Zing: Cái đẹp và cái gợi dục trong tranh khỏa thân (Giới thiệu sách Lịch sử cái đẹp)

Zing: Cái đẹp và cái gợi dục trong tranh khỏa thân (Giới thiệu sách Lịch sử cái đẹp)

Cái đẹp và cái gợi dục trong tranh khỏa thân

Theo sách “ cái đẹp” của Umberto Eco, thái độ dửng dưng cho phép ta coi cái đẹp là những điều tốt mà không khơi dậy ham muốn.

Trong cuốn sách Lịch sử cái đẹp, Umberto Eco đã dành phần đầu sách nêu khái niệm, nhằm giúp người đọc hiểu đâu là “cái đẹp”. Nhà văn, triết gia Italy đã bày tỏ quan điểm rằng “thái độ dửng dưng cho phép ta coi cái đẹp là những điều tốt mà không khơi dậy ham muốn”.

Tách biệt ham muốn cá nhân khi cảm nhận giúp con người nhận diện cái đẹp vì chính đối tượng chứ không quan trọng là con người có sở hữu đối tượng hay không.

“Đẹp là thứ khiến chúng ta thấy sung sướng hạnh phúc nếu có được, nhưng kể cả khi nó thuộc về ai đó khác thì đẹp vẫn cứ hoàn đẹp”, Umberto Eco viết. Ông cho rằng cái đẹp và ham muốn không đồng nhất. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là một bức tranh đẹp thì không được gợi dục không?

phu nu khoa than anh 1
Sách Lịch sử cái đẹp của Umberto Eco. Ảnh: Y.N.

Cái đẹp nhục dục

Ởchương VIII – Quý nương và anh hùng, phần Cái đẹp nhục cảm, Umberto Eco viết: “Cái đẹp được Rubens thể hiện tại cung điện nước lại mang đầy nhục cảm. Được giải thoát khỏi các biến cố của thế kỷ (Rubens vẽ trong Cuộc chiến Ba mươi năm) và khỏi sự áp đặt đạo đức của Phong trào Chấn hưng Công giáo, những người phụ nữ của Rubens (như Hélène Fourment, người vợ thứ hai trẻ tuổi của ông) thể hiện một cái đẹp không còn chứa đựng các ý nghĩa bí ẩn khó hiểu; họ vui mừng vì được tồn tại và phô diễn bản thân”.

Có thể thấy, cái đẹp vẫn có thể đem lại cảm giác gợi dục, nhưng điểm mấu chốt là bản thân đối tượng, trước tiên, phải đẹp. Umberto Eco nhấn mạnh rằng những dạng thức đam mê, ghen tị, chiếm hữu, đố kị hay tham lam đều không liên quan tới cảm nhận về cái đẹp. “Ta có thể thấy ai đó rất đẹp, dù không có ham muốn nhục dục với họ hoặc biết họ sẽ không bao giờ thuộc về mình”.

Nói dễ hiểu hơn, một tác phẩm đẹp có thể thể hiện chủ đề nhục dục, nhưng một tác phẩm gợi dục chưa chắc đã đẹp. Umberto Eco định nghĩa đối tượng đẹp là đối tượng mà hình thức thỏa mãn các giác quan, đặc biệt là thị giác và thính giác.

Với trường hợp cái đẹp Rubens nêu trên, yếu tố gợi cảm là phương tiện bày tỏ cho sự tự do cực độ, mang tính cách mạng, giải phóng các quy chuẩn.

Đọc thử: Lịch sử cái đẹp (Umberto Eco)

 

phu nu khoa than anh 2
Bức Ba lứa tuổi của người phụ nữ và Cái chết, 1510, Hans Baldung Grien. Ảnh: Fine Art America.

Cũng trong sách, Umberto Eco chỉ ra rằng có một diễn ngôn phức tạp xoay quanh cơ thể khỏa thân của phụ nữ. “Vệ nữ của Baldung Grien, với nước da trắng gợi cảm nổi bật trên nền tối rõ ràng ám chỉ một Cái Đẹp thuộc về cơ thể và vật chất hữu hình, được thể hiện chân thực hơn nữa nhờ sự không hoàn hảo của vóc dáng (so với các tiêu chuẩn cổ điển). Bất chấp hình ảnh Cái Chết rình rập sau lưng, vị thần Vệ nữ này báo hiệu sự xuất hiện của người phụ nữ Phục hưng biết cách chăm sóc và khoe thân hình bản thân không chút e ngại”.

Một ví dụ khác Umberto chỉ ra là những bức tranh của Jan Steen, trong đó người phụ nữ có thể vừa là kẻ cám dỗ nhục dục đồng thời lại có thể là bà nội trợ đảm đang tháo vát, cho thấy một nền “thừa mứa tới phát ớn”.

Thực tế, sự nhạy cảm về cái đẹp nữ tính hay những diễn ngôn về ham muốn xác thịt xuất hiện từ thời Trung cổ: từ môi trường giáo lý như Sách Diễm Ca cho tới những vần “mục đồng” đều nặng mùi nhục dục.

Sang tới thời Phục Hưng, Umberto Eco còn nhận định Phong cách mới về người phụ nữ thiên thần được khoác lên mình “vẻ nhục dục bệnh hoạn, càng được khao khát theo hướng xác thịt hơn bởi vinh quang chốn thiên cảnh…”

Muôn vẻ phụ nữ khỏa thân

Thời kỳ Phục hưng là giai đoạn mà nữ giới tham gia chủ động và tích cực vào nhiều hoạt động. Ở giai đoạn này, phụ nữ là người quyết định xu thế thời trang trong triều đình, thích nghi với vẻ phù hoa rất hợp thời.

Các họa sĩ thời kỳ này rất chăm vẽ phụ nữ khỏa thân. Có giai đoạn, đối trọng với cơ thể trần trụi của phụ nữ, các họa sĩ vẽ khuôn mặt trầm tư, bí ẩn. Bản chất khó nắm bắt của cái đẹp nữ giới trở thành chủ đề được khai thác trong nhiều thế kỷ, với nhiều kiểu khắc họa, truyền đạt những diễn ngôn khác nhau, phản ánh một tư tưởng thời đại nhất định.

Không những thế, hình tượng phụ nữ khỏa thân cũng thể hiện tư duy phá cách của họa sĩ, khiến người xem phải chiêm nghiệm về sự phi lý hoặc cảm giác tự do mà bức tranh gợi lên.

phu nu khoa than anh 3
Tranh Bữa trưa trên bãi cỏ (1863) của Édouard Manet. Ảnh: The guardian.

“…trong những người phụ nữ của Fragonard, nơi mà vẻ mơ mộng huyền ảo của cái đẹp báo hiệu cho sự tự do cực độ của hiện đại: nếu như không có các rào cản khách quan trong việc thể hiện cái đẹp thì tại sao không đặt một sự trần trụi đẹp đẽ vào buổi dã ngoại tư sản trên bãi cỏ chứ?”, trích nội dung sách.

Hình tượng phụ nữ khỏa thân xuất hiện trong nhiều thời kỳ. Nhưng điểm mấu chốt là, với những tác phẩm đã vượt qua thử thách của thời gian, cơ thể khỏa thân của phụ nữ luôn mang một diễn ngôn về cái đẹp hoặc về tư tưởng.

Sách Lịch sử cái đẹp của Umberto Eco cho thấy cái đẹp có thể muôn màu muôn vẻ và cả những tác phẩm gợi dục vẫn có thể có giá trị. Cái đẹp thực sự không có một khuôn mẫu, một quy chuẩn nào phù hợp cho tất cả thời kỳ. Quan trọng là ta không nhầm tưởng ham muốn trần tục cá nhân với cái đẹp.

Để cụ thể hóa hơn điều này, Umberto đưa ví dụ: “Kẻ khát nước khi tìm thấy một con suối sẽ vội vã uống chứ không chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó; có chăng anh ta chỉ làm điều này khi cơn khát đã qua. Cái đẹp khác với ham muốn ở điểm đó”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *