ÁM ẢNH “NUỐT CHỬNG” VÀ HIỆN THỰC KHỐC LIỆT BÊN TRONG “MỘT TRĂM CÁI BÓNG”

ÁM ẢNH “NUỐT CHỬNG” VÀ HIỆN THỰC KHỐC LIỆT BÊN TRONG “MỘT TRĂM CÁI BÓNG”

Một trăm cái bóng” – nói ngắn gọn, là chuyện của bóng và người.

Ám ảnh “nuốt chửng”

Cuốn tiểu thuyết được kể theo lối lắp ghép song song giữa hiện thực – huyền ảo. Đó là cuộc sống của những con người trong một khu trung tâm thương mại xập xệ, nằm bên rìa một xã hội hiện đại, hoa lệ. Là cô gái Eun Gyo, anh Mu Jae, chú Yeo, anh Yu Gon, tiệm Omusa,… có cả những nhân vật không tên đang vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Hwang Jung-eun đã chọn một cách tiếp cận độc đáo, cô rẽ ngòi bút của mình vào cuộc sống lặng câm của những con người bé nhỏ, được coi là tầm thường trong “khu ổ chuột” bên cạnh sự hào nhoáng, lạnh lùng của đô thị hiện đại, vào những ám ảnh đeo bám và đè nặng lên cuộc sống của họ, bằng việc sáng tạo nên câu chuyện về cái bóng, chính xác hơn, là chuyện của người và bóng. Từ Eun Gyo, Mu Jae đến anh Yu Gon, đến chú Yeo, người bạn của chú Yeo, chú Park,… họ đều nhắc nhở nhau: “Rằng đừng đi theo cái bóng của chính mình nếu nó sống dậy. Bởi một khi cái bóng sống dậy, nghĩa là ta đã không thể chịu đựng thêm nữa”. Cả hai thế hệ, từ những người trung niên như chú Yeo tới người trẻ như Eun Gyo và Mu Jae, họ đều vật lộn trong cuộc sống bình thường, bị bóp nghẹt bởi đồng tiền, bởi một xã hội “ồn ào, nhốn nháo, lúc nào cũng vội vàng một cách vô nghĩa, lại còn hung hăng, về nhiều mặt”.

Cái bóng của Hwang Jung-eun ám ảnh nhưng cũng thực tế đến đau lòng, cái bóng không phải gì đó xa lạ, nó được tách ra khỏi từ vật chủ là bản thân chính những con người ấy. Cái bóng vừa là nó nhưng cũng vừa là mỗi người dân trong khu trung tâm thương mại, là Eun Gyo, là Mu Jae, là anh Yu Gon, là chú Yeo,… là bất kể ai.

…đến bên lề của đô thị Seoul hiện đại

Cái bóng xuất hiện khi cuộc sống của mỗi nhân vật đang gặp khó khăn, cùng cực, mệt mỏi nhất. Cái bóng của Eun Gyo xuất hiện khi cô lạc vào trong rừng sâu không rõ phương hướng, cái bóng tiếp tục trở lại khi khu Eun Gyo ở mất điện, trong lúc thảm nhất khi cô nhận ra cuộc sống của bản thân cực kì nhàm chán và bế tắc: “Một nỗi niềm gì như phẫn nộ đến một cây nến cũng không mua phòng hờ thì còn sống mà làm gì trào lên rồi lắng xuống, một nơi nào đó khó xác định trong tôi bỗng râm ran đến khó chịu, khiến tôi bật khóc tức tưởi, nín khóc rồi lại càng sầu não hơn”. Cái bóng của bố Mu Jae xuất hiện khi ông “phải nai lưng làm lụng để vừa trả lãi, trả lãi thôi chứ chưa kể trả gốc, vừa kiếm tiền trang trải sinh hoạt cho gia đình chín người, và rốt cuộc cái bóng của ông đã sống dậy”. Cái bóng của mẹ anh Yu Gon sống dậy khi bà phải chứng kiến người chồng của mình mất, và khi người mẹ tội nghiệp bị cái bóng đen nuốt chửng cũng là lúc anh Yu Gon nhận ra cái bóng của mình đang thấp thoáng. Đau đớn cho người bạn của chú Yeo, cái bóng của người đàn ông tội nghiệp lầm lũi hiện lên khi đứa con gái mà ông vất vả làm lụng để cho nó đi du học lại quay sang khinh rẻ, khó chịu với chính ông. Cái bóng của Mu Jae lớn lên cùng cậu thiếu niên Mu Jae vì nợ nần của bố mà đã vừa lớn lên từng ngày, vừa còng lưng trả nợ, nợ một ngày càng phình to, giống như chiếc bóng. Dù hoàn cảnh của mỗi nhân vật là khác nhau nhưng điểm chung là cái bóng của họ đồng thời xuất hiện khi cuộc sống đang dần rơi vào bế tắc, bị bóp nghẹt. Những nhân vật người trong cuốn tiểu thuyết này đều nhỏ bé, thấp kém, không hề có một tiếng nói nào trong xã hội, cuộc sống của họ là cái bóng và bóng tối, hai thứ đó song hành và ám lên cuộc đời.

“Cái bóng” không chỉ cho thấy một thực tế khốc liệt xã hội Hàn Quốc hiện đại mà thông qua đó, chúng ta còn được đi vào sâu hơn với cuộc sống, thế giới tâm hồn của từng cá nhân trong bức tranh pha tạp ấy. Bên rìa của sự phát triển như vũ bão vẫn có những chân dung con người khắc khổ đi tìm cho mình một con đường sống, một lí tưởng sống, một niềm vui để sống.

Mong chờ vào Jung-eun

À trong cuốn tiểu thuyết này có điểm khiến người ta chú ý thêm nhiều đó là chuyện tình yêu của Mu Jae và Eun Gyo nhưng theo như tìm hiểu của mình, Hwang Jung-eun khi viết cuốn tiểu thuyết không hề có ý định biến nó thành một chuyện tình yêu. Hơn hết, đó là một câu chuyện về cái chết, về sự tuyệt vọng. Và ngay cả khi bản thân mình tiếp nhận cuốn tiểu thuyết cũng cảm thấy thực sự bí bách, chán nản, bất lực cho số phận những con người nơi ổ chuột đó. Thực ra thì ngay cả Hwang Jung-eun cũng không ngờ chuyện tình cảm của Eun Gyo và Mu Jae lại gây ấn tượng mạnh như thế, có lẽ rằng đó là câu chuyện của hai số phận đang nương tựa vào nhau để cố gắng vươn lên tiếp tục cuộc sống, và nó đẹp, đẹp le lói.

Hwang Jung-eun hướng ngòi bút của mình vào xã hội Hàn Quốc hiện đại, không tập trung vào một cá nhân mà là toàn bộ cả một thế hệ lầm lũi, Hwang Jung-eun đã làm khá tốt, đưa vào câu chuyện của mình những yếu tố đầy ma mị, khiến bất kì ai khi tiếp cận tác phẩm đều phải giật mình, những cái bóng đen lặng lẽ, những bóng tối ngập tràn ma quái tuy không kinh dị nhưng cũng đủ làm người đọc ám ảnh dù khi đã gấp cuốn sách nhỏ lại.

Review của độc giả Minh Phuong Nguyen – Nhã Nam reading club

Bạn có thể tìm mua sách tại:

TÊN SÁCH NHÃ NAM TIKI FAHASA
Một trăm cái bóng http://bit.ly/mottramcaibongNhaNam http://bit.ly/mottramcaibongTK http://bit.ly/mottramcaibongFHS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *