Mạnh Tử nói, “Bậc đại nhân là kẻ không đánh mất tấm lòng thơ trẻ.” Tấm lòng thơ trẻ là tâm hồn nguyên sơ của trẻ thơ, chưa bị thế gian này mài giũa. Sống, vốn là chuyện đơn thuần như thế.
Đơn thuần là tu tâm, tấm lòng chất phác đôn hậu, thuần khiết chuyên chú, sống thật với chính mình; đơn thuần là trí tuệ, hóa phức tạp thành đơn giản, nhìn thấu sự đời, coi nhẹ mọi được mất. Phóng khoáng dạo chơi cõi trần thế, bình thản trải qua cả kiếp người.
Vượt qua khoảng cách thời gian gần một thế kỷ, Sống vốn đơn thuần của tác giả Phong Tử Khải đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị thưởng thức: vu vơ lật lúc tâm trạng sa sút, ấy là ngọn lửa ấm áp; thảnh thơi đọc khi cuộc đời suôn sẻ, lại như làn gió mát lành…
Sách đã được công ty Nhã Nam phát hành và giới thiệu đến bạn đọc.
Phong Tử Khải (1898-1975) là nhà văn, họa sĩ. Ông từng tôn Pháp sư Hoằng Nhất (Lý Thúc Đồng) làm thầy, thông hiểu văn hóa Trung Quốc lẫn phương Tây. Tản văn của ông có phong cách bình dị mộc mạc, ý nghĩa khoan hậu nhân từ mà sâu sắc, và cả sự thú vị hồn nhiên như trẻ thơ, là những giai phẩm được tôn sùng trong văn học hiện đại Trung Quốc, nhiều lần được chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn bậc tiểu học và trung học. Tranh của ông hài hước dí dỏm, lưu truyền rộng rãi, được nhiều người yêu thích, sưu tầm.
Cha tôi bình thường ăn vận giản dị, không bao giờ sắm sửa quần áo đắt tiền cho mình, song ông lúc nào cũng ăn mặc gọn gàng sạch sẽ. Ông đặc biệt coi trọng việc phối màu y phục, thường ứng dụng nguyên lý trong khoa học về màu sắc vào cuộc sống hằng ngày.
Tôi còn nhớ trong thời kỳ kháng chiến khi cha tôi giảng dạy môn thưởng thức nghệ thuật ở Đại học Chiết Giang tại Tuân Nghĩa, một hôm có một nữ sinh đến thăm. Trong quá trình họ trò chuyện, tôi nhận ra ánh mắt cha dừng lại trên chiếc khăn quàng của nữ sinh đó mấy lần, muốn nói lại thôi, chẳng rõ vì sao. Đến khi nữ sinh đó đứng dậy cáo từ, cha mới mỉm cười nói với cô ấy: “Em mặc xường xám xanh lam, nhưng lại quàng chiếc khăn tím, hai màu sắc này trông không hài hòa. Vì màu tím vốn do hai màu đỏ và xanh lam pha trộn mà thành, nên màu xanh lam và màu tím xuất hiện cùng lúc sẽ chọi nhau. Em có thể đổi chiếc khăn quàng xám nhạt, lam nhạt hoặc trắng…” Ban đầu giọng điệu của cha có phần dè dặt, sau thấy nữ sinh đó không những không có vẻ không vui mà còn thích thú lắng nghe, bèn thảo luận về “khoa học màu sắc” với cô ấy luôn, nào là “ba màu cơ bản”, “ba màu thứ cấp”, “sự hài hòa của màu cùng loại” và “sự phối hợp màu sắc hợp lý có thể đem đến hiệu quả yên ổn tĩnh lặng” vân vân, nói rất lâu. Nữ sinh đó hết sức cảm động, lúc một lần nữa đứng dậy xin phép ra về đã nói: “Cảm ơn thầy hôm nay đã dạy cho em một bài thưởng thức mỹ thuật.”
Đương nhiên cha càng chú ý đến màu sắc quần áo của chúng tôi. Hồi chúng tôi còn bé, mỗi lần đến mùa đông lạnh lẽo, trước khi sắm thêm áo mũ len cho chúng tôi, mẹ nhất định xin ý kiến cha về màu sắc trước. Đặc biệt khi dẫn chúng tôi ra ngoài, nếu cha phát hiện trong cả đám có đứa màu sắc áo mũ không hài hòa, chắc chắn sẽ bảo mẹ đổi lại rồi mới đi. Vì vậy hàng xóm láng giềng và bạn bè thân thích trông thấy luôn cười khen: “Đúng là con họa sĩ, ngay cả áo mũ cũng phối thành màu sắc và hoa văn khác biệt, nhìn thật thích mắt!”
Cái đẹp thì ai ai cũng yêu thích, nhưng quan điểm thẩm mỹ của mỗi người mỗi khác.
Xét từ con mắt của nhà nghệ thuật, lộng lẫy chưa chắc có nghĩa là đẹp, mà màu sắc hài hòa, mát mắt mới khiến người ta cảm thấy đẹp. Còn về chăm chăm theo đuổi quần áo đắt tiền, thậm chí mù quáng chạy theo trào lưu thì càng không nên.
(Phong Uyển Âm)
LỜI GIỚI THIỆU
“Văn và tranh của anh như những bài thơ ngắn, chúng tôi nhấm nháp mãi mùi vị ấy như ăn quả ô liu vậy.”
– CHU TỰ THANH (Nhà văn, nhà thơ, học giả Trung Quốc)“(Phong Tử Khải) chỉ dùng vài nét bút đã vẽ ra cá tính của nhân vật. Trên mặt không có mắt, nhưng chúng ta có thể nhận ra ông đang nhìn gì; không có tai, song có thể nhận ra ông đang nghe gì, cảnh giới thể hiện nghệ thuật bậc cao chính là như vậy!”
– RABINDRANATH TAGORE (Nhà thơ, nhà văn, triết gia Ấn Độ)“Đề tài ông chọn vốn không phải thứ gì thực dụng hoặc sâu xa, bất kỳ sự vật nhỏ bé vụn vặt nào tới ngòi bút của ông đều thấm đượm một nét phong vận kỳ diệu.”
– TANIZAKI JUNICHIRO (Nhà văn Nhật Bản)
Tiền Phong