Bữa nay muốn giới thiệu mọi người một cuốn sách khá hợp đọc trong Halloween này, đây là Ảo Thanh Chết Chóc của tác giả người Đài Loan Trương Du Ca.
❝Ma con không phải là bệnh tật. Nó là một loại tín ngưỡng, một khi đã gieo sâu vào trong tâm trí thì sẽ không thể trừ tận gốc được nữa.❞
Có lẽ sự bi thương nồng nặc khổ đau xuyên suốt chính là lý do khiến Bộ văn hoá Đài Loan đã tài trợ cuốn sách này. Nếu bạn muốn tìm tới nó với tư cách một cuốn sách kinh dị, dù bên Nhật nhiều người cũng khen và bảo nó giống Ring nhưng của Đài Loan, thì ở đây Trương Du Ca lại chẳng viết nhiều câu từ ghê rợn u ám linh hồn các thứ đâu. Đây sẽ chẳng phải cuốn sách mà khiến bạn hoảng sợ tới nỗi tối không ngủ được, hoặc kích thích những ai muốn sự hồi hộp. “Ảo Thanh Chết Chóc” sẽ mở ra một góc, nơi chứa đựng sự khổ đau tột cùng của số phận con người, những thù hận bi kịch khôn nguôi, có thể bạn sẽ thấy buồn cười, nhưng tớ muốn xếp nó vào hàng ngũ những cuốn sách có yếu tố nhân văn.
Ở đoạn đầu cuốn sách, Ảo Thanh Chết Chóc mở ra cho chúng ta thấy những số phận bi đát quá đỗi bức bách không thể nào vực dậy được. Kết quả của sự suy đồi tồn tại khi một gia đình đã từng hạnh phúc trở nên tan nát, người đàn ông đã từng có chỗ đứng trong xã hội thì thất nghiệp phải trở thành người lái taxi, người vợ trở nên già nua phải đi chạy bàn, đứa con gái duy nhất thì bỏ đi. Từng sống trong một căn nhà tiện nghi thì giờ hai vợ chồng phải chui rúc trong một cái nhà không khác gì ổ chuột, bẩn thỉu, bốc mùi, thối rữa. Tình cảm gia đình cũng từ lâu mà rạn nứt, giờ chỉ cần cãi nhau là anh chồng sẽ đánh người vợ mình. Ngày qua ngày cứ mãi cái sự đau khổ của xã hội đè nén lên cái nhà này, đã vậy giờ đây còn xuất hiện một bi kịch lớn hơn nữa..
Người chồng thì nghe thấy tiếng băng cassette ở một chiếc xe biển trắng trong một lần lái xe taxi về. Người vợ thì cũng thấy những âm thanh nhiễu bên tai. Đều có hàm ý một con ma nữ tên Minako sẽ tới giết mình. Và rồi âm thanh này dần khiến người vợ phát điên, nhảy từ ô nhỏ cửa sổ xuống. Số phận đã khổ đau cùng cực vì xã hội rồi, giờ họ lại càng bị giày vò hơn nữa với những yếu tố ma quỷ kia..
Mặc dù tớ không đánh giá cao sự khai thác kinh dị ma quỷ, và cả khai thác bi kịch thống khổ nữa, nhưng vẫn phải thừa nhận nửa đầu cuốn sách khiến tớ trăn trở kha khá. Điển hình như đoạn người chồng trên phải trả viện phí cho người vợ, nhưng vì bần cùng quá nên bèn cắn răng đi vay em trai mình. Người em trai bảo về ăn một bữa cơm với bố, rồi vì trong bữa đó nói ra nói vào, mặc dù không ai lớn tiếng với anh ta, anh ta vẫn cầm cốc bia ném về bố. Tớ thấy đoạn này Trương Du Ca khai thác tâm lý rất ổn, rõ ràng trong suy nghĩ của nhân vật, họ luôn nhìn rõ nội tâm mình: bối rối, luôn tội lỗi, luôn hối hận muốn thay đổi. Nhưng hành động của họ vẫn tệ, ví dụ ở đây là hỗn, cáu giận che lấp bản tính con người. Một ẩn dụ cho việc chính họ mới là ma quỷ. Họ tự vệ để trốn tránh xã hội, trốn tránh cái tôi, bản ngã, trốn tránh ma quỷ hay cả sự yếu hèn nhu nhược ngu ngục của bản thân mình một cách hối hả, nhưng thứ đem lại cho họ chỉ là đau khổ chồng chất lên đau khổ. Hay bi kịch đỉnh điểm lần hai để thấy rõ ý đồ rằng chính con người mới là ma quỷ của tác giả ấy là đoạn chị gái của người vợ. Cô là một người phụ nữ có cuộc sống ổn hơn em mình, cưới được người chồng giàu có, nhưng phát hiện chồng cặp bồ mà ghen tuông, muốn giết cả tình nhân cả chồng. Để rồi về sau đi tìm gặp đạo cô nhờ cách nuôi ma con để hành xác ả tình nhân. Rồi chính bị ảo ảnh làm cho mờ mắt nên đã tự cầm dao giết chồng mình. ⇒ Mùi thối rữa của hai đoạn này khiến tớ thấy vừa bức bách chua xót vừa trào phúng. Mặc dù cách kể chuyện của tác giả chưa thực sự giỏi, vì ông là từ ngành y sang viết văn (sao bên Trung Quốc Hồng Kong Đài Loan hay có mấy ông từ Y sang Văn kinh dị thế nhỉ?) nhưng ý tưởng khá ổn, ẩn dụ gợi mở khiến cho ta buộc phải suy nghĩ.
Trong cuốn sách này Trương Du Ca cũng có nhắc tới một cuốn sách của Tadao Kano mà bạn Min biết đó là “Núi, Mây và Thổ Dân – Đi tới vùng núi cao Đài Loan” (山と雲と蕃人と―台湾高山紀行). Tadao Kano thì là một người bị hấp dẫn bởi côn trùng và nhất là những mẫu côn trùng ở Đài Loan, ông lên vùng núi Shin Takayama rồi khám phá được các loài côn trùng mới. Khoảng thời gian đó ông cũng quen được những người thổ dân vùng núi Đài Loan. Năm 1945, ông mất tích vào khoảng cuối chiến tranh, sau đó có giả thuyết ông vẫn còn sống, nhưng sự thật thì vẫn nằm trong bóng tối. Cái Min thấy cũng thú vị trong cuốn Ảo Thanh này là cách tác giả lấy ý tưởng từ đó mà tạo nên một câu chuyện ma quái với những từ ngữ và con người bản địa vùng núi. Bởi trước giờ ta đều cảm thấy những vụ li kỳ trong vùng núi thì khá lạnh lẽo bí ẩn vô vọng và xa xăm. Từ đó khiến cuốn sách càng trở nên vô thực, đau đớn hơn.
Mặc dù có những điểm khá ổn như vậy, nhưng đoạn sau cuốn sách có nhiều lỗ hổng, kết thúc cũng không sâu như mong đợi của tớ, cho nên đâm ra tớ bị thất vọng tẹo và suýt nữa rate nó ★★.
Tớ thích việc điểm nhìn nhân vật chính biến chuyển và thay đổi, nghĩa là có thể đoạn sau những nhân vật chính là người khác đoạn đầu. Tạo cảm giác giống cuốn Bogiwan, một câu chuyện kinh dị nhưng cái ghê rợn nhất là lòng dạ con người. Nhưng tới cuối khi cho các nhân vật liên kết với nhau, tớ thấy quá gượng ép. Rồi khi đọc tới phần sau đó, bỗng dưng tớ quên bớt những điểm tốt của đoạn đầu, sinh ra tớ chỉ muốn hoàn thành cho xong chứ không đắm mình trong cái thế giới này chút nào nữa. À lời kết tác giả có bảo mục đích viết cuốn này như để cho một cô bạn có câu chuyện na ná, và lời giải thích anh đưa ra khiến cho cô bạn ấy thoả mãn. Nhưng tớ thì không. Dù sao tác giả cũng trẻ, sinh năm 1989 là thời điểm viết cuốn này tầm 28 tuổi, và lại còn là tay ngang nên cũng tạm được.
⇒ Chốt lại, mặc dù tớ chưa ưng nhiều thứ, nhưng tớ cũng đi giới thiệu cho một số người tớ quen biết đọc cuốn này, để thấy kinh dị không phải chỉ để doạ nạt, và không phải nó không có yếu tố nhân sinh.
Instagram: @minnbibliophiliaz
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
ẢO THANH CHẾT CHÓC | https://nhanam.vn/products/ao-thanh-chet-choc | https://bit.ly/aothanhchetchocTiki | https://bit.ly/aothanhchetchocFHS |