình huống, đây chỉ là về dòng suy nghĩ con người trôi qua những tâm bão lớn nhỏ.

Đọc cuốn tác phẩm này là đủ để khắc họa chân dung Don Delillo: Một người Mỹ hiện đại không khó chịu hay tách biệt với cuộc sống mới, mà chỉ đơn thuần vừa quan sát vừa trải nhiệm. Các nhân vật trong tiểu thuyết, từ trẻ đến già, có thể được nhìn nhận như những mảnh gương đang phản lại hình ảnh tác giả từ nhiều góc khác nhau. Cuốn sách không nhắm đến chủ nghĩa hiện thực, và hành vi, lời thoại của các nhân vật càng xa rời khỏi điều đó. Mọi tương tác giữa người với người mang đậm sự suy tư, và những lời thoại giữa các nhân vật chính đúng nghĩa là những dòng tự thoại truyền xuôi ngược. Vẫn có những nét riêng ở mỗi nhân vật, nhưng mọi hành động chỉ làm tôn lên nhưng suy nghĩ của chính tác giả. Xây dựng cả một thế giới với mục đích dẫn truyền mạch tư tưởng của bản thân mà không gây bí bách cho người đọc là một việc rất khó.

Tạp âm trắng của Don Delillo đả kích vào nhiều phương diện trong cuộc sống của thế giới hiện đại nói chung và của người Mỹ nói riêng bằng phong cách (hậu) hiện đại. Đây là một cuốn sách khó đọc và khó ngấm như một viên thuốc . Giống như cách sống ngày nay, chúng ta có thể tiếp cận cuốn sách này bằng cách len qua sự hỗn mang để vừa trải nghiệm vừa quan sát.

Review của độc giả Duy Cong Vu – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
Tạp âm trắng http://bit.ly/tapamtrangNhaNam http://bit.ly/tapamtrangTK http://bit.ly/tapamtrangShopee

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *