Tiểu thuyết “Lều chõng” được đăng lần đầu tiên trên báo “Thời vụ” từ số 112 (21.3.1939) và được xuất bản thành sách năm 1941 ở nhà Mai Lĩnh. Ngô Tất Tố viết tác phẩm này nhằm phê phán chế độ khoa cử phong kiến bởi vì “Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa, rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam đến cõi diệt vong.” như ông đã tự mình viết trong lời giới thiệu đầu sách.
Ngô Tất Tố sống vào lúc cuối mùa của xã hội phong kiến, sinh thời ông cũng đã “lều chõng” đi thi. Năm Nhâm Tý (1912) ông đi thi hương nhưng không qua được kỳ đệ nhất. Năm Ất Mão (1915) ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh quê nhà, từ đó có danh xưng “ông đầu xứ Tố”. Cùng năm này ông đi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng kỳ đệ nhị. Đây là kỳ thi hương cuối cùng ở Bắc Kỳ nên sự nghiệp cử tử của Ngô Tất Tố chấm dứt. Trước đó ông nội nhà văn bảy lần cắp lều chõng thi hương cũng chỉ lận đận được cái tú tài. Đến ông thân sinh nhà văn thì sáu lần vào trường thi về không cả sáu. Toàn bộ kinh nghiệm dùi mài kinh sử học và thi chữ Hán của bản thân kết hợp với những chuyện trong nhà và những điều mắt thấy tai nghe chốn trường ốc đã là những chất liệu sống động cho Ngô Tất Tố viết “Lều chõng”.
LỀU CHÕNG
Tác giả: Ngô Tất Tố
Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2014
Số trang: 437 (khổ 14,5 x 20,5 cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 90.000
Cuốn truyện thực chất là một thiên phóng sự viết dưới hình thức tiểu thuyết mô tả cách thức thi cử theo lối Nho giáo thời hậu kỳ nhà Nguyễn, nhưng nó là cả một truyền thống kéo dài hàng mấy trăm năm kể từ khi nước Việt học theo lối khoa cử này của Trung Quốc. Tên gọi tiểu thuyết là tên hai thứ đồ vật mà sĩ tử khi vào trường thi phải cõng theo cùng bút nghiên giấy mực với lại đồ ăn thức uống: “lều” để tự mình cắm lên ngồi thi và “chõng” để mình làm bàn viết. Tác phẩm mở đầu bằng cảnh vinh quy bái tổ sau khi đỗ ông Nghè của một nho sinh khiến cho một cô gái uất kết vì lỡ dịp kết duyên với chàng nên không được thành bà Nghè. Cô gái tên là Ngọc đó sau được gả cho một nho sinh khác tên là Vân Hạc nức tiếng học giỏi có thể đỗ đạt cao để thỏa mộng làm bà thám bà bảng cho cô. Toàn bộ cuốn truyện từ đó trở đi là hành trình thi cử của Vân Hạc và các đồng môn với những cảnh huống bi hài được ngòi bút của một nhà nho ảnh hưởng lối viết Pháp miêu tả một cách tỉ mỉ, cụ thể như lập một hồ sơ cáo trạng cái chế độ khoa cử quái gở nói là tuyển chọn người tài ra làm việc nước nhưng thực là một cỗ máy bào mòn, nuốt chửng sinh khí con người, biến các sĩ tử thành những cái xác nhai văn nhả chữ, khiến họ có thi đậu cũng hóa ngây dại, điên khùng. Nào là cảnh trường thi chìm trong mưa gió để mặc các sĩ tử loay hoay chống chọi với lều rách chõng ướt mà vẫn phải lo làm bài thi cho kịp với những đề bài “chi hồ dã dã” văn sách, kinh truyện không mảy may can hệ gì đến đời sống thực. Nào là các thủ tục phiền hà, rắc rối như các kiểu đánh dấu vào giấy thi, bài thi. Nào là các phép tắc trường quy với vô số những quy định ngặt nghèo về kị húy trói buộc các sĩ tử trong cái vòng những điều vô nghĩa nhưng nếu vi phạm thì bị tội to đến thân bại danh liệt. Nào là phép chấm bài các quan chỉ cốt chăm chăm tìm ra những lỗi phạm húy để bắt tội sĩ tử. Tất cả những lề luật thi cử quái đản đó đã được nhà văn cho nhân vật chính nếm trải, chịu đựng. Vân Hạc học rộng tài cao, văn tập luôn đứng đầu, văn thi luôn chắc đỗ cao. Tính chàng phóng túng, không muốn khuôn mình vào lối văn chương cử tử, nhưng nể lòng gia đình họ hàng, nhất là cô vợ trẻ luôn mơ được “võng anh đi trước võng nàng theo sau”, nên chàng đã đi thi. Nhưng lần đầu đáng đỗ thủ khoa chàng đã không được triều đình cho đậu với lý do còn trẻ đậu cao sớm dễ thành kiêu căng, khinh bạc. Sau lần đó chàng được đậu, vào kinh chàng đậu cả hội nguyên, tới thi đình bài chàng làm ai cũng chắc sẽ đậu đình nguyên. Ngờ đâu chàng đã bị tống ngục vì “phạm húy”, dùng lầm bốn chữ trong bài thi. Thế là bị hỏng tuột, cách cả cái thủ khoa. May được tha ra, cho về quê quán, Vân Hạc còn hú hồn hú vía. Số phận Vân Hạc cũng là số phận những người thực học chân tài nhưng đã bị một lối thi cử mục ruỗng bóp nghẹt và bóp chết, không cho thể hiện mình.
