Tác phẩm “Vang bóng một thời” gồm 12 truyện, các truyện ban đầu được in lẻ lần lượt trên tạp chí “Tao Đàn” do nhà viết kịch sân khấu Vũ Đình Long chủ trương. Sau đó nó được xuất bản thành sách lần đầu ở nhà Tân Dân (1940), sau đó là ở nhà Thời Đại (1943) và nhà Đắc Lộ Thư Xã (1945). Trong ba lần xuất bản này trước 1945, nhà văn Nguyễn Tuân bằng lòng nhất với bản in ở nhà Đắc Lộ. Và bản in “Vang bóng một thời” lần này của Nhã Nam trong tủ sách “Danh tác văn học Việt Nam” cũng là in theo bản đó, nghĩa là sát đúng với văn bản đầu tiên của tác phẩm, không có những sự sửa chữa về sau của chính tác giả.
Nhà văn Nguyễn Tuân khi xuất hiện trên văn đàn Việt Nam đã tạo được ấn tượng ngay từ đầu bởi sự độc điệu. Độc điệu ở thể văn – tùy bút. Độc điệu ở giọng văn – phóng túng. Độc điệu ở chất văn – ngông ngang. Độc điệu ở tình văn – hoài niệm. Độc điệu ở ý văn – duy mỹ. Ông viết về những cái đẹp đã qua, đang qua trong một tâm thế tiếc nuối của người bị mất đi những giá trị văn minh thần của một giống nòi, một giống người, trên dòng phai bạc thời gian miên viễn đời người. Văn ông, vì thế, gọt giũa tỉ mỉ có khi tỉ mẩn những đường nét, hình bóng, động thái của những cái đẹp đang tàn phai mất biến đó, cơ hồ như muốn khắc chạm lại, chụp ảnh lại chúng cho mai hậu những ai có lòng đọc trên con chữ mà có thể hình dung lại, phục dựng, và giữ lấy. Nguyễn Tuân trong tùy bút đã viết văn theo cái nhìn kỹ thuật của đồ vật, theo như một nhận xét của nhà nghiên cứu Phan Ngọc.
VANG BÓNG MỘT THỜI
Tác giả: Nguyễn Tuân
Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2018
Số trang: 207 (khổ 14,5 x 20,5 cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 62.000
“Vang bóng một thời” thể hiện tập trung và nổi bật toàn bộ sự độc điệu của người và văn Nguyễn Tuân. Khoảng thời gian thập niên 1940 trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam có một xu hướng “phục cổ”: các nhà trí thức, các nhà nghiên cứu văn hóa, các văn nghệ sĩ tìm về nguồn cội dân tộc để trình ra cho công chúng những giá trị của tổ tiên lâu đời, những vẻ đẹp khuất lấp, ẩn chìm. Đó như là một thái độ cưỡng chống làn sóng “văn minh vật chất phương Tây” đang có nguy cơ trùm lấp và đè bẹp bản sắc dân tộc dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Tạp chí Tao Đàn đã mở mục “Vang và bóng của một thời” và mời Nguyễn Tuân viết ở mục này. Nhà văn nhận lời, từ đó những tác phẩm lần lượt xuất hiện, và khi tập hợp thành sách thì cái đầu đề sách không còn gì hay hơn là rút gọn lại tên chuyên mục trên tạp chí. Cũng từ khi có tập sách này của Nguyễn Tuân, bốn chữ “vang bóng một thời” đã trở nên một thành ngữ để chỉ sự hoài niệm những gì đẹp đẽ, đáng nhớ của quá khứ, dĩ vãng.
Mười hai truyện trong tập sách dẫn dắt người đọc tìm lại thưởng thức những thú chơi tao nhã của người xưa như ẩm trà, ẩm tửu với hương cuội, thả thơ, đánh thơ, cho chữ. Cũng có những truyện rùng rợn như nghệ thuật chém treo ngành của một đao phủ, ngón bút chì của đám cướp, hay yêu ma như người nữ báo oán chàng nho sinh lều chõng đi thi, hay kỳ bí như xem đất coi huyệt. Chàng Nguyễn, theo cái cách tự xưng của nhà văn trong các tác phẩm của mình, dựng truyện ở đây cốt chỉ để mô tả những thú chơi, thú nghề của người xưa, chứ không cốt làm thành truyện ngắn. Đọc lần lượt mười hai bản văn này ta được cái khoái thú theo chân một người nặng lòng với cái đẹp đưa dẫn trở lại một thời xưa, một không gian xưa, gặp những người xưa, ngắm nhìn và đắm chìm vào một bầu văn hóa xưa, ở đó chỉ những ai tĩnh tâm, tĩnh tại mới biết sống, biết chơi. Đó là một thứ đạo của người quân tử như nỗi lòng cụ Kép trong truyện “Hương cuội”: “Xưa kia, cụ cũng muốn có một vườn cảnh để sớm chiều ra đấy tự tình. Nhưng nghĩ rằng mình chỉ là một anh nhà nho sống vào giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất cả quan niệm cũ, làm tiêu hao mất bao nhiêu giá trị tinh thần; nhưng nghĩ mình chỉ là một kẻ chọn nhầm thế kỷ với hai bàn tay không có lợi khí mới, thì riêng lo cho thân thế, lo cho sự mất còn của mình cũng chưa xong, nói chi đến chuyện chơi hoa. Cụ Kép thường nói với lớp bạn cũ rằng có một vườn hoa là một việc dễ dàng, những đủ thời giờ mà săn sóc đến hoa mới là việc khó. Cụ muốn nói rằng người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không bao giờ biết lên tiếng. Như thế mới phải đạo, cái đạo của người tài tử.”
Ngay cả một truyện như bữa tiệc máu thì khí vị bi thương cũng ẩn chứa ở chỗ pháp trường nơi cái đẹp và cái thiện bị dày xéo, vấy máu. Và cảnh tượng bi hùng của người tử tù trong ngục tối cho chữ tên cai ngục để cứu vớt một thiên lương, một cái đẹp tâm hồn không bị ô uế, vấy bẩn ở chốn độc ác. Khi nhận viết “Vang bóng một thời” trên “Tao Đàn”, Nguyễn Tuân chắc không chỉ duy mỹ thuần túy, tiếc thương một thời đã qua không trở lại. Ông hẳn còn muốn gửi gắm trong tiếng vang của âm và cái bóng của hình một thời, nhiều thời qua, những mong muốn, ước vọng cho ngày nay, ngày mai. Sao cho cái đẹp được nâng niu, giữ gìn. Sao cho người biết cái đẹp được thanh thản thưởng ngoạn, vui thú giữa đời. Sao cho những ngậm ngùi, luyến tiếc không thành bi lụy, xót thương.
Vì vậy, đọc lại “Vang bóng một thời” hôm nay, ta còn nhận lại được từ những câu chữ văn chương của một nghệ sĩ ngôn từ lớn vẻ đẹp ấy, nỗi niềm ấy, tâm cảm ấy, suy tư ấy. Thời nào rồi cũng để lại cho các thời sau những vang bóng của mình, đó là hệ quả tất yếu của sự tiến hóa nhân loại, nhưng đọc “Vang bóng một thời” để biết tôn trọng và bảo vệ những cái đẹp hôm nay trong hình tiếng gốc rễ của chúng thì là điều đáng giá nhất. Và cái lớn nhất đọng lại ở cuốn sách này là sự ăn năn hoài niệm cái đẹp trong những giá trị văn hóa tinh thần của giống nòi ta.
Dân Việt