REVIEW SÁCH “CÔ THÀNH TRONG GƯƠNG” – Tsujimura Mizuki

REVIEW SÁCH “CÔ THÀNH TRONG GƯƠNG” – Tsujimura Mizuki

Đọc xong “Cô Thành Trong Gương”, mình càng cảm thấy rằng trưởng thành quả thực là một hành trình gian nan đằng đẵng.

Cô thành trong gương này có lẽ không phải cô thành mà chúng ta từng định nghĩa. Có lẽ bên ngoài cô thành mới chính là cô thành. Hoặc là, nơi nào cũng là cô thành cả, chỉ bởi có tình yêu, nên nơi ấy mới không còn là cô thành nữa mà thôi.

Câu chuyện chủ yếu xoay quanh nhân vật Kokoro Anzai. Kokoro là một đứa trẻ đặc biệt, vì nó không đến trường. Không ai biết đã có chuyện gì thực sự xảy ra với nó, chỉ là một ngày nọ khi thức dậy, đáng ra phải đến trường như những đứa trẻ khác thì nó lại cảm thấy nôn nao trong người, và rồi nó bắt đầu nghỉ học suốt từ dạo ấy. Bố mẹ Kokoro rất lo cho con, hai người cố gắng để Kokoro mở lòng, tìm một lớp học mới cho Kokoro, thế nhưng Kokoro vẫn không có ý định chia sẻ tâm sự của mình với bất cứ ai. Mãi đến một ngày nọ, khi chiếc gương trong phòng Kokoro sáng lên và thông qua chiếc gương ấy, nó bước vào một toà lâu đài lỗng lẫy xa lạ, và gặp những người cũng đang ngơ ngác như nó.

Ngài Sói – một cô bé đeo mặt nạ sói xuất hiện và nói rằng họ là những người được chọn lần này để tìm chìa khoá và căn phòng điều ước trong lâu đài. Nếu ai tìm được chúng thì sẽ một điều ước sẽ được thực hiện. Những người bị kéo vào lâu đài ấy đều có vấn đề riêng của mình, vậy nên hiển nhiên họ cũng có những điều ước riêng.

Còn Kokoro, điều ước của Kokoro lúc ấy là, kẻ bắt nạt nó ở trường, sẽ biến mất.

***

Những người được chọn đến toà lâu đài ấy đều giống Kokoro, đều có lí do để không đến trường. Bởi góc nhìn của chuyện chủ yếu xoay quanh Kokoro nên khi đọc mình đã tò mò ghê lắm, không biết câu chuyện của những người khác là như thế nào nhỉ? Ban đầu mình nghĩ rằng vấn đề của họ có lẽ đều giống Kokoro chăng, bởi bị bắt nạt nên mới không muốn đến trường, nhưng mà câu chuyện của người này sao mà giống câu chuyện của người khác được chứ. Đến cuối sách, khi tất cả được hé lộ mình mới nghĩ là, à, đúng thật nhỉ, sống trên đời này ấy mà, chỉ duy việc thức dậy mỗi ngày thôi, đã là một việc vô cùng can đảm rồi.

Làm sao có thể tâm sự với người khác mà chỉ nội việc nhớ lại thôi, đã khiến ta đau đớn và sợ hãi khôn cùng? Và nếu như nói ra, thì người khác sẽ lắng nghe, hay chỉ cho rằng đó là một câu chuyện nhỏ chẳng đáng bận tâm? Những đứa trẻ trong “Cô Thành Trong Gương” bị cô lập trong cái xã hội mà chúng đang sống, và vậy nên chúng mới cảm thấy cô đơn, luôn nghĩ rằng không ai có thể hiểu mình, vì thế mới rụt rè đóng kín cánh cửa lòng. Kokoro không muốn nói việc nó bị bắt nạt cho người lớn, vì nó nghĩ rằng người lớn sẽ không hiểu và chỉ cho rằng nó đang làm quá, ấy chỉ là trò đùa hơi quá giữa những đứa trẻ với nhau thôi. Nhưng mà họ đâu biết vì “trò đùa hơi quá” ấy mà Kokoro đã bị tổn thương và sợ hãi đến mức không dám tới trường.

