Phẩm cách, lòng trung thành và tình yêu được đề cao trong tác phẩm tiêu biểu của Kazuo Ishiguro – nhà văn đoạt giải Nobel 2017
Tính đến thời điểm được trao giải Nobel năm 2017, nhà văn Kazuo Ishiguro chỉ mới xuất bản 7 tiểu thuyết. So với nhiều nhà văn đoạt giải Nobel khác, sự nghiệp của Ishiguro còn khiêm tốn. Trong sự nghiệp khiêm tốn đó, tiểu thuyết “Tàn ngày để lại” (An Lý dịch) được xem tác phẩm đỉnh cao của ông.
Tiểu thuyết “Tàn ngày để lại” (nguyên tác: “The remains of the day”) được dẫn dắt bởi những dòng tự sự miên man của Stevens, viên quản gia người Anh tại dinh thự Darlington, qua 2 đời chủ. Người chủ đầu tiên là huân tước Darlington và người chủ thứ hai là một gia đình người Mỹ, những người đã mua lại dinh thự.
Bìa cuốn sách “Tàn ngày để lại” xuất bản tại Việt Nam
Câu chuyện mở đầu vào năm 1956, bấy giờ Stevens đang phục vụ người chủ mới, ông Farraday. Một bức thư từ đồng nghiệp cũ đã thôi thúc ông Stevens khởi sự hành trình đi đến Cornwall, nước Anh, để tìm câu trả lời cho nỗi hoài nghi của mình.
Bất chấp lộ trình thoạt trông rõ ràng đến thế, “Tàn ngày để lại” bắt đầu rẽ ngoặt vào lối mòn của hồi ức, đưa Stevens về lại những năm tháng xưa cũ, thuở còn làm quản gia cho huân tước vào những năm 1930, thời điểm thế giới sắp sửa bước vào một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử hiện đại.
Ông Stevens vô tình trở thành chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử. Tại dinh Darlington, các chính khách quý tộc tụ họp lại với nhau bàn bạc những vấn đề hệ trọng của Anh quốc. Thông qua sự tất bật của viên quản gia, Ishiguro phần nào diễn tả được sự căng thẳng của tình hình chính trị nước Anh trước ngưỡng cửa chiến tranh.
Stevens trở thành nhân chứng nhưng là một nhân chứng thờ ơ. Sự tập trung duy nhất của ông dồn vào những công việc cốt sao làm tròn trách nhiệm một quản gia. Ông tận tụy và trung thành tuyệt đối với huân tước Darlington, dù đã có những người đã chỉ ra cho ông những sai lầm của chủ. Nhưng đối với Stevens, đúng sai không quan trọng. Ông là tù nhân của bổn phận và dường như có gì đó sâu xa nhưng ông tin rằng chỉ cần giữ đúng phận sự của mình, thế giới vẫn sẽ luôn bình yên trong sự bất biến của nó.
Phẩm cách của ông bị bó buộc trong chức phận một quản gia của thời đại cũ. Cái thời người ta vẫn tôn sùng phẩm giá, danh dự và bất chấp những kiểu cách trưởng giả của giới quý tộc, vẫn ẩn đằng sau một giá trị neo giữ con người lại với nền văn minh chứ không trượt đi vào thế giới của đổ vỡ, mất mát.
Việc Stevens “luyện tập” để có khả năng bông lơn phù hợp với người chủ mới, như minh chứng cho sự chuyển mình từ thời đại cũ sang thời đại mới. Cái thế giới mà ông đã hiến dâng tất cả những gì tốt đẹp nhất của tuổi trẻ, đã hy sinh cả mối quan hệ gia đình, đã giấu đi một tình yêu thầm lặng, thế giới ấy đã kết thúc. Tất cả những gì mà nó để lại chỉ là ánh sáng rực rỡ lần chót trong buổi tàn ngày, trước khi bóng đêm ập đến.
Không có những cú bùng nổ, dù có những bí mật nho nhỏ được hé lộ. Thành công của “Tàn ngày để lại” đến từ việc kiểm soát giọng điệu của tác giả. Giọng văn điềm đạm, bình thản từ đầu đến cuối gợi nhớ về những tiểu thuyết cổ điển, mà ở đó, dường như thời gian gần như bất động.
Kazuo Ishiguro – một nhà văn nhập cư đến từ Nhật Bản – đã pha trộn tinh thần quý tộc đậm chất Anh với sự trung thành mang bóng hình võ sĩ đạo nơi cố hương. Ở đất Phù Tang xưa, người ta gọi những samurai vô chủ là “ronin”, nghĩa là lãng nhân.
Có thể coi Stevens như một lãng nhân trên nước Anh thời hiện đại, một lãng nhân phiêu dạt trong ngày tháng đi tìm bóng hình những người chủ. Ông tồn tại một cách nhẫn nại, khiêm nhường giữ lấy những giá trị mà có lẽ chính ông cũng khó hình dung được.
Tiểu thuyết “Tàn ngày để lại” là tác phẩm nổi bật nhất của Kazuo Ishiguro, từng đoạt Giải Man Booker năm 1989 và góp phần giúp ông đoạt Giải Nobel Văn chương năm 2017.
Năm 1993, “Tàn ngày để lại” được chuyển thể thành phim với tài tử Anthony Hopkins đóng vai Stevens.
Tiểu thuyết mới nhất của Kazuo Ishiguro là “Klara and the sun” vừa được xuất bản vào đầu tháng 3-2021.
Người Lao Động