REVIEW “CHIẾN BINH CẦU VỒNG

REVIEW “CHIẾN BINH CẦU VỒNG

(Thế giới đã có thêm một thiên tài, nếu đứa trẻ ấy không phải sinh ra trong cảnh nghèo khó.

Cuốn sách này là câu chuyện kể về niềm khát khao được đến trường của những đứa trẻ Belitong, được cống hiến hết mình cho giáo dục của cô Mus và thầy Harfan, và sau cùng là sự tiếc nuối dành cho Lintang – một đứa trẻ thiên tài.)

Cho đến hôm nay, tôi vẫn thường tưởng tượng cảnh Lintang trở thành một nhà Mã Lai. Nhưng hình dung đó bốc hơi đâu mất vì nơi đây, trong cái lán không cửa nẻo gì đây, Isaac Newton của tôi đã quy hàng số phận.

Andrea Hirata là nhà văn Indonesia ăn khách nhất từ trước đến nay. Tác phẩm đầu tay của ông, Chiến binh cầu vồng dựa trên câu chuyện về thời ấu có thực của chính nhà văn.

———-

Belintong là vùng đất của khoáng sản quý. Từng tấc đất trên mảnh đất này đều chứa đựng tài nguyên, nhất là thiếc. Chính phủ khai thác thiếc, vắt kiệt mọi thứ trên mảnh đất này. Dưới chân những người dân đang khó nhọc kiếm từng bữa ăn mỗi ngày là “núi vàng”, nhưng núi vàng ấy lại tập trung hết vào Điền Trang, nơi ở của những quan chức đứng đầu.

Nằm trong khuôn viên của Điền Trang, nếu ví trường PN là “Thiên đàng” với đội ngũ giáo viên danh giá, cơ sở vật chất đầy đủ với từng học sinh khoác lên mình bộ đồng phục đại diện cho sự giàu có, thì trường tiểu học Muhammadiyah chính là “địa ngục” tồi tàn với cái mái trường chẳng đủ kín để che nắng che mưa. Đã từ nhiều năm nay, giáo viên ở ngôi trường này đã không được trả lương. Chẳng ai muốn cho con em mình học ở đây, trừ những người lao động nghèo nhất, vì họ chẳng có đủ tiền cho con mình học ở bất cứ ngôi trường nào khác.

☀️Nhưng trong chính sự kiệt quệ tới cùng cực về ấy, trường Muhammadiyah bừng sáng lên bởi niềm vui của những đứa trẻ, bởi ước mơ về tương lai, bởi tình yêu, sự nhiệt huyết và kiên cường mà thầy Harfan và cô Mus dành cho những học trò quý báu nhất trên đời của họ.

11 CHIẾN BINH CẦU VỒNG Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC MUHAMMADIYAH

Không giống như bất kỳ ngôi trường nào khác, học sinh trường tiểu học Muhammadiyah yêu thích việc đến trường. Những đứa trẻ ấy say mê trong câu chuyện kể của thầy Harfan và bài giảng của cô Mus. Ở đây, giáo dục được là chính bản chất của nó, không phải sự nhồi nhét kiến thức khô khan để vượt qua những bài kiểm tra, cũng không phải đồ án được xây lên để ai đó nắm trong tay tấm bằng danh giá nhằm phô trương bản thân mình. Ở đây, những đứa trẻ được truyền tình yêu dành cho các môn học, niềm say mê với kiến thức mới bằng tất cả sự háo hức và tò mò về thế giới này. Học hành trở thành niềm vui lũ trẻ khao khát được đón nhận mỗi ngày.

Tuổi thơ và tình bạn của đội Chiến binh cầu vồng còn được xây lên bởi các chuyến phiêu lưu dữ dội theo đúng nghĩa đen của nó: những lần chơi trò trượt lá dưới mưa; những việc hệ trọng được bàn bạc dưới cây filicium; chuyến phiêu lưu đi tìm nhỏ Flo; lần vượt biển “đi tìm giải ” cho bài kiểm tra của Flo và Mahar,…

Và sau cùng, những đứa trẻ thần kỳ, ở ngôi trường xập xệ không ai thèm để ý tới đã vượt qua cả trường PN để giành được hai chiếc cup danh dự, một cho tài năng nghệ thuật của Marhar và một cho tài năng thuộc các môn tự nhiên của Lintang, cứu thoát ngôi trường khỏi nguy cơ bị dỡ bỏ.

Người ta thường nói rằng khi một khó khăn nào đó không thể cản trở bạn được nữa thì nó sẽ trở thành sức mạnh khiến bạn mạnh mẽ hơn.