“Cô Thành Trong Gương” không đơn thuần viết về nạn bạo lực học đường, mà trên hết, đặt ra một câu hỏi: vì sao người ta lại thường nghĩ rằng vấn đề của trẻ nhỏ ít quan trọng hơn vấn đề của người lớn? Có một câu nói trong chuyện khiến mình rất ấn tượng, đó là câu nói của cô giáo khi nói chuyện với Kokoro, rằng, “Em đã chiến đấu nhiều rồi”. Và mình đã thở phào khi biết bố mẹ Kokoro rất lo cho em, mẹ Kokoro đã gắng sức bảo vệ em trước những lời bàng quang của giáo viên chủ nhiệm, cố gắng cùng Kokoro vượt qua quãng thời gian khó khăn. Đọc xong “Cô Thành Trong Gương” mình lại có suy nghĩ rằng, xin đừng để bất kỳ đứa trẻ nào phải trưởng thành và chiến đấu một mình, hãy lắng nghe câu chuyện và sát cánh bên nó. Và đó chính là chuyện đã xảy ra với bạn bè của Kokoro – những người đến từ nơi khác và cùng gặp nhau tại lâu đài. Từ ban đầu rụt rè, khép mình, dần dà họ mở lòng với nhau, chia sẻ chuyện của mình, và rồi khao khát muốn được bảo vệ lẫn nhau. Tình cảm trong câu chuyện này rất đẹp. từ những điều ước nhỏ nhoi ban đầu chỉ mang tính cá nhân, cuối cùng họ đã gạt những nhu cầu riêng sang một bên mà sử dụng điều ước cho mọi người. Kokoro cũng không còn muốn kẻ bắt nạt mình biến mất nữa, nó muốn bạn của nó được sống, và sống thật vui vẻ.

“Cô Thành Trong Gương” không chỉ có yếu tố , mà còn đan xen những chi tiết huyền hoặc và các câu chuyện cổ. Truyện có plot twist, và là một plot twist rất cảm động. Khi đọc đến cuối, có lẽ bạn cũng sẽ ngạc nhiên như mình, khi phát hiện ra rằng những đứa trẻ được chọn tới lâu đài ấy, tưởng như không liên quan tới nhau, nhưng lại có một sợi dây liên kết bền chặt. Lúc đoạn này tại trang cuối, mình đã suýt khóc luôn, vì những lời ấy sao mà dịu dàng quá đỗi.

“Ổn cả rồi.

Không còn gì đáng sợ nữa đâu. Em hãy trở thành người lớn nhé.”

Và rằng dù bạn ở thế giới nào chăng nữa, hay đang xuất hiện và cố sức sống thật tốt ở một điểm nào đó trong dòng thời gian vô tận, hi vọng rằng bạn không phải trưởng thành một mình trong cô độc.

Hi vọng rằng sẽ luôn có ai đó ở bên và lắng nghe bạn.

P/S: Một điểm mình cảm thấy khá tiếc của “Cô Thành Trong Gương” là đoạn đầu hơi lê thê quá, chưa mấy hấp dẫn, thành ra nếu có ai thiếu kiên nhẫn có lẽ sẽ không đọc đến đoạn cuối cùng, ngay mình cũng suýt bỏ dở đôi lần, nhưng may là cuối cùng vẫn kiên trì đọc hết. Nếu đọc “Cô Thành Trong Gương”, bạn hãy đọc tới cuối nhé.

Instagram: @_satohsai

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
CÔ THÀNH TRONG GƯƠNG http://bit.ly/cothanhtrongguongNhaNam http://bit.ly/cothanhtrongguongTiki http://bit.ly/cothanhtrongguongFHS http://bit.ly/cothanhtrongguongShopee

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *