REVIEW “HẢO NỮ TRUNG HOA” (Hân Nhiên) – Hồi kí về thảm cảnh của những người phụ nữ

REVIEW “HẢO NỮ TRUNG HOA” (Hân Nhiên) – Hồi kí về thảm cảnh của những người phụ nữ

Mình biết đến cuốn sách do có lần viết review về “Ngàn mặt trời rực rỡ”, 1 tác phẩm cũng nói về số phận của những người phụ nữ ở Afghanistan, 1 bạn đã nhắn mình là “đọc “Hảo nữ Trung Hoa” đi bạn, hay lắm”. Rồi vì tò mò, mình cũng kiếm sách để đọc thử. Khép lại cuốn sách, cảm xúc duy nhất đọng lại trong mình là “Có chuyện như thế này luôn? Vì sao người , đặc biệt là phụ nữ có thể sống qua cái thời kì tăm tối và tàn bạo như vậy?”

Cuốn sách không có nhân vật chính, nếu có thì cũng là Hân Nhiên- người kể chuyện. “Hảo nữ Trung Hoa” gồm 15 chương với 15 mẩu chuyện về những số phận, cảnh đời của những người phụ nữ thời Cách mạng Trung Quốc những năm 60 70 của thế kỉ trước. Những mảnh đời khác nhau mà giống nhau đến kì lạ, đều bị bóp nghẹt bởi chế độ, bởi thời đại, bởi định kiến xã hội, và đều mong muốn được hạnh phúc, dù là nhỏ nhoi.

15 câu chuyện, 15 mảnh đời. Nhiều câu chuyện cực kì đau đớn mà khi đọc xong, ta chỉ có thể nghĩ “tại sao lại có bọn cầm thú như vậy?” Đó có thể là cô bé vừa mới dậy thì, bị chính cha ruột lạm dụng, người mẹ sau khi biết chuyện lại ngó lơ bất lực: “Để cả nhà này yên ổn, con phải chịu đựng điều đó.” Không còn một hy vọng nào để bám víu, cô bé ấy phải tìm mọi cách để được ốm và để được vào viện. Thà chết còn hơn trở về nhà. Em qua đời trong bệnh viện vì nhiễm trùng máu. Hay 2 chị em bị chính những kẻ tự xưng là “Người Cách mạng”, là Hồng vệ binh cưỡng bức để rồi tan cửa nát nhà. Người mẹ vì quá đau khổ mà tự vẫn, người cha trở nên mất trí. “Cha tôi chẳng biết tôi là ai, và tôi cũng thế”. Hay là về Thạch Lâm, con gái của vị tướng Quốc dân Đảng, bị tra tấn và bị ép phải xem người thân của mình bị tra tấn đến phát điên và mất đi lí trí, để rồi câu duy nhất mà cô có thể nói được chỉ còn là nối ám ảnh “Cha tôi là ai”

Hay đó là người phụ nữ đã chờ đợi người yêu ròng rã 45 năm. Họ đều là trí thức trẻ, bị chính “Cách mạng văn hóa” đấu tố, giam giữ và chia cách. Trong thời đại Cách mạng Văn hóa, bất kì người nào xuất thân từ gia đình giàu có, hay có kiến thức, là 1 chuyên gia, có những mối quan hệ với nước ngoài đều bị xếp vào thành phần “phản cách mạng”. Đối với họ lúc đó, dường như mọi thứ có mùi hay vị đều có thể liên quan đến tư sản, và nếu chẳng may bị bắt bớ bởi Hồng vệ Binh, bị đấu tố, thì cuộc đời họ 1 chút hơi tàn coi như cũng đã chấm dứt.

Hoặc đó là câu chuyện về những người mẹ, những gia đình đã sống sót qua thảm họa Đường Sơn đại địa chấn năm 1976. Vươn lên từ đống tro tàn, vượt qua nỗi đau thấu tận tâm can khi mất chồng, mất con, họ đã sống và cứu giúp những đứa trẻ mồ côi mất cha mất mẹ khác. Chỉ có như vậy, họ mới vượt qua nỗi đau âm ỉ suốt hang chục năm qua, và 1 phần cảm giác tội lỗi của người sống sót.

Đó chỉ là 1 vài trong số hàng ngàn, hàng triệu những câu chuyện, những bi kịch thời Cách mạng Văn hóa đầy hỗn loạn và tăm tối. Hàng triệu người phụ nữ đã bị chà đạp, lăng nhục và hủy hoại. Nhưng trên tất cả, họ vẫn cố gắng sống và nhìn về phía trước. Tất cả đã làm nên bản trường ca ai oán bất diệt về những người phụ nữ Trung Hoa.

Review của độc giả Hoàng Minh – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
HẢO NỮ TRUNG HOA (TB 2021 – 128.000) https://bit.ly/haonutrunghoa2021NhaNam https://bit.ly/haonutrunghoa2021Tiki https://bit.ly/haonutrunghoa2021FHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *