NGƯỜI TÌNH SPUTNIK gây hứng thú cho mình ngay từ trang đầu tiên với câu chuyện lịch sử của ngành thiên văn học. Đó là câu chuyện về hai vệ tinh Sputnik được đưa vào không gian và một trong hai mang theo chú chó Laika không bao giờ trở lại. Và xuôi theo câu chuyện của NGƯỜI TÌNH SPUTNIK, ta sẽ thấy ba nhân vật chính: Sumire, Miu và K. tựa như những vệ tinh đó, trôi lờ lững trong không gian giữa triệu vì sao nhưng cô đơn, lạc lõng và mất kết nối với thế giới chúng được sinh ra.
Thế giới của NGƯỜI TÌNH SPUTNIK chia làm hai: phía bên này và bên kia. Bên này chính là thế giới của người kể chuyện. Nó thực chất là thế giới của hiện thực và giấc mơ, nhưng tác giả không gọi nó với tên gọi thông thường. Người ta hay tự véo mình thật mạnh để xác định cơn mê tỉnh nhưng sẽ thế nào nữa ở cả hai thế giới con người đều cảm thấy đau đớn. Nỗi đau vốn không quá khó để tưởng tượng ra mà.
Thế nhưng mình nghĩ rằng rất dễ để nhận ra thế giới của hiện thực và giấc mơ. Hiện thực vốn nghiệt ngã, đa dạng xúc cảm còn giấc mơ là nơi những vọng tưởng được thành toàn.
(Ở phía bên kia, người mẹ đã mất của Sumire không chỉ xinh đẹp, rõ nét hơn mà còn bí ẩn và đầy tình thương. Miu được sống một cuộc đời tràn đầy cảm xúc, sinh hoạt như bao cô gái bình thường khác và không thôi chinh phục giấc mơ trở thành nghệ sĩ dương cầm. Còn K., anh có tình yêu của Sumire và bằng sự bao dung của chính mình, anh cho phép Sumire trong giấc mơ của mình yêu cả anh lẫn Miu.)
Ở phía bên này K. yêu Sumire, Sumire yêu Miu và Miu thì lãnh cảm với tình yêu. Đó là sợi chỉ chính trong mối quan hệ tình cảm của tiểu thuyết này. Xung quanh ba nhân vật chính còn có những sợi chỉ phụ đan cài thành những thứ tình rối rắm. Nhưng tựu chung mối quan hệ bao giờ cũng xuất phát từ một phía, không có sự hồi đáp, không có ai là một cặp đôi thực sự. Một tiểu thuyết rất cô đơn. Có mở đầu, có diễn biến và không kết thúc.
Mình từng bắt gặp những cái chi tiết siêu thực trong văn học Nhật Bản như phần chuyện thứ hai của KITCHEN (Banana Yoshimoto) và TÔI VẪN NGHE TIẾNG EM THẦM GỌI (IchikawaTakuji) nhưng với NGƯỜI TÌNH SPUTNIK, mọi thứ khó nắm bắt, khó hiểu hơn rất nhiều, nhất là với lần đầu tiên gấp sách lại. Với những cuốn sách siêu thực tế này mình biết rằng bản thân chưa đủ kiến thức và sự sâu sắc để cảm nhận nên ngay khi kết thúc lần đọc đầu tiên mình đã thử đọc lại chương đầu và tự nhiên thấy mọi thứ sáng tỏ hơn, sâu sắc hơn. Như một con mương được nạo vét và theo đó dòng chảy được khơi thông. Những dòng nước chảy qua mát lành và dễ chịu.
Ảnh và bài viết từ Instagram tueminh_tran