Một tác phẩm với số phận lưu lạc đầy nhọc nhằn, một đứa con tinh thần mang trong mình nhiệm vụ chuyên chở chuyện đời, chuyện người của Hà Nội ở thập niên 70, 80 thế kỷ trước — Chuyện ngõ nghèo (Trư cuồng) của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khiến người đọc không khỏi nghẹn ngào, để rồi đau đáu với đời sống hôm nay.
Chuyện ngõ nghèo ở Hà Nội ngày ấy
Trong kí ức của nhiều người Việt, đặc biệt là người dân Hà Nội hẳn sẽ không thể nào quên những năm tháng khốn khó thời bao cấp, khi phong trào nuôi lợn nở rộ khắp mọi con ngõ. Ngay cả nhà báo, dịch giả như Hoàng, giáo viên dạy sinh vật như Tám hay anh thương binh trở về từ chiến trường như Lân cùng quay cuồng chăm chút đàn lợn, bấu víu vào chuồng lợn với đủ thứ mùi hôi thối vì kế sinh nhai, vì cần lo đủ miếng cơm manh áo cho gia đình, “làm sao cho lũ con của mình tồn tại được”. Họ đều đau đáu muốn làm một nghề gì đó bằng trí óc nhưng chẳng ai giao, học nghề lao động bằng chân tay thì đã quá muộn, nuôi lợn dường như là kế sách cuối cùng. Và cũng bởi những ngày tháng ấy, ba cân tóp mỡ lợn còn đáng giá và được săn đón hơn cả những áng văn thơ, được nâng niu hơn cả những cuốn sách chắt lọc tinh hoa nhân loại. Bán đi những tác phẩm kinh điển mình yêu quý, gìn giữ cả một đời, Chekhov, Dostoevsky, Hugo, Vũ Trọng Phụng,…để có đồng bạc mua thức ăn nuôi “ông ỉ” béo tròn, để rồi làm gì? Để bán đi, giết thịt chúng mà lấy tiền nuôi những cái “tàu há mồm” vất vả sống qua ngày.
Cuộc sống cứ thế nháo nhác xung quanh cái chuồng lợn, say mê chúng, đặt cho lợn những cái tên hào hùng: Tên Lửa, Xung Kích, Thần Sấm,…Hay ấp ủ viết nên một tác phẩm để đời — Bách khoa lợn, rồi đau đáu trăn trở liệu rằng nguồn gốc của loài người có thể là khỉ hay cũng có thể là người? Sự tăng trọng, khỏe mạnh của đàn lợn có thể trở thành niềm vui của biết bao con người đang từng ngày vật lộn với cuộc sống, họ đã bị xơ cứng, chai sạn trước cuộc sống ti tiện, đau đớn và ô nhiễm. Trong người có bản chất lợn hay không vì giờ lợn không chỉ ăn rau, ăn bèo mà nó còn gau gáu ăn máu và thịt người, giống như con người đang kìm kẹp, chèn ép nhau tới đường cùng.
Để rồi Linh — người con trai của ông Hoàng, “phần đời còn sót lại” trên thế gian này của ông nếu nay mai ông chết, phải cay đắng tự hỏi: “Mình học làm gì nhỉ? Cuộc sống thì quái dị, thối nát. Mình học, liệu học có làm cho cuộc sống ấy thay đổi đi chút nào không?”
Tìm cách sống thanh thản trong cái khổ
Nhà văn Hoàng ngày ngày chăm bẵm, vỗ béo 3 chú lợn ỉn và một chú Lợn Bò, vẫn ngó ra chuồng lợn để ngẫm ngợi vì “hóa ra trong chuồng lợn cũng có đời”. Thời thế biến chuyển, đã đẩy xã hội và con người vào ngõ cùng, người sống với lợn, lợn sống với người. Có chăng anh nên tìm cách thích ứng với đời sống này, không nên tuyệt đối mọi thứ và hãy thôi đi tìm cái đẹp tuyệt đẹp tuyệt vời ở thế gian này, “cái người ta cần là miếng ăn cho ngon, người đàn bà sao cho đẹp”. Có lẽ là vậy, suy cho cùng họ cũng là những người bình thường, “thèm một cái áo vừa vặn, thèm một cái đẹp bình thường miễn là đúng kích cỡ, thèm một con người nhân hậu, thèm một hạnh phúc giản dị hơn là một siêu hạnh phúc…”
Những trang nhật ký lợn, ghi chép tỉ mỉ công việc và đan xen những trăn trở, cựa mình giữa đời sống thực tại và ưu tư trong tâm tưởng của nhà văn Hoàng đã đưa độc giả về một thời kì không xa. Một thời thiếu gạo, thiếu lương thực nhưng con người ta vẫn đang cố tìm cách để sống thanh thản trong cái khổ, “chỉ cần sống lương thiện…chỉ cần sống như thế là cũng đủ có một đời sung túc”. Bởi đứng giữa lằn ranh làm nghề đồ tể và trở thành kẻ giết người phải chăng thật mong manh, thật gần. Hủy hoại một cuộc đời lẽ nào cũng dễ dàng như giết một con lợn, làm thịt để đem bán? Trong sự ngột ngạt ấy, xã hội đói nghèo, kinh tế không còn là cái phục vụ cho con người mà con người trở thành nô lệ cho kinh tế, có lúc người trí thức đã thấy thật lạc loài, cô đơn, đã bơi chấp chới giữa bờ sống và bờ chết, phập phòng giữa những cơn mê sảng điên dại để tìm ý nghĩa trọn vẹn của đời người.
Thành thực thì cuộc sống vẫn rất vui, vẫn phải có nước mắt và nụ cười, có nhung lụa và ghềnh thác, ấy mới thật phong phú. Qua mùa đông lạnh giá, tiêu điều sẽ đến mùa xuân hiền hòa, bình yên, con người vẫn phải giữ lấy chút niềm hy vọng, giữ cho ngọn lửa yêu thương cháy mãi trong tim mình, dù le lói thôi cũng được, để dìu dắt nhau đi qua khốn cùng.
Đúng như chính cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã nhận xét về tác phẩm của mình, mỗi chương truyện của Chuyện ngõ nghèo giống như một giấc mơ, một cuộc vật lộn giữa hư và thực để cái chất lợn không lây lan ô nhiễm, không ngấm sâu vào những “kẽ nứt tâm hồn”.
Review của độc giả Trang Nguyen – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
CHUYỆN NGÕ NGHÈO | https://bit.ly/chuyenngongheotb2021Tiki | https://bit.ly/chuyenngongheotb2021FHS |