Cuốn sách là một cơn cười dài trước một tấn trò đời ngồn ngộn. Bao nhiêu là kỳ quặc, trớ trêu, dở khóc dở cười trên hành trình rong ruổi qua những nông trang nước Nga để mua nông phu chết của Chichikov. Hắn ta là người hay là quỷ, là một tên đại bịp hay là một đấng cứu nhân? Hắn biết hành xử như một quý tộc trọng vọng nhưng cũng luồn cúi xum xoe lúc cần thiết, hắn thiên biến vạn hóa, đeo vô số mặt nạ, và cũng chính vì thế không ai biết hắn là ai…
Những cuộc buôn bán linh hồn chết – điệu vũ của hư vô
Tiểu thuyết của đại văn hào Gogol tái hiện lên một bức tranh sống động về xã hội Nga với biết bao nhiêu mô tả về văn hóa, phong tục tập quán và con người Nga bằng một thứ ngôn ngữ chảy ra từ “những chốn sâu thẳm của nước Nga”, rất đời, rất tài tình và trác tuyệt. Mở đầu tác phẩm, nhân vật Chichikov vốn là một công chức đã thôi việc hiện lên với cỗ xe ngựa lóc cóc đi vào một tỉnh lị nọ, tất bật chuẩn bị cho kế hoạch chiếm được cảm tình của tất tần tật những kẻ có chức, có quyền hoặc đơn giản có tiềm năng để hắn ta lợi dụng. Quả là một người lịch thiệp vẹn toàn trong giới xã giao. “Nói đến y, tỉnh trưởng gọi y là một người đầy thiện ý, chưởng lý gọi là một người tài ba, đại tá cảnh binh gọi là một người uyên bác, chánh án gọi là một người học thức và đáng trọng; cảnh sát trưởng gọi là một người đáng quý, đáng mến; bà cảnh sát trưởng gọi là con người lịch sự nhất, dễ ưa nhất”. Sau đó, hắn thừa cơ dư luận tốt đẹp ấy, ghé thăm các điền chủ địa phương với mục đích mua của họ “những linh hồn chết”, tức những nông nô đã chết song vẫn phải trả tiền thuế thân vì chưa đến kỳ kiểm tra dân số mới.
Trong hành trình tìm mua linh hồn chết kỳ quái này, Chichikov gặp bao nhiêu người, bao nhiêu cảnh ngộ, từng gương mặt điển hình của nông thôn Nga hiện lên, sống động, tài tình, này thì anh chàng tẻ ngắt Manilov, này thì bà góa bủn xỉn, lẩm cẩm Korobochka, gã nghiền rượu xốc nổi Nozdrev, “con buôn” thô lỗ Sobakevich, rồi lão nhà giàu mà hà tiện thích nhặt nhạnh Plyushkin. Đó đều là những kẻ dường như “hiện hữu mà như không hiện hữu, sống mà như đã chết rồi” nhưng lại là đại diện cho những thói xấu của giới quý tộc điền chủ mà Gogol muốn lật tẩy. Gặp một người nào đó, Chichikov lại đeo những chiếc mặt nạ khác nhau hòng đạt được mục đích. Mọi thứ về Chichikov đều rất đáng ngờ, mọi thứ hắn ta tỏa ra đều có sắc màu giả dối, hắn ta không mang một nhân dạng cụ thể, không có bản sắc cá nhân, hắn ta đổi giọng nói, cách cư xử khi cần thiết, tất cả chỉ là những mặt nạ hắn ta trưng ra để lợi dụng người đối diện, Chichikov không là ai mà cũng là tất cả. Đến cả hai đầy tớ của Chichikov cũng ngây thơ và mù mờ về ông chủ của mình, họ thực sự tin rằng ông chủ là người đức độ, sở hữu hàng trăm nông nô còn sống, còn khỏe mạnh và hăng say làm việc…
Sau khi thu mua trên giấy tờ được khoảng bốn trăm nông nô chết, Chichikov quay trở lại thành phố, “vinh quy” trong sự mến phục của bao kẻ lầm tưởng hắn ta là triệu phú thực thụ. Cái sức mê hoặc kín đáo của mấy chữ “triệu phú” làm cho cả những kẻ sang giàu lẫn dân bần hàn đều thay đổi nhãn quan về y, gán cho y những đức tính cao đẹp tuyệt vời. Thế là, “Nhà triệu phú được đặc quyền biết đến sự đê tiện không vị lợi, được ngắm nó trần truồng; khối người biết là không mong chờ gì ở nhà triệu phú, nhưng thấy hắn là vẫn chạy như bay đến, cúi chào, mỉm cười, và cứ thế, hễ chưa được mời ăn bữa chiều với hắn là chưa chịu thôi.”
Chuyện mua bán nông nô chết bị rò rỉ, người đời cảm thấy hoang mang tột độ và trở nên cảnh giác. “Thật tình thì chẳng ai biết thứ gì thật đúng về nhân vật ấy cả; chính y cũng nói về mình với những lời lẽ rất mơ hồ; nào là những bất hạnh mà y phải trả qua vì lòng yêu chuộng công lý, nào là những kẻ thù cố tình săn đuổi để sát hại y.” Câu hỏi, đến bây giờ mới được đặt ra, trong muộn màng, vậy thì y là người như thế nào? Tất cả đều cuống quýt, cuồng quay trong cơn sốt nóng. Không ai chấp nhận sự thực giản đơn rằng, hắn ta chỉ là một tên lưu manh theo đuổi kế hoạch mua nông nô chết rồi đem thế chấp vay tiền nhà nước qua ngân hàng. Tất cả các nhân vật xoay quanh Chichikov đều dựng lên những câu chuyện giật gân về hắn ta, giống như cách chúng ta vẫn yêu thích những thuyết âm mưu thú vị thay vì nghe những tiểu tiết nhàm chán của lòng tham và sự thối rữa của nhân cách con người, và cũng rất giống như Gogol đã viết: “Các người không muốn nhìn thấy sự thấp kém của con người bị phơi bày ra đâu!”
