Tất cả sẽ lớn lên, trở nên già cỗi và biến mất. Nhưng thời gian thực sự sẽ khiến mọi thứ phai mờ đi sao? Tôi không rõ.
“Con nhớ mẹ nhiều hơn những gì con nhớ về mẹ.”
Đọc lại những dòng Ocean Vương đã viết trong Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian, tôi cảm giác như được chạm vào ký ức của cậu nhóc lai hai dòng máu Mỹ-Việt, của những cảm giác rằng mình vô hình dù vẫn đang tồn tại, của khát khao được nói ra nhưng bị đè nén, của những chống chếnh tuổi mới lớn và hối thúc trưởng thành,…
Tôi thấy mình vụn vỡ bởi những cảm xúc của đứa trẻ đó khi lớn lên trong tình yêu thương và khắc nghiệt của bà và mẹ. Lấp lánh những nỗi đau nhưng vẫn tha thiết niềm thương, nỗi nhớ.
Những cái chạm có thể là…
‘cơn mưa bạt tay’, “Nó còn chưa kịp nhận ra khuôn mặt của mẹ mình, cú vả bằng mu bàn tay đã làm một bên đầu nó nổ đom đóm, theo sau là cú nữa, nhiều cú nữa. […]. Một cơn bão mẹ.”
những lời nói bâng quơ nhưng đầy tâm sự, “Cái gì tốt đẹp đều ở nơi khác, con ơi.”
những giải bày, “Con viết cho mẹ vì con không phải là người ra đi, mà là người trở lại, tay không.”
những thú nhận, “con thích con trai.” và “thực ra, con đã mặc đầm – và sẽ làm vậy nữa.”
những ánh mắt, “[…] mẹ nhìn con, như những người mẹ vẫn nhìn mọi thứ – quá lâu.”
và những âu yếm, biết kể sao cho hết.
Tất cả, dù khác nhau về hình dáng và cách thức, đến cuối cùng, thứ ta giữ lại chính là thứ ta không thể nắm giữ – cảm giác.
Nó là cái gì đó càng với tới lại càng xa mình hơn, nên thôi đừng trốn chạy hay rượt đuổi, để nó đến và đi. Có thể là cơn gió, cũng có thể là cơn bão. Cứ tận hưởng tất cả.
Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian bắt đầu là tập thơ, và giờ là một tiểu thuyết. Thật ra, hình thức hay thể loại cũng chỉ là cuộc phiêu lưu của người nghệ sĩ.
Hành trình sáng tạo này vẫn thuộc về cảm xúc dù Ocean Vương có viết một câu chuyện hư cấu hay về chính mình.
Nên không cần quá nhiều những hiểu biết về cấu trúc kể phi tuyến hay Kisho-tenketsu,… tôi cứ lật mở từng trang và thấy mình nức nở bởi những câu chuyện, không phải của tôi, nhưng lại có cảm giác là của chính mình.
Vì không cần phải là cậu bé lai hai dòng Mỹ-Việt để hiểu sự chống chếnh khi ở lưng chừng của mọi thứ.
Không cần được nuôi lớn bởi những người phụ nữ bị sang chấn vì chiến tranh mới hiểu được những khắc nghiệt và âu yếm đôi khi chỉ là những dáng hình khác của nhau.
Không cần phải là nghệ sĩ thành danh, để chứng kiến và ngụp lặn trong cơn lũ của ký ức, cả u sầu và hạnh phúc.
Và không cần phải là ai cả để hiểu rằng quá khứ chỉ tồn tại khi được ai đó trở về mà nhìn ngắm.
[…] mẹ kể với con. “Một đêm, ba con nhậu xỉn về nhà đánh mẹ lần đầu tiên bên bàn bếp. Con hẵng còn chưa ra đời.”
Nhưng con vẫn nhớ cái bàn đó. Nó tồn tại và không tồn tại. Một di sản ráp lại chỉ bằng miệng trơn. Và các danh từ. Và tàn tro. Con nhớ cái bàn đó như một mảnh vỡ cắm vào trong não. Nhớ vài người sẽ gọi nó là mảnh đạn. Và vài người khác sẽ gọi đó là nghệ thuật.
Đọc rồi đọc lại cuốn sách này, tôi nhận ra viết không hẳn là để tái hiện mà là chuyển hóa. Để không cuộn trào trong nỗi đau hay căm ghét. Ocean Vương đã viết để tái tạo những mảnh ký ức đó bằng tình yêu và cả lòng vị tha!
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là là bức thư người con gửi mẹ, người có lẽ sẽ không bao giờ đọc (được) nó.
Để làm gì chứ?
“Mẹ ơi,
Con viết thư này để gần thêm mẹ – dù mỗi chữ con đặt xuống đây là thêm một chữ rời mẹ xa hơn. Con viết để trở về cái lúc…”
Có lẽ không hẳn là để mẹ đọc, mà là để đứa con nhìn rõ những ký ức đã tạo ra và sẽ tiếp tục tạo ra chính nó!
Có lẽ không phải bây giờ, mà là để “tương lai thăm lại quá khứ.”
Tôi nhìn thấy sự mỏng manh của con chữ, và cũng tìm lại sức mạnh của nó.
Cảm ơn anh đã viết không phải vì “khối lượng tác phẩm (body)” mà là để “lưu giữ trong tác phẩm những cơ thể này (body), của chúng ta, đang hít thở và không được kể đến.”
Review của độc giả Nguyễn Tiên – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
MỘT THOÁNG TA RỰC RỠ Ở NHÂN GIAN | https://bit.ly/motthoangtarucroonhangianTiki | https://bit.ly/motthoangtarucroonhangianFHS |