Trong cuốn sách này, Tremaine du Preez sẽ chỉ ra cho bạn thấy vì sao ngày nay, việc làm cha mẹ cần có có kế hoạch. Bởi việc làm cha mẹ ngày nay cũng không khác biệt mấy so với việc chạy một chương trình khám phá vũ trụ. Nghe rất hoàng tráng và vĩ mô đúng không?
Nhưng sự thực là vậy. Dù ngân sách có nhiều đến đâu, việc nuôi dạy trẻ, cũng giống như vận hành tàu vũ trụ vậy, sẽ tốn kém hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Mười tám năm đầu của con (mà có thể hơn) là một chuỗi những việc lên kế hoạch, học hỏi, thử nghiệm, chỉnh sửa cũng như không ngừng trau dồi kỹ năng và hình thành nhân cách của chúng. Nhưng cùng với đó, bạn phải học cách chấp nhận một điều, dù chúng ta có chuẩn bị hành trang vào đời cho con cái mình với sự cẩn trọng cao nhất, đơn giản là vẫn có quá nhiều biến số dự đoán hay không dự đoán được khiến ta chẳng thể tự tin mà nói rằng rồi sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra. Đến ngày phải buông tay cho con tự bước đi ta cũng vẫn không biết chính xác được con sẽ gặp những gì trên đường đời.
Thế hệ trước, cha mẹ dạy con những thứ mà họ được học từ trước đấy. Họ không có Google trợ giúp để có thể trả lời những câu hỏi liên tu bất tận của con cái, nhưng chúng ta vẫn nghĩ họ là những bậc cha mẹ thông minh nhất trên thế giới này. Giờ đây chúng ta làm cha mẹ và chúng ta được tiếp cận nguồn kiến thức tuyệt vời chưa từng có. Nhờ có internet, các bậc cha mẹ ngày nay có thể trả lời được gần như tất cả các câu hỏi mà con cái đặt ra, có lẽ chỉ trừ những gì liên quan đến Chúa hay là đa vũ trụ. Trong vài năm đầu, chúng ta là những người thông minh nhất trong mắt con cái. Nhưng những năm sau đó, nếu có câu hỏi chúng sẽ đi hỏi “Giáo sư” Google hoặc đi hỏi các chuyên gia, cả những người có tiếng và những người chưa mấy nổi tiếng trên mạng. Vậy nếu trẻ đã có gần như mọi thông tin cần có, xã hội mà chúng sống là xã hội tràn ngập thông tin, chúng sẽ cần gì cho hành trang bước vào đời đây? Tremaine du Preez cho rằng cái chúng ta có thể dạy con là ra quyết định giữa vô vàn chọn lựa, và để làm được thế, hãy dạy cho trẻ cách tư duy như thế nào thay vì cách tư duy cái gì.
Đầu tiên và trước nhất cần dạy con bạn chữ “tín”, bởi niềm tin là phẩm chất quan trọng nhất của mỗi người. Nếu như bạn chưa xây dựng lòng tin giữa mình và con cái thì hãy làm việc đó ngay đi. Hãy luôn tuân thủ các cam kết và giữ đúng lời hứa với con cái.
Thứ hai, một nhiệm vụ đầy khó khăn, bạn cần quyết định xem đối với con, lúc nào thì nên đóng vai giảng viên, lúc nào nên đóng vai cố vấn và lúc nào thì nên đóng vai huấn luyện viên, giảng giải, và đưa ra định hướng cho con, và đảm bảo rằng không lẫn lộn các cách tiếp cận khi giao tiếp với con. Một người cố vấn tốt sẽ rất giá trị khi con cần lời khuyên trong một vấn đề cụ thể. Người huấn luyện viên không biết nhiều về những gì mà con đang làm, do đó không thể đưa ra lời khuyên. Nhưng người huấn luyện viên tốt sẽ hướng con tư duy theo cách mới và thú vị hơn về hành vi của con, về cách suy nghĩ cũng như tiềm năng của con. Trong khi đó, giảng viên là người biết nhiều hơn con về một lĩnh vực nào đó và có thể truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả.
Thứ ba, chúng ta càng cho phép con cái tự đưa ra quyết định càng sớm, chúng sẽ càng sớm tích lũy được một vốn kinh nghiệm gồm những nguyên nhân và cả kết quả của các lựa chọn chúng tự đưa ra phù hợp với lứa tuổi. Con bạn cần có 7 thói quen tốt để con có thể đưa ra quyết định sáng suốt:
1. Thấu hiểu chất lượng của thông tin;
2. Hiểu cách thông tin được tập hợp và trình bày;
3. Phân biệt rõ ràng đâu là thông tin (sự thật), đánh giá (xác nhận), và quan điểm;
4. Hình thành thói quen xây dựng các quyết định nhỏ trong các quyết định lớn;
5. Xen lẫn vào đó, bạn có thể kể những câu chuyện có tính thuyết phục cao để giúp con hiểu được các rủi ro;
6. Kiểm tra tác động của cảm xúc đối với suy nghĩ của bản thân trước khi đưa ra quyết định;
7. Đánh giá các quyết định, bao gồm cả những quyết định của bản thân, dựa vào quá trình ra
quyết định chứ không phải kết quả mà quyết định đó mang lại.
Ví dụ, trước kỳ họp phụ huynh học sinh, giáo viên thường gửi bản đánh giá kết quả học tập và yêu cầu bạn phải đưa ra ý kiến về con. Bạn thử làm khác đi xem sao, đừng vội cho ý kiến vào bản báo cáo kết quả học tập của con ngay. Ngược lại, bạn bảo con tự đánh giá kết quả học tập của mình: yêu cầu con viết ra xem con nghĩ thế nào về việc học của con trong thời gian qua và rút ra những điểm mà con muốn cải thiện, nêu rõ xem con sẽ định cải thiện như thế nào.
Thứ tư, một vấn đề mà bất kì bậc phụ huynh nào cũng trăn trở: Liệu bạn có thể thực sự biến đổi trí thông minh của con mình không? Đây là một câu hỏi rất hay, là trung tâm của một cuộc tranh luận khá cũ: liệu có phải chúng ta sinh ra vốn đã mặc định sở hữu một mức độ thông minh, hay liệu rằng trí thông minh có thể được nuôi dưỡng và lớn dần, hoặc giảm dần tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố?
Cuốn sách cho bạn một số bài tập giúp con kích thích trí nhớ hoạt động, rèn luyện bộ nhớ làm việc, tránh thiên kiến, đóng khung suy nghĩ, lệ thuộc vào tư duy tập thể. Và đừng quên phát triển trí thông minh cảm xúc cho con. Có lẽ câu chuyện làm thế nào để nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc không còn xa lạ với bạn. Khi con bạn lớn hơn, hãy khuyến khích con dẫn dắt những cuộc trò chuyện, rèn cho con sự kiên nhẫn, biết chờ đến lượt mình để bày tỏ ý kiến, và hãy đảm bảo là bạn cũng làm như con. Hãy giúp con nhận ra rằng hóa ra không phải ai cũng là một người giỏi đối thoại, nhưng khả năng tập trung, lắng nghe, suy nghĩ về vấn đề con đang nói đều là những điều rất quan trọng giúp con củng cố khả năng giải quyết vấn đề. Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ vô tình ngạc nhiên khi biết rằng nếu biết cách xử lí cơn cáu giận của con, bạn sẽ khai thác được những ưu điểm từ nó. Hóa ra bạn có thể coi đó là một “Món quà”, vì từ cơn giận dữ, trẻ sẽ học được cách kiềm chế và bình tĩnh. Bạn chỉ cần đánh lạc hướng sự quan tâm và làm nguôi cơn giận cũng như đừng để bị cuốn vào cơn giận của con.
Và cuối cùng, đừng quên dạy con bài học thất bại. Thất bại ư? Hãy để con tự quyết định và trải nghiệm dần một số thất bại. Trong chặng đường đến tương lai bất định, con cái chúng ta sẽ thất bại, sẽ vấp ngã theo nhiều cách mới mẻ và thú vị. Những nỗ lực sáng tạo của chúng sẽ bị đánh giá, các sáng kiến của chúng sẽ bị từ chối nhiều lần trước khi được chấp nhận. Thường những đứa trẻ có năng khiếu nhất, được cung cấp nhiều nguồn lực nhất lại không biết làm thế nào để thất bại cho đúng cách. Vì vậy, hãy cho con cơ hội trải nghiệm cảm giác này, trong bất kỳ việc gì, vì điều đó cho chúng nguồn dữ liệu dồi dào và những bài học xương máu.
Nếu coi thành công là một chiếc bánh, vậy thì thất bại chính là nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh đó.
Với việc chỉ ra 5 phương thức trên, tác giả Tremaine du Preez hy vọng có thể giúp các
bậc cha mẹ biết được cách nên dạy con điều gì, nên đóng vai trò gì trong từng tình huống để có
thể giúp con học được cách tư duy. Nuôi dưỡng một đứa trẻ biết tư duy là một việc khó khăn,
nhưng không phải không thể.
VỀ TÁC GIẢ
Tremaine du Preez từng sống và làm việc ở châu Á, châu Phi và châu Âu, đào tạo và
giảng dạy những chủ đề như kỹ năng lãnh đạo, tài chính hành vi học, khoa học đưa ra quyết định và tư duy phản biện cho các tổ chức đa quốc gia, các cơ quan của chính phủ, cho các chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và các chương trình giảng dạy cho cả sinh viên đại học. Ở Singapore bà đã thiết kế, xây dựng và giảng dạy chương trình Tư duy Phản biện cho Ngân hàng Trung ương Singapore và một vài cơ quan khác của chính phủ.
Sinh viên Việt Nam