Vladimir Nabokov, trong một cuốn sách của ông viết về Gogol, đã mô tả nhân vật một cách sâu sắc: “Hắn ta là một bong bóng xà phòng do ác quỷ thổi.” Một bong bóng xà phòng phập phồng, một con số không về nhân dạng, các hành động bị điều phối với những lực lượng ma quỷ, ai biết vì đâu. Món đồ mà Chichikov trân quý nhất là một cuốn sổ cái ghi tên hết những nông phu chết đã mua được của hắn. Hắn thường mở cuốn sổ cái ấy ra, trong phút giây hào sảng, ngất ngây, tưởng tượng lại cuộc đời và cái chết của họ, giờ đây, hắn giữ họ trong lòng bàn tay, để đổi lấy những đồng tiền bất chính và nhơ bẩn. Hắn lần theo dấu chân của Thần Chết, lùng sục các tờ báo về tin tức về hỏa hoạn, nạn đói hoặc dịch bệnh – bất cứ điều gì có vẻ hứa hẹn một vụ mùa bội thu các linh hồn chết.
Những tiếng cười “rửa tội” và đem đến giải thoát
Gogol đã hướng ngòi bút của mình đến “tất cả những điều nhỏ mọn nhớp nhúa bao quanh cuộc sống của chúng ta”, để độc giả vỡ ra những tiếng cười, mặc dù nằm sâu dưới những tiếng cười ấy là những suy tưởng khôn dứt về bản chất người, về sự lụi tàn và chết chóc. “Anh nhìn vào một câu chuyện hài, càng lâu và càng cẩn trọng hơn thì câu chuyện đó càng trở nên buồn thảm hơn” (Nikolai Gogol). Gogol vẫn luôn cật vấn bản thân: liệu sự hài hước có thể cứu rỗi linh hồn Nga hay không? Nhưng rõ ràng tiếng cười thể hiện sự tỉnh táo, nó có khả năng đầy lùi những cái ác, cái giả tạo, phù phiếm, thói đạo đức giả, nhưng tất nhiên, trong âm thầm và lặng lẽ.
Những linh hồn chết là thiên trường ca về những thứ dung tục, tầm thường, những cái phù phiếm và hư vô, chính vì nó viết về những điều phi tâm linh nhất mà nó trở thành một tiểu thuyết tâm linh (spiritual), có thể so sánh với tác phẩm Lũ người quỷ ám của Dostoyevsky xoay quanh những con người sống với cuộc đời hư vô (nihilism) tuyệt đối. Những linh hồn chết đã phơi bày sự trống rỗng, vô nghĩa bao trùm lên cuộc sống mà tác giả quan sát được.
Vladimir Nabokov, tác giả tiểu thuyết Lolita, cho rằng thiên tài độc đáo của Gogol không liên quan gì đến chuyện phê bình xã hội, Gogol đã đơn giản là nhìn thấu suốt chiều sâu của tâm hồn con người. Nabokov không muốn đọc Những linh hồn chết như một tiểu thuyết châm biếm mang trong nó sứ mạng cải cách lớn lao mà muốn nhìn nhận nó như một tấm gương tài tình để độc giả soi chiếu những tầng sâu bản thể, dò xét đến tận nguyên lý của dục vọng con người.
“Trong con người, cái gì cũng biến đổi rất chóng, chỉ trong một nháy mắt là một con sâu ghê gớm lớn lên trong bản thân chúng ta và hút hết mọi sinh chất của ta. Và nhiều lần, cái dục vọng, rộng lớn hay hẹp hòi, phát triển lên trong một con người, vốn sinh ra để xây dựng một sự nghiệp tốt đẹp, đã làm cho nó quên những bổn phận lớn lao và thần thánh để chạy theo những vật nhỏ nhặt không ra gì. Dục vọng của người ta nhiều vô số, chẳng khác nào cát biển, và có cái nào giống cái nào đâu; nhưng tất cả, dù đê hèn hay cao quý, thì khi mới sinh ra cũng đều lệ thuộc vào người ta, rồi sau đều thành ra bạo chúa với người ta cả. Sung sướng thay kẻ chọn được dục vọng cao quý nhất, hạnh phúc vô biên của họ lớn lên, tăng thêm từng giờ từng phút, và càng ngày họ càng vào sâu hơn trong thiên đường vô tận của linh hồn. Nhưng có những dục vọng mà quyền lựa chọn không phải ở con người, chúng sinh ra cùng một lúc với người, và người không đủ sức để tách mình ra khỏi chúng; chúng có một sức thu hút người ta liên miên, trọn đời.”
Đọc tác phẩm này, bạn có thể cười đến chảy cả nước mắt. Cười vào Chichikov, cười người, cười ta trong cơn mê muội tuyệt đối. Ta luôn biết, từ trong xương tủy rằng mỗi người đều đeo mang một Chichikov trong mình, như vận số đã định, như một niềm bí ẩn khôn dò.