REVIEW “NGÀN MẶT TRỜI RỰC RỠ” – Khaled Hosseini

REVIEW “NGÀN MẶT TRỜI RỰC RỠ” – Khaled Hosseini

Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ vừa thốt ra đã cảm thấy chói mắt, nhưng thứ ánh sáng đó lại không thực để soi rọi con đường các nhân vật phải đi, họ lần mò mãi trong bóng tối và sự đơn độc với mong mỏi duy nhất là được sống. Afghanistan trong những trang văn tự sự trần trụi của chưa từng là đất nước đẹp, ở nơi đây lúc nào cũng chứa đựng những điều buồn bã và ám ảnh với người mẹ mất đi tiếng cười của con khi chúng tham chiến và hy sinh; với người cha chạy khắp nơi để tìm lại từng mảnh xác của con mình trong lần rocket dội trên phố; với người con đang thoi thóp giữa những cơn đau nhưng vẫn tỉnh táo để chứng kiến cơ thể cha mẹ mình nứt toác sau tiếng nổ lớn; với những cuộc tha hương khi dần tàn phá mọi thứ trên quê hương họ; với tình yêu vừa chớm đã vội ly tan… Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ còn nhiều niềm đau hơn cả Người Đua Diều vì sự tuyệt vọng hiển hiện ở khắp mọi nơi, không trừ bất kỳ ai và phụ nữ là tầng lớp gánh chịu toàn bộ sự cai trị độc đoán của thế lực mới.

Cuộc sống này sự thật thì luôn tồn tại bất hạnh, chỉ khác nhau ở chỗ chúng đến như thế nào và ta đã đối diện, vượt qua ra sao. Tất nhiên không phải ai cũng đủ mạnh để hiên ngang trở thành người chiến thắng số phận, bởi nhiều người vẫn đang mắc kẹt trong những rối ren, thậm chí đã yếu thế khiến chúng biến thành bi kịch bóp nghẹt mọi thứ từ cơ thể đến tâm trí. Nỗi đau trong quyển sách này đổ ập lên những người phụ nữ khi họ còn chưa kịp đề phòng, chỉ một đêm tất cả kỳ vọng đều vỡ nát, mọi quyền nữ bị tước đoạt và họ chỉ sống như một phần ký sinh bên cạnh người đàn ông, cần có nhưng nếu không cũng chẳng ai bận tâm. Tiếng nói, nụ cười và cả khối óc của người phụ nữ đều là những thứ vô nghĩa, thậm chí đôi lúc nhìn thật chướng mắt.

Bạn đừng hoài nghi gì về câu đề ở bìa sách: “Bạn sẽ muốn bị hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện”, vì Khaled Hosseini lại chạm đến trái tim người đọc bằng câu chuyện từ cuộc sống, tâm tư của con người quê hương ông. Một Afghanistan đầy rẫy những bất công và hủ tục, nơi niềm đau của thân phận người phụ nữ yếu ớt, hèn mọn được giấu sau tấm áo choàng đen burqa. Và Mariam – Laila là hiện thân của hai số phận có tuổi hoàn toàn trái ngược nhưng đến cuối cùng vẫn phải chịu cùng một nỗi đau và sự tủi nhục, để được sống. Khát khao đó đôi lúc còn vượt xa trí tưởng tượng của tôi, vì sao lại sống trong chuỗi những ngày đen tối và tuyệt vọng đến vậy? Những vết thương trên cơ thể họ đã lành lại bằng cách nào khi các trận đòn cứ nối tiếp nhau? Và cách Mariam đối diện với thực tại làm tôi đau xót.

Là một harami, Mariam không được công nhận trong gia đình của cha đẻ, từ nhỏ đã phải sống cùng người mẹ mang nhiều nỗi oán hận trong túp lều lụp xụp bên kia đồi. Mẹ Mariam, Nana, là người phụ nữ đầu tiên gánh chịu những tủi nhục khiến sự hồ nghi luôn hiện hữu trong cuộc sống và biến bà trở thành người cực đoan khi nuôi dạy cô con gái nhỏ. Bà dùng những lời cay nghiệt để rót đầy tai Mariam về người cha mỗi tuần vẫn đến thăm cô với các gói quà được giấu trong túi áo vest, bà mắng mỏ và ép buộc cô phải luôn ở cạnh mình. Nhưng sau những nghi ngờ về tình yêu mà Nana dành cho Mariam, tôi nhận thấy sự đơn độc của người mẹ ấy, một người phụ nữ đã chấp nhận mọi lời chê trách để con gái được sinh ra, đã cố gắng nuôi dưỡng để bấu víu lấy sự tồn tại nhỏ bé ấy mà sống và đã tuyệt vọng đến cùng cực khi không tìm thấy Mariam. Giá mà bà chọn cách khác, giá mà trong túp lều nhỏ ấy khoảng cách giữa hai người không quá xa cách thì có lẽ Mariam đã chẳng phải chịu nhiều nỗi đau như vậy.

