Những tiêu chuẩn như thế cũng tồn tại ở Nhật Bản, và nếu dựa vào đó, Furukura Keiko của “Cô nàng cửa hàng tiện ích” sẽ là một người siêu bất thường: 36 tuổi, suốt 18 năm chỉ làm một công việc duy nhất là nhân viên bán thời gian cửa hàng tiện lợi, không màn chuyện hẹn hò, hôn nhân, con cái
Tiểu thuyết chỉ dài 140 trang nên cách viết của nữ tác giả Murata Sayaka rất cô đọng, lúc hài hước giễu nhại, lúc lại mang tính tuyên ngôn, đặc biệt là bước ngoặc trong cốt truyện khi cho Furukura – sau 18 năm tạm không bị xã hội đào thải nhờ làm “sinh vật mang tên nhân viên cửa hàng tiện ích” – gặp Shiraha, một “người không bình thường” khác. Shiraha cho rằng thời hiện đại anh đang sống chỉ là phiên bản khác của thời ăn lông ở lỗ mà thôi: cũng mặc định đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm, ai không làm được thì bị bộ tộc tẩy chay, đào thải.
Xuất bản năm 2016 và giành giải Akutagawa, một trong những giải văn chương cao quý của Nhật, câu chuyện của “Cô nàng cửa hàng tiện ích” vẫn còn tính thời sự trong xã hội đương đại ở nhiều quốc gia. Đi ngược với mong đợi xã hội là xấu và đáng lên án, hay cần thông cảm vì miễn sao ta thấy thoải mái với lựa chọn của mình? Độc giả sẽ có câu trả lời cho riêng mình khi tìm hiểu câu chuyện của Furukura, một cá thể của “giống người cửa hàng tiện lợi” theo đúng tựa gốc Konbini Ningen, mà cả bản dịch tiếng Anh (Convenience Store Woman) và Việt đều không chuyển tải được ngụ ý này của tác giả.