Ngô Tất Tố trong truyện có sử dụng những chuyện có thật đã xảy ra ở chốn sĩ lâm như vụ một ông già bị chết tại trường thi do già yếu mưa gió, vụ các sĩ tử vây đánh một chủ cửa hiệu giấy bút do đã xúc phạm họ. Những điều này càng làm rõ thêm sĩ khí, học phong tàn tạ cuối mùa. Cũng như lối sống đô thị thời Tây đã thấm vào cả các nho sinh khi Vân Hạc cùng các anh em sĩ tử đi thi nhưng vẫn ghé xóm cô đầu miệt mài truy hoan. Cuối cùng cô Ngọc đã gỡ cho chồng cái gánh nặng phải gồng mình thi cử để lấy cái danh hão cho cô được là vợ ông nghè, ông thám. Hai vợ chồng Vân Hạc tương đắc ngâm bài thơ cây thông của Nguyễn Công Trứ ở cuối truyện như là sự thoát ra khỏi cái chế độ khoa cử nguy hiểm suýt đã chôn vùi tuổi trẻ và hạnh phúc của họ. Ở đây Ngô Tất Tố khác với các nhà văn cùng thời cùng viết về đề tài nho học. Trong không khí phục cổ thập niên bốn mươi thế kỷ XX chống lại nguy cơ mất gốc do chính sách văn hóa của thực dân phát xít tiến hành khi đô hộ Việt Nam, một số nhà văn đã quay về quá khứ, lý tưởng hóa nho phong, nho học thời trước, như Nguyễn Công Hoan (“Thanh đạm”), Chu Thiên (“Bút nghiên”, “Nhà nho”). Ngô Tất Tố khi viết “Lều chõng” chắc cũng có sự luyến tiếc một thời xưa thịnh trị của cái học khoa bảng, nhưng con mắt của một nhà văn hiện thực đã bắt ông phải phơi bày thảm trạng của một lối học lối thi đã lỗi thời.
Đọc “Lều chõng” hôm nay người đọc sẽ có được những hiểu biết về chế độ khoa cử ngày xưa, sẽ hiểu được những con người ngày trước theo nghiệp bút nghiên, sẽ biết được những bi kịch của người có tài nhưng bị hạn vận trường quy. Nhưng mặt khác, có vẻ như lạ lùng, đọc tác phẩm này còn là để biết trân trọng những giá trị văn hóa văn chương của quá khứ dân tộc được tạo nên bởi chính các nhà nho thực tài đã không chịu bị kiềm tỏa trong một hệ thống thi cử nhiều gò bó, ngay cả ở thời đỉnh cao có hiệu quả nhất của hệ thống đó, vì như tác giả đã nói là nhờ nó mà nước ta thành một nước có văn hóa. Nên nhớ là trong cùng thời gian viết “Lều chõng”, Ngô Tất Tố còn soạn hai cuốn sách “Thi văn bình chú” và “Việt Nam văn học” sưu tập, giới thiệu các áng văn thơ đặc sắc cả chữ Hán và chữ Nôm của cổ nhân còn truyền lại đến thời bấy giờ. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa, cho thấy nhà văn đã có cái nhìn biện chứng về sự phát triển văn học, và văn hóa dân tộc nói chung.
Như vậy, đọc “Lều chõng” hôm nay ta càng yêu quý thêm Ngô Tất Tố, một nhà văn khởi đi từ nho học nhưng đã bắt được vào dòng chảy hiện đại của văn chương nước nhà.
Dân Việt