[…] Vì lo sợ sẽ bị kỷ luật nặng do “nghịch bậy” trong kho vũ khí, đạn dược của nhà nước, Việt Bắc, Tự Thắng, Linh, Hoài Nam (về sau bớt Nam thêm Thảo) cùng với Sơn đã quyết định rời trại sơ tán, “tạm lánh” tới vùng sơn cước chưa một dấu chân người. Cuộc “trốn trại” dự tính chỉ diễn ra trong tầm đôi ba ngày, song nào ngờ, do đạn bom phía địch, chuyến phiêu lưu kỳ thú, hấp dẫn bỗng biến thành một cuộc sinh tồn đầy hiểm nguy giữa lòng rừng thiêng nước độc. Năm đứa trẻ đang chấp chới tuổi trưởng thành, nay bỗng buộc học cách đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức: thú dữ, hoa độc, bom đạn, và đặc biệt là những tuyệt lộ tít mù khơi kin kít không một lối ra.
Trước khi tìm tới Đi trốn, mình cũng đã từng đọc qua (và mê mệt) Quân khu Nam Đồng. Mê lối kể chuyện, mê cách dùng từ, mê nhân vật, mê bối cảnh, mê cả những thông điệp ý nghĩa mà người đọc chỉ có thể ngẫm tới sau khi đã ngưng dứt thành công những trận cười nắc nẻ. Ở cuốn sách thứ hai này, Bình Ca không những tiếp tục phát huy tốt những ưu điểm đó, mà thậm chí còn mài giũa chúng để thiên truyện càng trở nên hay ho gấp bội.
Cái hay đầu tiên đáng để nhắc tới nhất, đó chính là việc xây dựng không khí truyện – đầy tươi sáng và lạc quan. Lấy bối cảnh đất nước những năm bom đạn, song phủ lên từng con chữ trong Đi trốn không phải là tấm vải liệm tang tóc, bi thương, mà đổi lại lại là bầu không khí tươi vui, đẫm trong ánh sáng. Chắc có lẽ bởi hơn ba trăm trang sách chỉ xoay quanh đôi mắt nhìn của đám trẻ loi nhoi, nên phải hiếm lắm mới thấy một chút gì gọi là sầu thảm hay bi kịch. Truyện chủ yếu viết về những trò đùa, những cuộc vui, những chuyến phiêu lưu bất tận của tuổi thơ mà những người đã “bước qua bên cái sườn dốc bên kia của đời” khó lắm mới có thể hiểu nổi. Không ít những pha dở khóc dở cười đã nổ xuyên suốt từ đầu tới cuối truyện: từ phi vụ làm tên lửa, “ỉa thuê” tới cả trộm đạn đi tập bắn. Dường như cái bi kịch của chiến tranh không mảy may có thể chạm tới khát khao phiêu du của bầy trẻ. Máy bay địch tới, chúng ngắm nhìn bầu trời xanh vằn vện những vệt khói trắng với niềm thích thú vô hạn. Bom địch dội, chúng vội chạy vào hầm, nhưng bom đi, chúng lại tiếp tục cuộc chơi. Chúng chơi với súng, nghịch với đạn, cho tới khi toác cả đầu, tướt cả máu, chúng cũng chỉ hốt hoảng đôi hồi, chạy lẹ vào trạm xá rồi lại thôi.
Song, không phải vì thế mà lại có thể cho rằng Đi trốn phản ánh hiện thực một cách hời hợt. Mặt khác, truyện bám rất sát thực tế lịch sử, với chất hiện thực sắc lạnh như có thể sờ hay chạm thấy. Đó là câu chuyện của những đứa trẻ từ miền Nam ra đất Bắc, luôn gặp phải không ít những khó khăn trong công cuộc hòa nhập với đồng bào; là câu chuyện của những gia đình vì chiến tranh mà buộc phải li tán, vì thời gian mà đánh rơi mất những kỷ niệm bên nhau; là những sai lầm trong đấu tố giai cấp, là những thiếu sót trong công cuộc Cải cách, đem lại không ít những đớn đau, bất hạnh. Viết về lịch sử, song Bình Ca không hề muốn đánh giá hay suy xét lại lịch sử, ông chỉ muốn kể một câu chuyện, và từ đó mỗi chúng ta đều có thể gom nhặt lại được chút gì đó cho mình.
Cái hay thứ hai, đó là cách Bình Ca miêu tả con người – miêu tả con người trong tương quan so sánh với cái hung hiểm, cái độc dữ lẫn cả cái đẹp, cái tráng lệ của tự nhiên. Nhân vật xuất hiện trong Đi trốn không nhiều. Vị chi trừ đi năm, sáu đứa trẻ tham gia vào cuộc phiêu lưu thì chỉ còn đôi ba người lớn và những cái tên được điểm qua điểm lại, song cũng bởi vậy mà mỗi nhân vật, mỗi con người đều như hiện lên với những nét tính cách, những câu chuyện đời đậm đặc chất riêng. Sinh ra trong thời loạn, dường như cái “máu lính” đã chảy rần rật trong huyết quản mỗi người ngay từ khi chúng còn chưa biết vâng dạ. Chúng ăn nói bỗ bã, vui chơi thì toàn những trò đùa trời đánh thánh hết hồn, tưởng vậy là hư, song chúng lại sống vô cùng tình cảm, trọng tình nghĩa và luôn hết lòng vì bè bạn. Vì một đứa mang tội, cả đám sẵn sàng khăn gói ới nhau vào rừng tạm lánh. Vì một trò nghịch dại, cả đám mặc kệ tương lai trường lính, quyết cùng bạn bè sinh tử có nhau. Chính bởi vậy mà cái cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ ấy mới có dịp được khởi xướng.
Xuyên suốt cuộc băng suối, thăm rừng, người đọc không những nhìn thấy được tình bạn khăng khít lẫn cả những tình cảm lứa đôi trong sáng vừa mới chớm nở, thấy được sự tháo vát, tài trí, dũng cảm của đám trai, đám gái nhà binh, hơn thế nữa, ta còn có cơ hội đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên núi rừng đất nước thuở ban sơ – khi mà sự tàn phá của con người hiện mới chỉ là một viễn cảnh xa xôi không tưởng. Đó là thiên nhiên của những mặt hồ trong vắt, lấp lánh ánh nắng mỗi sớm mai vươn mình; là thiên nhiên của những vạt rừng ríu rít tiếng chim kêu, của vô vàn những loài động vật hoang dã giờ hiện đang ngấp nghé bên bờ tuyệt chủng; là thiên nhiên của những hang động kỳ vĩ, của những khối thạch nhũ trăm sắc, ngàn dạng, của hoa lá, của cỏ cây, của chốn thiên đường trên mặt đất. Lối miêu tả giản dị song đầy sức gợi, kết hợp cùng sự am tường các vùng, miền địa lý, Bình Ca đã thực sự phác nên một bức tranh thiên nhiên Việt Nam kỳ thú tới nín lặng. Bức tranh ấy như thoát ly khỏi hiện thực tàn khốc thời chiến, như xa rời khỏi những mất mát, bạo tàn của chiến tranh, đem tới những mộng tưởng tuyệt đẹp về cuộc sống thôn dã bắt cá, trồng cây thanh bình, yên ả, khiến độc giả không khỏi ngất ngây, say đắm.
Giản dị, hài hước mà cũng hết đỗi sâu sắc. Mình nghĩ Đi trốn là một trong những cuốn sách tuyệt vời mà ai, ở độ tuổi nào, quan điểm sống ra sao, cũng đều có thể đọc được. Hành trình “đi trốn” ròng rã nhiều ngày trời của Việt Bắc, Tự Thắng, Linh, Sơn, Hoài Nam và Thảo thực sự không đơn thuần chỉ là một cuộc phiêu du thú vị mà cũng đầy trắc trở, đó còn là hành trình đi-để-đến, đi để trưởng thành, đi để chiêm nghiệm, đi để chắc chắn là bản thân ta đã lớn thêm tý chút. Đánh giá: 5/5 sao.
Instagram: @albertshadou
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA | SHOPEE |
ĐI TRỐN (BÌA MỀM) | http://bit.ly/ditronbiamemNhaNam | http://bit.ly/ditronbiamemTiki | http://bit.ly/ditronbiamemFHS | http://bit.ly/ditronbiamemShopee |