Review Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian

Review Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian

“Bởi vì con là con của mẹ, nên bao nhiêu điều về lao động con biết là bấy nhiêu điều về mất mát con hay. Và mọi điều con biết về cả hai thứ ấy con đều biết qua đôi bàn tay mẹ […] Tay mẹ xấu xí lắm – và con ghét mọi thứ đã làm chúng thành ra như thế. Con ghét việc chúng là hậu quả và cái giá cho một giấc mơ.”

 

Đây là cuốn sách của Ocean Vuong – một tác giả người gốc Việt, viết dưới dạng thư gửi cho người mẹ không biết chữ của mình. Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian thuật lại quá trình trưởng thành và tìm kiếm bản ngã, học cách yêu và sống của một cậu bé có biệt danh là Chó Con. Đó là một hành trình khó khăn và đau đớn, nhưng tuyệt đẹp, như quá trình thoát kén của một chú bướm. 

 

Sống trên đất Mỹ với một người mẹ không biết tiếng Anh, bà ngoại và ông ngoại (dù mẹ anh nói đó không phải ông ngoại) đều mắc hậu chấn , tuổi của anh đầy những câu chuyện huyền hoặc, những lời nói tuôn ra không kiểm soát của bà ngoại về quá khứ, đôi khi có tiếng bom đạn, đôi khi là những người lính, đôi khi là đôi bông tai mẹ ruột đưa cho cô con gái vào ngày cô phải bỏ xứ mà đi… anh ý thức được thân phận mình, cũng như những người thân của mình trên một xứ sở da trắng là những thân phận dễ bị gạt ra bên lề, có những tâm tư, tình cảm thật khó để thổ lộ với người khác, nhất là khi trở nên bất lực và con người không sao điều khiển được nó để cất lên tiếng nói của chính mình.

 

“Con muốn kể với mẹ nhiều lắm. Con từng ngu ngốc tới độ tin là hiểu biết sẽ giúp làm sáng tỏ, nhưng có những thứ bị lấp dưới quá nhiều những lớp cú và ngữ nghĩa, quá nhiều những ngày và giờ, những cái tên đã chìm vào quên lãng, bị chối bỏ lẫn được cứu vớt, đến độ biết vết thương có tồn tại cũng vẫn là không đủ để lộ nó ra.”

 

Ocean Vuong có những chiêm nghiệm rất hay về ngôn ngữ và thân phận con người. Vì mẹ Chó Con không thể đọc hay nói tiếng Anh, do vậy anh đã quyết định sẽ chăm chỉ học thứ ngôn ngữ ấy để nói thay bà. Khi đọc những dòng viết kể lại chuyện anh đã sử dụng ngôn ngữ để nói và giúp đỡ mẹ mình ra sao, tôi xúc động vô cùng. Anh viết, “Tối đó con tự hứa với lòng sẽ không bao giờ để mẹ thiếu chữ khi mẹ cần con nói thay mẹ”. Anh gọi điện cho nhà máy đồng hồ mà mẹ anh đã làm việc trong suốt một năm để đề nghị họ giảm giờ làm cho bà, “Vì sao? Vì mẹ của con kiệt sức, vì mẹ ngủ quên trong bồn tắm sau khi đi làm về, và con sợ mẹ sẽ chết đuối. Một tuần sau, mẹ được giảm giờ làm.”

 

Tình yêu giữa các thành viên trong gia đình trong cuốn sách là một tình yêu mà nhiều khi, người ta sẵn sàng bỏ qua những hành vi bạo lực – vì biết đó là kết quả của những dồn nén, của nỗi đau vỡ oà, là tình yêu thầm lặng, tỉ mỉ, làm mà không cần nói với ai. Khi anh bị đám trẻ da trắng bắt nạt, mẹ anh đã hỏi vì sao anh không phản kháng? Để rồi bà đánh và mắng chửi anh, nhưng sau cùng lại ôm anh vào lòng, vuốt ve mái tóc anh, đau đớn thổ lộ: “Con phải tìm cách, Chó Con à. […] Con phải tìm cách vì mẹ không có đủ tiếng Anh để cứu con. Mẹ không thể nói gì để ngăn tụi nó. Con phải tìm cách. […] Con phải ra dáng con trai, con phải mạnh mẽ lên.”

 

Không chỉ viết về mẹ, về bà, ông ngoại, về gia đình, cuốn sách còn viết về hành trình kiếm tìm bản ngã và khám phá ra xu hướng tính dục, nỗi băn khoăn, niềm khao khát làm sao để tự do, và để yêu. Đọc Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian, tôi càng ý thức được sự hạn chế và nhiều khi là bất lực của ngôn ngữ, đồng thời cũng cảm nhận được sâu sắc sự tốt đẹp của nó. Dù ở , Ocean Vuong là một tác giả còn khá mới, thế nhưng điều này cũng không ảnh hưởng gì đến việc tôi yêu mến ngôn từ và câu chuyện của anh.

 

Review của độc giả _satohsai

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *