Bị ấn tượng bởi Michel Bussi từ tác phẩm “Hoa súng đen” nên ngay khi “Mẹ đã sai rồi” được lên kệ mình không thể bỏ qua mà đã tìm đọc ngay. Một lần nữa người đọc lại thấy được tài năng có thể nói là bậc thầy trong nghệ thuật đánh lạc hướng người đọc của ông. Tác phẩm này cũng không ngoại lệ, bằng tài năng của mình ông đã dẫn dắt người đọc đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hồi hộp và lôi cuốn bạn như bị thôi miên khi phiêu lưu cùng các nhân vật trong tác phẩm. Bằng những mảnh ghép tưởng chừng như rời rạc, vụn vặt nhưng khi bạn đủ kiên nhẫn, tỉnh táo, đủ thông minh để chọn lọc, lắp ghép, sắp xếp chúng vào đúng chỗ bạn sẽ hoàn thành được bức tranh một cách hoàn chỉnh và giải đáp được những câu hỏi mà tác giả đã đặt ra.
Liệu bạn có tin không khi mà Malone, một cậu bé ba tuổi rưỡi nói với bạn rằng “ Mẹ không phải là mẹ thật của cháu”
Vasile – bác sĩ tâm lý của cậu bé là người duy nhất tin vào điều cậu bé nói và tìm mọi cách để khám phá ra sự thật.
Tình cờ Vasile đã quen và kể chuyện cậu bé cho thiếu tá cảnh sát Marianne để nhờ sự giúp đỡ. Nhưng vị thiếu tá không hề có ý định quan tâm tới cậu bé bởi cô đang bận điều tra một vụ cướp nữ trang và hàng hiệu trị giá hàng triệu đô một cách táo tợn. Hai người trong băng cướp đó đã bị bắn chết ngay tại chỗ, một người bị nhận diện đã tẩu thoát, số nữ trang và hàng hiệu bị cướp biến mất một cách bí ẩn không để lại một chút dấu vết.
Liệu thiếu tá cảnh sát có tìm ra tên cướp tẩu thoát cùng số nữ trang và hàng hiệu bị cướp và anh chàng bác sĩ tâm lý có tìm ra câu trả lời ai là mẹ thật của cậu bé?
Hãy cùng chơi trò chơi bằng con chữ cùng Michel Bussi trong tác phẩm này.