TÌNH YÊU CỦA THẦY HARFAN VÀ CÔ GIÁO MUS

Thầy Harfan là người đặt chiếc cột đầu tiên xây nên ngôi trường tiểu học này. Từng thầy cô giáo khác lần lượt rời đi vì giáo viên trong trường thậm chí còn không được trả lương, vì một thầy giáo có thể nghèo đến mức chẳng mua nổi một chiếc xích xe đạp trong khi những đứa trẻ bỏ học đi làm cu li có thể mua cho mình hẳn một chiếc xe. Chỉ có duy nhất thầy Harfan còn ở lại, kiên trì với ngôi trường này cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.

Cô giáo Mus đã theo đuổi ước mơ gõ đầu trẻ từ năm 15 tuổi. Bỏ qua cơ hội và lời mời vào làm việc trong Điền Trang xa hoa, bỏ qua một tương lai tươi sáng mà bấy giờ ai cũng ao ước, cô nối bước thầy Harfan để giữ cho ngôi trường được đứng vững tới phút cuối cùng. Vì sao một cô gái trẻ lại lựa chọn con đường ai cũng cho là ngu ngốc và dại dột như thế? Còn gì khác hơn ngoài sự thấu hiểu và tấm lòng yêu thương? Cô thấu hiểu sự khổ cực của những người cu li thất học nơi đây. Họ đã dành cả cuộc đời quanh quẩn trong cái vòng lặp của sự khốn khó. Cô muốn học trò của mình được đến trường, được có quyền học tập cơ bản của mỗi con người mà ai cũng phải có.

Vậy là cô Mus đấu tranh, dù chỉ là một cô gái nhỏ bé chẳng có tiếng nói trong xã hội. Cô đạp xe hàng chục cây số, tới nơi từng học trò quý giá của cô đang làm cu li để khuyên nhủ các em đừng bỏ học, khuyên các em hãy đặt niềm tin ở cô. Cô đứng lên đối mặt với từng người có chức có quyền ở Điền Trang để giữ vững chiếc cột đầu tiên thầy Harfan dựng lên trong trường – thứ được coi là linh hồn của trường tiểu học Muhammadiyah.

☀️Cô Mus và thầy Harfan là hiện thân của những giáo viên đáng được kính trọng nhất trên đời này. Họ không chỉ xây nên nền tảng tri thức, họ còn xây lên lòng tin, nhân cách, ước mơ và niềm hy vọng vào tương lai cho những đứa trẻ nơi đây.

CUỐI CÙNG LÀ LINTANG – MỘT ĐỨA TRẺ THIÊN TÀI, MỘT SỰ NUỐI TIẾC CHO TÀI NĂNG BỊ LÃNG PHÍ

Cha của Lintang là một ngư dân mù chữ. Để bẻ gãy cái vòng lặp luẩn quẩn này và mong muốn cuộc đời con cái sẽ khác đi, cha mẹ Lintang quyết tâm cho cậu đi học.

Nhà Lintang cách trường 40 cây số, một con sông đầy cá sấu trực chờ lao đến, một chiếc xe đạp mà mỗi lần hỏng phải tháo đi một mắt xích cho đến khi nó ngắn đến nỗi không thể dùng được nữa. Đó là tất cả những gì Lintang phải vượt qua để đến đường vào mỗi buổi sáng, vậy mà cậu luôn là người đến trường đầu tiên.

Lintang – một cậu bé có thể viết rành rọt tên cha mình chỉ sau chưa đầy một tháng đi học, thông thạo tam giác Pascal ngay từ cấp tiểu học, hiểu được vi phân và tích phân ngay từ khi còn rất nhỏ, cậu bé ấy đã thắp nên niềm hy vọng về ước mơ cho tất cả những đứa trẻ còn lại, nhưng cuối cùng phải từ bỏ giấc mơ trở thành nhà toán học của mình. Đây là chi tiết khiến mình đau nhói và nuối tiếc nhất trong cả cuốn sách, vì một cuộc đời, một giấc mơ mãnh liệt đã bị cái nghèo chôn vùi không thương tiếc.

☀️Lời kết lại: Đây là một cuốn sách xứng đáng được đánh giá 10/10, vì câu chuyện này có thật, vì nó cho chúng ta thấy mình đã may mắn nhường nào khi có điều kiện học hành tử tế. Lần đầu tiên đọc cuốn sách này, mình đã thấy xấu hổ vì không cố gắng hết sức trong chuyện học hành, vì điều kiện học tập bản thân luôn cho là bình thường hóa ra là niềm ao ước của bao đứa trẻ khác trên thế giới.

Review của độc giả Nguyễn Cẩm Nhung – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA SHOPEE
CHIẾN BINH CẦU VỒNG (TB 2020 – 109.000) https://bit.ly/chienbinhcauvongtb2020NhaNam https://bit.ly/chienbinhcauvongtb2020Tiki https://bit.ly/chienbinhcauvongtb2020FHS https://bit.ly/chienbinhcauvongtb2020Shopee

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *