Câu chuyện tình thuần khiết trong “Tiếng triều dâng” đã đưa tên tuổi của nhà văn Mishima Yukio ra toàn thế giới. Tác phẩm như lời khẳng định về khát khao tự do của tác giả.
Tiếng triều dâng là cuốn sách thứ tư mà Mishima Yukio (1925-1970) sáng tác trong sự nghiệp của mình, cũng là cuốn đầu tiên đưa tên tuổi của ông tới độc giả quốc tế.
Thời niên thiếu hà khắc và cô độc
Có thể nói, quãng thời ấu thơ và niên thiếu của Mishima có ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách sáng tác của ông. Mishima Yukio sinh ra tại Tokyo, Nhật Bản, là con trai của một công chức. Tuy nhiên, ngay từ ngày lọt lòng, Mishima bị tách khỏi cha mẹ và được bà nội Natsuko Hiraoka nuôi tới năm 12 tuổi.
Bà Natsuko mang dòng dõi quý tộc, là người hà khắc. Bà nuôi dạy cháu trai theo cách nghiêm khắc và có phần độc đoán. Bà thường cô lập Mishima, không cho cậu bé tham gia các hoạt động ngoài trời cùng những đứa trẻ khác. Cậu phải chôn mình trong bốn bức tường phần lớn thời gian trong ngày.
Cũng trong giai đoạn này, Mishima tìm tới văn chương như để khỏa lấp nỗi lòng. Những tác phẩm đầu tay thơ dại của Mishima sau đó bị bà nội phát giác và đốt sạch.
Tròn 12 tuổi, Mishima quay trở về với vòng tay cha mẹ, nhưng cuộc sống cũng không dễ thở hơn. Sống dưới sự nuôi dưỡng của người duy trì kỷ luật sắt và cứng rắn, Mishima không được cha ủng hộ sở thích viết lách, vì ông coi đó là “ẻo lả”.
Dù khai sinh với một cái tên khác, năm 19 tuổi, để thuận tiện cho việc sáng tác, ông bắt đầu sử dụng bút danh “Mishima Yukio” – cái tên theo suốt cuộc đời văn chương của ông.
Sau 9 tháng gắng gượng làm ở Bộ Tài chính theo ý cha mình, kiệt sức và mệt mỏi, cuối cùng, ông cũng được cha đồng ý cho từ chức: “Vậy thì cứ bỏ việc mà đi viết lách đi. Nhưng hãy chắc chắn con sẽ là một trong những người giỏi nhất”.
Tiếng triều dâng – tiếng gọi tự do của Mishima
Nhờ sự nâng đỡ của giáo viên và các bạn đồng môn, Mishima dần có những bước vững chắc trên con đường sáng tác của mình. Sau thành công rực rỡ từ những tác phẩm đầu tiên, năm 1951, Mishima có cơ hội được bước chân ra khỏi quê hương, tận hưởng trải nghiệm ở chân trời mới.
Ông sải cánh giong buồm đón gió ở San Francisco, dành nhiều ngày ở New York, Mỹ, yêu thích quãng thời gian ở Brazil, thưởng thức nhạc kịch ở London, Anh, và chìm đắm trong sắc hương của đất nước Hy Lạp.
Lấy cảm hứng từ những trải nghiệm khi sống tại Hy Lạp và thần thoại Daphnis và Chloe, sau khi trở về Nhật Bản, Mishima đã viết tiểu thuyết thứ tư Tiếng triều dâng. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của Mishima ra mắt độc giả thế giới, được chuyển ngữ sang tiếng Anh và phát hành năm 1956.
Tác phẩm được xem là lời khẳng định tự do trong tinh thần của tác giả sau những năm tháng sống trong sự gò bó và kỳ vọng của mọi người. Bằng văn phong đẹp trong trẻo, lời lẽ phóng khoáng và tự do, Tiếng triều dâng kể về những rung động đầu đời của chàng trai ngư dân nghèo 18 tuổi Shinji và cô gái đẹp con nhà giàu Hatsue.
Hiện lên trên nền bức tranh phong cảnh quang đãng và hoang sơ của biển đảo Utajima, câu chuyện tình của Shinji và Hatsue càng trở nên đẹp, thuần khiết hơn.
Không chỉ là tác phẩm với câu chuyện tình giản đơn, ở Tiếng triều dâng, người đọc cảm nhận được rõ ràng cuộc sống của một ngư phủ thông qua ngòi bút đặc tả của Mishima Yukio.
Đó là những quang cảnh lao động đánh cá, mò ngọc trai khỏe khoắn; những giây phút mãn nguyện được chế biến và thưởng thức sushi tươi ngay tại thuyền sau một chuyến đánh bắt thành công; là tiếng sóng ầm ì vỗ buổi đêm; những cơn gió biển mát lành mằn mặn thổi tới, khiến người đọc không khỏi cảm thấy nhớ nhung biển cả.
Sau khi ra mắt tại Nhật Bản, Tiếng triều dâng được đón nhận rộng rãi và đoạt giải Shincho năm 1954. Những độc giả hâm mộ cuốn tiểu thuyết và Mishima Yukio đã đổ tới hòn đảo Kami-shima (hình mẫu gốc của hòn đảo Utajima) với mong muốn được chính mắt thưởng ngoạn quang cảnh mà Mishima đã đặc tả rất trữ tình trong cuốn tiểu thuyết của mình. Tác phẩm cũng được chuyển thể thành phim không dưới 5 lần.
Như một sự giải phóng tinh thần, Tiếng triều dâng giống cơn gió biển tự do và thoáng đạt, được viết bởi một con người không còn bất kỳ cản trở nào nữa.