Đọc sách cùng bạn: Nhân dân không phải là danh nghĩa

Đọc sách cùng bạn: Nhân dân không phải là danh nghĩa

Đọc sách cùng bạn: Nhân dân không phải là danh nghĩa - Ảnh 1.

Đây là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm 2017. “Tiểu thuyết quan trường”, bạn nghe có lạ tai tên gọi này? Nó chỉ loại tiểu thuyết viết về các quan chức lợi dụng địa vị, quyền hạn của mình để tham nhũng vinh thân phì gia, làm nghèo đất nước và nhân dân. Trong khi trên miệng các quan chức đó luôn nói về nhân dân, vì quyền lợi nhân dân, thực chất họ chỉ lấy nhân dân làm danh nghĩa để trục lợi cho mình. Tiêu biểu cho loại quan chức đó là nhân vật Cao Dục Lượng trong tác phẩm này. Ông phó bí thư tỉnh ủy kiêm bí thư ủy ban chính trị tỉnh H. từng là giáo sư đại học này đã nói với sinh viên cũ của mình là Hầu Lượng Bình từ Bắc Kinh về tình H. làm Cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Viện Kiểm sát tỉnh: “Lượng Bình, cậu nhớ kỹ cho tôi, Viện Kiểm sát của chúng ta là Viện Kiểm sát nhân dân, tòa án của chúng ta là tòa án nhân dân, công an của chúng ta gọi là công an nhân dân. Vì vậy chúng ta vĩnh viễn phải đặt lợi ích của nhân dân trong lòng mình, vĩnh viễn, vĩnh viễn.” Khi nghe những lời này của người thầy “Hầu Lượng Bình kích động đứng thẳng lên, trong lòng tràn ngập sự kính trọng với thầy giáo: Vâng, thưa thầy!” (tr. 271). Nhưng rồi trong quá trình phá án cục trưởng Hầu đã phải đương đầu với thầy mình, một thủ phạm, một đầu mối, một phần tử trong vụ án lớn vừa có tính chất lợi dụng chức vụ phạm tội, vừa có tội hình sự, lại còn cả tội nữa ở tỉnh H. Cho đến khi người học trò ưu tú nhìn thầy giáo hủ bại bị dẫn đi lại thấy hiện lên hình ảnh người thầy phong độ ngời ngời năm nào “khẳng khái nhiệt tình, giọng nói động tác đều toát lên tình cảm với đất nước…” (tr. 477). Đó là chân dung một con người suy thoái từ đỉnh cao quyền lực ở một địa phương. Từ đây tác giả cho thấy các quan chức lãnh đạo không thể nhân danh nhân dân, lấy danh nghĩa nhân dân mà trục lợi cho mình. Nhân dân không phải là danh nghĩa che đậy những hành vi làm hại nhân dân!

Sát cánh cùng Hầu Lượng Bình là Trần Hải, một học trò khác của Cao Dục Lượng, Cục trưởng Cục chống tham nhũng tỉnh H. trước họ Hầu. Đối ngược với hai người này là Kỳ Đồng Vĩ, cũng một học trò của Cao Dục Lượng. Kỳ Đồng Vĩ giữ chức giám đốc công an tỉnh H. nhưng lại là kẻ thoái hóa biến chất, đã giả làm vụ tai nạn để diệt Trần Hải bạn học, còn đồng mưu cùng thầy mình để diệt Hầu Lượng Bình khi vụ việc từng bước bị phát giác. Đạo thầy trò, bạn học, bổn phận lãnh đạo và thuộc cấp trong cuộc đấu tranh này đan xen giằng níu quyết liệt và day dứt đã được tác giả Chu Mai Sâm thể hiện linh hoạt, sống động, hồi hộp, gay cấn. Điều này làm cho cuốn tiểu thuyết có cốt truyện vụ án nhưng không bị sa vào việc phá án mà chú trọng hơn đến chuyện nhân sinh, con người. Tác phẩm vừa xoáy vào quan hệ của bốn thầy trò Cao Lục Dương vừa mở rộng ra theo từng cặp nhân vật đối lập, tương phản chính tà theo kiểu truyền thống: Trần Nham Thạch – Triệu Lập Xuân, Sa Thụy Kim – Cao Lục Dương, Hầu Lượng Bình – Kỳ Đồng Vĩ, Lục Diệc Khả – Cao Tiểu Cầm, Lý Đạt Khang – Dịch Học Tập, Ngô Huệ Phân – Âu Dương Thanh…

DANH NGHĨA NHÂN DÂN

Tác giả: Chu Mai Sâm

Dịch giả: Lục Hương (từ tiếng Trung)

& Nhà xuất bản Hà Nội, 2021

Số trang: 506 (khổ 15,5×24 cm)

Số lượng: 3000

Giá bán: 235.000

Có một nhân vật chỉ được nhắc tên không hiện diện trong tác phẩm song lại là nguồn gốc tạo nên “quả bom” ở tỉnh H. Đó là Triệu Lập Xuân, từng tám năm làm chủ tịch và mười năm làm bí thư tỉnh H. trước khi được điều lên vị trí lãnh đạo cao cấp nhà nước. Tác giả không cho nhân vật này xuất hiện trong tiểu thuyết đi lại nói năng nhưng qua diễn tiến câu truyện và vụ án, qua lời các nhân vật có liên quan, chân dung chân tướng vị quan đầu tỉnh này hiện rõ ra trong cả việc sử dụng nhân sự chính trị và âm mưu tham nhũng kinh tế. Trước khi vị bí thư tiền nhiệm này rời tỉnh H., ông ta đã để lại một danh sách một trăm năm mươi ba người dự kiến đề bạt vào các chức vụ quản lý cấp tỉnh còn thiếu thì trong đó một phần ba đã bị lập án điều tra, năm mươi tám người liên quan đến việc mua quan bán chức.

Mọi sự của tỉnh H. được phơi bày và cải tổ từ khi có bí thư tỉnh ủy mới Sa Thụy Kim về nhậm chức. Một chi tiết tiêu biểu là cái cửa sổ phòng tiếp dân gây khổ cho dân ở quận Quang Minh thành phố tỉnh lị Kinh Châu được tác giả xoáy qua ba cấp lãnh đạo là chủ tịch quận, bí thư thành ủy đến bí thư thành ủy để nêu bật cái sự nhũng nhiều phiền hà dân đến mức tàn nhẫn. Về chuyện sắp xếp nhân sự, trường hợp tiêu biểu trong truyện là việc Sa bí thư quyết định bổ nhiệm Dịch Học Tập từ một thành phố địa phương lên tỉnh ủy bởi đó là con người thực việc thực làm, hết lòng vì nhân dân, nhưng lâu nay vì không có “tài nguyên chính trị” nên không được chú ý đề bạt, bổ nhiệm.