Mariam không được lựa chọn thân phận của mình, nhưng cô bé luôn vui vẻ đón nhận tình yêu thương từ cha mặc kệ mọi lời cảnh báo mà Nana vẫn ngày ngày rền rỉ bên tai cô: “Hãy nhớ lấy điều này và nhớ cho kỹ, con gái ạ: Giống như chiếc kim là bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn là như vậy”. Mariam bé bỏng chẳng thể biết được rằng Jalil không thể mang cô về bên cạnh mình hay bảo vệ cô khỏi những chuyện sắp xảy đến. Thứ tình cảm gần như tuyệt đối mà một đứa trẻ mười lăm tuổi dành cho bố mình phút chốc vụn vỡ bởi sự phản bội và nó biến thành khởi đầu của tấn bi kịch chồng lên cuộc đời Mariam.

Cô buộc phải lấy chồng ở tuổi mười lăm, bị đẩy xa khỏi vòng tay bố và cả vị giáo sĩ già hết mực yêu thương mình là Faizullah. Rasheed thì chỉ đóng kịch giỏi trong buổi ban đầu, bởi sau những dịu dàng, ân cần với mong mỏi duy nhất là có một cậu con trai bị đổ vỡ, hắn nhanh chóng xả vai và lộ rõ bản chất một kẻ gia trưởng, vũ phu, ích kỷ. Buộc Mariam phải sống cùng với chiếc burqa che kín từ đầu đến chân trong khi mình lại sở hữu rất nhiều tạp chí khiêu dâm và cô sau những thắc mắc thường tình đã chẳng làm gì hơn là nhẫn nhịn, chịu đựng. Rốt cuộc thì sức chịu đựng của một người có thể lớn đến mức nào, hay bởi vì bị trói buộc trong danh phận harami hèn mọn nên cô chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành cái bóng bên cạnh Rasheed. “Đó là một cuộc sống không có tương lai. Quá khứ chỉ mang một thông điệp duy nhất: tình yêu là một sai lầm tai hại, và đồng phạm của nó, hy vọng, là một ảo ảnh lừa dối”.

Trong chuỗi những tháng ngày đen tối đó, Mariam chưa từng được dạy cách phản kháng và cũng chẳng ai bảo vệ bà khỏi đòn roi hay xoa dịu nỗi đau mất đi những đứa con chưa kịp thành hình của mình, cho đến khi Laila xuất hiện. Cô gái có tuổi thơ được chăm lo và học hành đầy đủ bên cạnh người bố làm nghề giáo viên luôn khích lệ cô nuôi dưỡng một ước mơ, những người bạn thân thiết cùng cậu bạn trai luôn sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ Laila cả khi anh không lành lặn. Nhưng chính những thay đổi của thời cuộc đã đẩy cuộc sống của Laila đến bế tắc, cô mất đi mọi thứ quý giá trên đời và buộc phải trở thành vợ của Rasheed để bảo vệ một mầm sống đang nảy nở từ tình yêu. Bên cạnh Mariam, bạn hẳn đã đọc được phần tóm tắt về số phận của hai người phụ nữ ấy khi chung một mái nhà, họ vẫn sống cùng những đòn roi, miệt thị bên cạnh người chồng vũ phu. Bởi họ giờ chỉ là những người phụ nữ mất đi quyền công dân, quyền làm người và bị xem như phần thừa trong chế độ cai trị độc tài trọng nam khinh nữ ở Afghanistan.

Dưới ngòi bút miêu tả tỉ mỉ của mình, Khaled lại khiến trái tim độc giả phải thổn thức trước nội tâm cũng như thân phận của hai người phụ nữ và cả những mất mát mà họ đã chịu trong suốt cuộc đời mình. Bạn có lẽ cũng sẽ bị ám ảnh khá lâu bởi sự tàn khốc của chiến tranh ở Afghanistan như tôi đã run rẩy và không cách nào quên chiếc áo in hình cầu Cổng Vàng ở bị nhuốm máu, cả lúc Mariam ngang nhiên chấp nhận việc sẽ xảy đến với mình trong buổi sáng cuối cùng. Tất cả họ đã đánh đổi cả đời để ngàn mặt trời rực rỡ soi sáng cho những người mà mình yêu thương.

Không ai có thể đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng. Hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng.

Review của độc giả Lê Phạm Thuý Huyền Châu – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
Ngàn mặt trời rực rỡ (TB 130.000) http://bit.ly/nganmattroirucroNhaNam http://bit.ly/nganmattroirucroTK http://bit.ly/nganmattroirucroFHS http://bit.ly/nganmattroirucroShopee

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *