REVIEW “PHÍA NAM BIÊN GIỚI PHÍA TÂY MẶT TRỜI” – Haruki Murakami

REVIEW “PHÍA NAM BIÊN GIỚI PHÍA TÂY MẶT TRỜI” – Haruki Murakami

Pretend you're happy when you're blue

It isn't very hard to do…

Đây là tác phẩm đầu tiên của Haruki Murakami mà mình đọc, và thật sự không biết nên miêu tả cảm giác của mình trong và sau khi đọc xong như thế nào. Có thể đó là cảm giác cực kỳ mâu thuẫn, vừa cáu gắt khó chịu vì những điều diễn ra trong suốt mạch truyện nhưng lại bị cuốn hút và hấp dẫn như cái “lực hút” mà nhân vật chính luôn nhắc đến, vì thế cũng tạo nên ấn tượng mạnh với tác phẩm này.

Xin lỗi nếu có gây khó chịu cho các bạn là fan của Haruki Murakami nói chung và tác phẩm này nói riêng, thực ra trong lúc đọc quyển này trong đầu mình không kiềm được mà đã tự động đặt 1 cái tên không thể dung tục hơn được nữa – “Hajime và những người phụ nữ lướt qua đời anh ta” hay “Cách mà Hajime gây đau khổ cho những người phụ nữ” :))))

Mình đã nghĩ, mình đang đọc cái gì đây? Câu chuyện ngoại tình được kể từ góc độ kẻ ngoại tình chăng? Nhưng vấn đề là bản thân mình lại bị dẫn dắt bởi truyện được kể theo ngôi thứ nhất, dẫn đến sự đồng cảm vô thức từ phía người đọc. Đã có những lúc mình nghĩ, à, đó là do nỗi cô đơn trống trải trong lòng 1 con người, và chuyện anh ta vướng vào những mối tình và liên tục gây đau khổ cho những người phụ nữ đến với anh cũng là 1 lẽ đương nhiên. Nhưng cũng ngay sau đó, quan điểm về tình yêu và đạo đức từ trước đến giờ lại kéo mình lại để nói rằng không, anh ta là 1 thằng tồi. Chính cảm giác vừa chán ghét lại vừa đồng cảm đó khiến mình cực kỳ hoang mang và cáu gắt khi đến với “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời”.

Mình chán ghét Hajime, đó là sự thật. Năm 12 tuổi anh ta bỏ lỡ mối tình với Shimamoto-san để rồi sau đó năm 16 anh ta đến với Izumi nhưng vẫn luôn so sánh và nghĩ tới Shimamoto khi đang ôm ấp bạn gái mình. Anh ta yêu Izumi nhưng vẫn không khống chế được vẫn luôn nghĩ về Shimamoto, anh ta yêu Izumi nhưng lại làm tình “hàng chục lần” với chị họ của cô. Mình chợt nghĩ, đúng là không thể tin vào lời hứa khi yêu của những đứa trẻ. “Anh hứa với em, anh sẽ không làm em đau khổ”, “Có lý gì mà mình có thể làm khổ cô ấy?”, và cuối cùng chính anh lại là kẻ gây ra đau khổ tột cùng cho Izumi. Những gì bạn tin chắc ở thời điểm hiện tại, chưa chắc sẽ là điều bạn vẫn tin ở 1 khoảnh khắc sau, cho dù đó chỉ là 1 cái chớp mắt, mình nghĩ vậy.

Chưa dừng lại ở đó, sự chán ghét của mình đối với Hajime lên đến đỉnh điểm là vào những năm 37 tuổi, khi anh ta đã có vợ và 2 con gái xinh xắn đáng yêu nhưng vẫn sẵn sàng từ bỏ để có thể đến với Shimamoto-san của anh ta. Đoạn anh ta và Shimamoto ở Hakone và bộc bạch những lời yêu với nhau, cảm xúc của mình rất phức tạp. Một mặt là chán ghét và ghê tởm, “Xin các người đấy, đừng nói như thể rằng 2 người là 1 cặp tình nhân bị người ta chia cắt, chính 2 người mới là người mang đến đau khổ cho người khác. Hajime, anh thật ích kỷ, anh sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để có thể ở bên cạnh tình yêu của mình, kể cả đó là vợ và các con anh, anh quá hèn nhát để có thể làm chồng, làm cha. Anh không xứng để nói từ yêu”. Nhưng một mặt khác, mình lại cảm nhận được sự đau khổ và cô đơn từ 2 người này. Chỉ có thể nói, ừ, là do định mệnh. Như Hajime đã nói, anh yêu gia đình anh, anh vẫn yêu vợ anh – Yukiko, nhưng chưa đủ, phải thêm một Shimamoto-san nữa mới có thể lấp đầy được nỗi cô đơn của người đàn ông ấy. Tình cảm con người thật phức tạp, khi yêu Yukiko, anh ta đã nghĩ cô là tất cả của mình, đã cho rằng không cưới được cô anh sẽ chết, nhưng tại sao mọi chuyện lại đi đến thế này? Phải chăng do anh đã quá tham lam? Thật sự rất phức tạp, mình không hiểu được (và có lẽ cũng không muốn hiểu).

Còn về Shimamoto, cô gái này gây ra rất nhiều nỗi băn khoăn ở mình. Cô bí ẩn và chính sự bí ẩn đó lại tạo nên nét quyến rũ ở cô, như 1 ly rượu độc dù biết sẽ chết nhưng vẫn muốn say bởi nó. Shimamoto-san gần như xuất hiện từ đầu đến cuối truyện. Khi gặp bất kỳ người phụ nữ nào, Hajime đều tự động liên tưởng đến Shimamoto-san. Mình tự hỏi, phải chăng là do không có được nên người ta mới càng khao khát như thế. Giả như năm 12 tuổi ấy Hajime không hoàn toàn cắt đứt liên lạc với Shimamoto-san, giả như 2 người đã yêu nhau năm ấy thì liệu Hajime năm 37 tuổi có yêu Shimamoto đến mức sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi thứ của mình, kể cả tính mạng như thế không? Hay anh cũng sẽ đối xử với Shimamoto như với Izumi, chị họ cô và Yukiko vợ anh?

Và điều cuối cùng, cũng là điều khiến mình ức chế nhất với tác phẩm này chính là sự mơ hồ và bí ẩn của các nhân vật. Có thể có một vài bạn trong group biết mình qua một số bài review tác phẩm của Keigo. Thì với một đứa fan trinh thám như mình khi kết thúc tác phẩm này chẳng khác nào một người bị OCD nặng gặp một vạch kẻ đường không ngay ngắn vậy. Rất nhiều chuyện mình muốn tìm tác giả hỏi cho bằng được: Năm đó Izumi phát hiện ra bạn trai mình ăn nằm với chị họ của mình bằng cách kinh khủng như thế nào? Tâm trạng suy sụp của cô ấy lúc đó ra sao? Tại sao chị họ Izumi lại chết? Izumi đã gặp phải những gì đến nỗi gương mặt cô “khiến trẻ con sợ hãi” – đến nỗi một người luôn thân thiện hoà đồng lại sở hữu một gương mặt trống rỗng như người chết? Chuyện gì đã xảy ra với Shimamoto? Người đàn ông năm đó chặn Hajime khi anh ta đang bám theo Shimamoto là ai? Vì sao anh ta lại đưa tiền để bịt miệng Hajime? Chuyện gì đã xảy ra với Shimamoto suốt những năm tháng đó để cô đánh mất đứa con mới sinh của mình? Tại sao cô giàu có như thế nhưng lại “chưa từng làm việc”? 6 tháng Shimamoto biến mất đó, cô ấy đã đi đâu và làm gì? Và cuối cùng là sau đêm nồng cháy với Hajime ở Hakone, Shimamoto tại sao lại rời đi và lấy lại chiếc đĩa mà mình đã tặng Hajime? Shimamoto thế nào sau khi rời đi? Cô ấy có còn sống không? Và tại sao cọc tiền lại biến mất? Liệu tất cả mọi chuyện có phải chỉ là tưởng tượng của Hajime?

Còn quá nhiều điều mà mình không biết và băn khoăn sau khi đóng lại trang sách cuối cùng. Lúc ấy bất giác, trong đầu mình lại hiện lên câu nói “phía nam biên giới, phía tây mặt trời”. Càng bí ẩn lại càng thu hút người ta, cũng như tác phẩm này, có lẽ vậy.

Phía nam biên giới chắc chắn có cái gì đó mà không chỉ là đất nước Mexico, và phía tây mặt trời chắc chắn cũng có một cái gì đó rất khác với cái ở phía nam biên giới. Cái gì đó đã khiến người nông dân Siberi hướng đến, di chuyển hàng ngày trời không ăn không uống rồi gục xuống mà chết. Liệu nó là cái gì?

Review của độc giả Nga Thuy Tran – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
Phía nam biên giới, phía tây mặt trời http://bit.ly/phianambiengioiphiataymattroiNhaNam http://bit.ly/phianambiengioiphiataymattroiTK http://bit.ly/phianambiengioiFHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *