4/5 ⭐
Ram Mohammad Thomas – một bồi bàn không xu dính túi ở Mumbai bị bắt. Bị bắt vì đã trả lời đúng mười hai câu hỏi trong trò chơi “Ai là tỷ phú”. Tại sao vậy? Vì cậu đã gian lận, lừa đảo? Vì cậu chỉ là một cậu bé mồ côi nghèo khổ chưa từng được đến trường, không biết tên Tổng thống Mỹ, không biết đơn vị tiền tệ của Pháp, không biết vị trí của các Kim Tự Tháp? Hay vì cậu chỉ là một cư dân nhỏ nhoi đang vật lộn với cuộc đời khắc nghiệt trên một khu đất hoang bên rìa đô thị?
Một người như thế, với cuộc sống như thế, sao có thể trả lời đúng mười hai câu hỏi mà ngay cả các vị giáo sư, tiến sĩ cũng khó lòng biết hết? Ấy thế mà Thomas vẫn trả lời được, bằng chính những trải nghiệm, những kí ức của mình. Tác giả đã rất sáng tạo trong việc dựng lên bức tranh cuộc đời Thomas: không theo trình tự thời gian mà theo thứ tự mười hai câu hỏi. Mỗi câu hỏi lại gắn với một kỉ niệm cậu đã trải qua. Mỗi câu hỏi lại hé mở một phần đời của cậu với biết bao niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, xót xa đan xen. Để rồi khi câu hỏi cuối cùng được trả lời, cũng là khi mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện bức tranh cuộc đời cậu thanh niên Thomas, người đọc mới ngỡ ngàng nhận ra mình đã đồng hành cùng cậu một chặng đường dài đến chừng nào.
Một cuộc đời con người, nó không chỉ là câu trả lời cho mười hai câu hỏi, mà còn là tấm gương phản ánh chân thực đến trần trụi những góc khuất trong xã hội Ấn Độ. Cái đói, cái nghèo, lạm dụng tình dục, lừa đảo… được khắc hoạ rõ nét qua những chuyến phiêu lưu của Thomas, qua giọng kể nhấn nhá, chi tiết, ít biểu lộ cảm xúc. Tất cả dựng lên một góc nhìn xã hội vừa bi kịch, vừa mỉa mai, vừa hiển nhiên mà cũng thật chua xót. Trong xã hội ấy, kẻ có tiền là kẻ có quyền, những tầng lớp thấp hơn bị vùi dập trong đêm đen của đói nghèo, trở thành bàn đạp cho những kẻ khác vươn lên.
Sau cùng, chúng ta thực sự hiểu, rằng chiến thắng của Thomas là hoàn toàn thuyết phục. Rằng để có được mười hai câu trả lời chuẩn xác, cậu đã phải trải qua và chịu đựng những gì. Cái gọi là “may mắn” thực ra được trả giá bằng biết bao mồ hôi, nước mắt, tổn thương. “Bởi vì may mắn bắt nguồn từ trong tâm”. Cái gọi là “chớp lấy may mắn” chẳng qua cũng do chủ tâm mỗi người tạo nên. Chúng ta tung đồng xu không phải để tìm kiếm đáp án mà là để trong lúc đồng xu rơi xuống, có thể biết bản thân thực sự mong chờ điều gì. Cũng như Thomas, cậu tung đồng xu không phải để tìm kiếm sự may mắn, mà là để củng cố thêm quyết tâm hiện thực hóa suy nghĩ của mình.
Một cuốn sách rất hay về xã hội Ấn Độ, được kể một cách sáng tạo, mới mẻ vô cùng. Không chỉ là bức tranh hiện thực xã hội với những mảng sáng, tối khác nhau, “Triệu phú khu ổ chuột” còn là thông điệp đẹp đẽ về lòng tốt, tình yêu thương giữa con người với nhau. Những con người dù ở dưới đáy xã hội, dù phải vật lộn với chính cuộc đời mình… vẫn sẵn sàng dang tay cứu giúp những số phận bất hạnh, khốn khổ hơn. Chính những giá trị nhân văn ấy đã làm nên sức hút khó cưỡng của cuốn sách, lấy đi nước mắt và mang lại niềm tin tích cực cho độc giả trên khắp thế giới. Thực sự rất mong được tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học Ấn Độ như thế này hơn, để hiểu thêm về xã hội, đời sống của đất nước rất giàu bản sắc văn hóa này.
Instagram: @skythienbinh
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA | SHOPEE |
Triệu phú khu ổ chuột | http://bit.ly/trieuphukhuochuotNhaNam | http://bit.ly/trieuphuochuotTK | http://bit.ly/trieuphukhuochuotFHS | http://bit.ly/trieuphukhuochuotShopee |