Ối chà vậy là thêm một cuốn của Keigo Higashino lọt vào danh sách trinh thám yêu thích của tớ rồi. Khác với những cuốn trinh thám đa phần giấu nhẹm hung thủ cho đến phút cuối cùng, Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ lại đi ngược dòng, tung hint danh tính hung thủ là ai ở ngay những trang đầu tiên. Tuy nhiên điều đó cũng không hề làm giảm đi sức thu hút của câu chuyện này đâu. Bởi nhiều khi dù biết thủ phạm là ai rồi nhưng còn động cơ hay cách gây án thì suy cho cùng vẫn là một ẩn số khiến chúng ta phải đau đầu và bị thúc giục đọc đến những trang cuối của cuốn sách.
Tội ác của “Thánh Nữ” này mở đầu với việc tìm thấy xác người chồng tại biệt thự nhà Mashiba Yoshitaka – bị trúng độc và hiện trường vụ án vẫn còn vương lại dấu vết thạch tín trong cốc cà phê đổ lênh láng bên cạnh. Mọi nghi ngờ đều đổ dồn vào người vợ là Ayane – một nghệ nhân nổi tiếng với các tác phẩm ghép vải độc đáo đắt tiền và cô Wakayama Hiromi, học trò cưng của Ayane. Tưởng như chắc cốp thủ phạm là ai nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế, bởi cả hai đều có chứng cứ ngoại phạm vững chắc. Và cảnh sát càng đau đầu hơn bởi vấn đề hóc búa: Làm sao hung thủ có thẻ hạ độc được ông Yoshitaka khi không một ai có thể tiếp cận nạn nhân trong thời điểm xảy ra vụ án. Một lần nữa, “thám tử Galileo” Yukawa Manabu nhập cuộc. Nhưng vấn đề ở chỗ mặc dù tìm ra đáp án cho bài toán nhưng đó lại là một “đáp án ảo chỉ có thể suy nghĩ về mặt lý thuyết nhưng không thể tồn tại trong hiện thực”. Vậy rốt cuộc cái chuyện trời đánh này là như nào vậy ta.
Mạch truyện ổn định, tuyến nhân vật “đủ dùng” nên trong quá trình đọc không bị rối. Nếu ai đã đọc X thì chắc chắn sẽ nhận ra cặp bài trùng Kusanagi và Yukawa một lần nữa lại song kiếm hợp bích, được Keigo Higashino tái hợp cho lên sàn diễn. Tuy nhiên không thể không nhắc đến Utsumi Kaoru – một cảnh sát điều tra trẻ tuổi và cô này cũng là nhân vật tớ đặc biệt ưa thích trong Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ. Kaoru đúng chuẩn một nữ điều tra biết tận dụng tối đa cái đầu và óc phán đoán cũng như sự suy xét tỉ mỉ của mình và điều này rõ ràng làm tăng lên giá trị cũng như tầm quan trọng của cô trong việc truy tìm chiếc chìa khóa giải mã cuối cùng. Keigo Higashino đúng thật là đã xoay người đọc như xoay chong chóng. Nhiều khi tưởng đã tìm ra thủ đoạn gây án rồi nhưng không, tác giả lại một lần nữa phũ phàng phủ nhận suy luận tưởng như đã rất hợp lí của cảnh sát, nghi vấn lại chồng chất nghi vấn, bế tắc lại chất chồng bế tắc, đủ để làm người đọc bối rối hoang mang style theo.
Một điều nữa sau khi đọc xong “Thánh Nữ” tớ công nhận là đúng chuẩn như tên gọi, phụ nữ trong câu chuyện này không phải là dạng vừa đâu, từ chính diện đến phản diện luôn. Và cũng như bao cuốn trinh thám khác của mình, tác phẩm của Keigo luôn đan xen thêm những vấn đề nhức nhối của xã hội. Trong câu chuyện này là nghệ thuật patchwork (ghép vải) và mâu thuẫn hôn nhân giữa Ayane và Yoshitaka đã dâng cao đến đỉnh điểm. Nhiều vấn đề trong hôn nhân được đặt ra, nhất là chuyện về con cái.
Nhìn chung Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Keigo nhưng là một cuốn sách khá ổn, nếu bạn nào ngại spoil chi tiết nho nhỏ thì đừng đọc lời giới thiệu ở bìa sau nhé. Dịch ổn, bìa đẹp. Và những ai chưa đọc một tác phẩm nào của Keigo Higashino thì lựa chọn Sự Cứu Rỗi này làm câu chuyện mở màn cũng ok lắm đó.