Review sách “Chuyến tàu định mệnh” – Georges Simenon
“Chiến tranh tồn tại, mỗi ngày một xao xác hơn, thực hơn, chúng tôi đã có kinh nghiệm về nó khi tàu chúng tôi bị oanh tạc.”
Lấy bối cảnh những ngày đầu diễn ra Thế chiến thứ hai, khi Đức Quốc xã tấn công Hà Lan năm 1940, Georges Simenon khắc họa nên Chuyến Tàu Định Mệnh, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Marcel và Anna.
Tác phẩm không tập trung đề cập diễn biến cuộc chiến giữa các bên mà G.Simenon đi sâu hơn vào cuộc chạy trốn của người dân. Gia đình Marcel, con gái và vợ đang mang bầu bỏ lại sau lưng tất cả nhà cửa, sự nghiệp đã vất vả gầy dựng suốt bao năm qua với mong muốn thoát khỏi cuộc chiến. Họ vội vã ra đi, mong bắt kịp một chuyến tàu, dù không biết con tàu kia sẽ đưa gia đình họ đến nơi đâu. Bên cạnh đó cũng có những con người bình thản nhìn dòng người tấp nập, hối hả rời đi … họ chọn ở lại, không muốn rời xa quê hương, kỷ niệm, tổ ấm …
Trên chuyến tàu tản cư ấy gia đình Marcel lạc mất nhau vì con tàu bị cắt toa để tránh sự chú ý của kẻ thù. Định mệnh đã khiến Marcel và Anna gặp nhau, họ tìm thấy sự đồng cảm khi cùng ôm nỗi đau chạy trốn bom đạn của chiến tranh. Tình cảm họ dành cho nhau có phải là tình yêu thực sự hay chỉ là sự ham muốn thể xác, khỏa lấp những trống vắng, nỗi sợ, sự cô đơn …
“Tôi có lầm chăng khi nghĩ rằng tôi đã ước hẹn với định mệnh?”
Tác giả đã viết về mối tình này như một kiểu sắp đặt của số phận, như những gì vốn sẽ xảy ra, bình thản một cách lạ lùng … họ cùng nhau hẹn hò, ngủ cùng nhau rồi cùng nhau tìm kiếm vợ và con gái thất lạc của Marcel. Mối quan hệ giữa họ sẽ đi đến đâu giữa cuộc chiến ngày một khốc liệt?
Đối với mình, tiểu thuyết chưa thực sự xuất sắc nhưng sẽ rất đáng đọc nếu bạn muốn hiểu hơn về một cuộc chạy trốn của dân tị nạn vì chiến tranh là như thế nào. Họ mải miết đi, dù không biết mình sẽ được đưa đến một nơi xa lạ nào, cái chết đang rình rập, bom rơi đạn lạc, họ khao khát được sống, mong mỏi đoàn tụ cùng gia đình.
Một cuộc chiến dù dưới bất kỳ lý do gì cũng đều phi nghĩa, đều để lại nỗi đau thể xác và tinh thần cho mỗi chúng ta dù cuộc chiến ấy đã kết thúc. “… vợ tôi chẳng bao giờ hồi phục được hoàn toàn. Tôi muốn nói đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn là thể chất. Nàng luôn có vẻ sợ hãi, bi quan…”