Tài nguyên chính trị“, bạn lại gặp một từ lạ nữa ở đây. Dịch giả dịch nguyên từ này tôi cho là hay. Đó là cái lâu nay ta vẫn nói là chỗ dựa, quan hệ, người chống lưng, mà thường nếu thiếu nó thì cán bộ có năng lực đến mấy nhiều khi cũng không được dùng. Bí thư Sa nói tại cuộc họp quy hoạch cán bộ của tỉnh H.: “Dịch Học Tập chỉ biết làm việc, luôn cảm thấy tổ chức có thể thấy được sự cố gắng của mình, tình hình thực tế thì sao chứ? Tổ chức là do từng cá nhân cụ thể tạo thành, là do lãnh đạo của một khu vực của một ban ngành nắm trong tay. Chính trị chính là chính trị của người lãnh đạo đứng đầu, anh không dựa sát vào lãnh đạo, không thường xuyên xuất hiện trước mặt lãnh đạo, kế đó biến lãnh đạo đứng đầu thành tài nguyên chính trị của anh, thì anh không có khả năng xuất hiện trong phạm vi khảo sát của cấp tổ chức ấy được.” (tr. 311). Ý của Sa Thụy Kim muốn nói rằng những người như Dịch Học Tập vốn đã không có tài nguyên chính trị mà họ cũng không thèm tìm kiếm tài nguyên chính trị cho mình để được lên cao hơn trên bậc thang chức quyền. Tổ chức và lãnh đạo muốn có những người như họ thì phải biết cách tìm kiếm và tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực của mình cho dân cho nước. Chính vì thế trước cuộc họp này, sau chuyến công cán Kinh Châu trở về, Sa bí thư đã yêu cầu Điền Quốc Phú bí thư ủy ban kỷ luật tỉnh “phối hợp với ban tổ chức cán bộ làm một việc, đó là tra tìm xem bao năm nay tỉnh H. đã mai một bao nhiêu cán bộ không có tài nguyên chính trị mà cũng không thèm tìm kiếm tài nguyên chính trị, song lại một lòng làm việc vì dân, và cũng có năng lực làm việc như Dịch Học Tập. Chỉ cần là có, thì nhất định phải đào ra từng người một, để cho họ một sân khấu mà thể hiện năng lực.” (tr. 286). Cuốn tiểu thuyết vì vậy từ phanh phui một vụ án tham nhũng đã mổ xẻ một lối tư duy lựa chọn cán bộ xơ cứng, cổ hủ.

Nhưng không chỉ có vậy. Một vụ án tham nhũng kết thúc, lại những vụ án, nhiều vụ án khác nữa xảy ra. Làm sao ngăn chặn được hết, khi đây vừa là do bệnh trạng của xã hội vừa là do lòng tham của con người? Kết thúc truyện tác giả để cho Hầu Lượng Bình thổ lộ những ý nghĩ của mình với cô giáo Ngô Huệ Phân, vợ cũ của Cao Dục Lượng: “Em làm công tác chống tham nhũng nhiều năm, bắt quan tham, bắt mãi bắt mãi cũng bắt đầu nảy sinh nghi vấn: Liệu có bắt hết được không? Người làm quan thì thành quan tham, làm thì thành gian thương, người dân bình thường thấy có chút lợi cũng tranh cũng cướp, một khi trong tay có quyền, ai dám đảm bảo họ không phải là quan tham? Vì vậy, cần phải cải tạo mảnh đất xã hội có bệnh độc này! Mọi người phải bắt đầu từ ổ bệnh ở chính bản thân mình, cắt đứt cái vòng tuần hoàn ác tính tác động lẫn nhau của con người và xã hội. Mỗi người nên bắt đầu từ chính mình, cố gắng tạo nên một vùng đất sạch…” (tr. 501) Có thể coi đây là tư tưởng chính của tiểu thuyết “Danh nghĩa nhân dân”.

Nhà văn Chu Mai Sâm (sinh 1956) nổi tiếng với những tác phẩm viết về đề tài quan trường, chính trị trên văn đàn Trung Quốc. Tiểu thuyết “Danh nghĩa nhân dân” xuất bản tháng 1/2017, đến tháng 5 cùng năm đã được tái bản lần thứ mười, với tổng lượng bán ra hơn một triệu rưỡi bản. Tại liên hoan truyền hình quốc tế Macao (8/2017) bộ phim truyền hình chuyển thể cùng tên đã đạt bốn giải thưởng lớn, trong đó có giải Phim truyền hình xuất sắc nhất và Biên kịch xuất sắc nhất. Cuốn tiểu thuyết này đã đến qua bản dịch lưu loát, sinh động của Lục Hương, một dịch giả đã dịch nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng của Trung Quốc. Đọc “Danh nghĩa nhân dân” đối chiếu với thực tế nước ta thấy nhiều điểm tương đồng trong tệ nạn tham nhũng và cuộc đấu tranh cam go với nó. Tác phẩm cũng là sự tham chiếu hữu ích cho các nhà văn ta khi viết về chính trị và quan trường – một khu vực đề tài đang rất mời gọi các nhà văn nhưng cũng là một thách thức nghệ thuật văn chương.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Dân Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *