“Đại dương đen” đem đến nhiều câu chuyện đau đớn, gây sốc về thế giới trầm cảm |
Anh từng ra mắt những cuốn sách gây ám ảnh về hành trình cận tử “Điểm đến của cuộc đời”, mổ xẻ bi kịch của người trẻ trên hành trình đơn độc tìm kiếm bản thể trong “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”. Điều gì đưa anh đến với thế giới trầm cảm trong cuốn “Đại dương đen”?
TS Đặng Hoàng Giang |
Trong quá trình viết Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ (ấn hành năm 2020), tôi nghĩ tới việc cần phải viết về trầm cảm. Tôi gặp gỡ, trao đổi với khoảng 50-60 người trầm cảm, có những người tôi đồng hành với họ hơn ba năm này. Tôi mất khoảng hơn một năm dành toàn bộ thời gian, tâm trí để hoàn thành Đại dương đen. Gặp gỡ, lắng nghe họ và tôi chọn lọc những câu chuyện điển hình để có thể khiến người đọc đi vào thế giới của người trầm cảm. Mười hai câu chuyện đưa vào sách đa dạng từ lứa tuổi, giới tính, hoàn cảnh, nghề nghiệp khác nhau để người đọc thấy rằng ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể xảy ra chuyện.
Trầm cảm ở người trẻ khá phổ biến, anh còn đề cập câu chuyện của ông cụ trên 80 tuổi cũng phải vật lộn với căn bệnh này-một trong những phát hiện khá mới ở Việt Nam?
Tất cả câu chuyện được chọn đều dữ dội và khiến tôi suy nghĩ. Tôi lựa chọn chuyện của họ để thể hiện bức tranh nhất định về trầm cảm-vấn đề chưa được nhìn nhận đúng mức ở Việt Nam. Có những người phải vật lộn với trầm cảm nhiều thập kỷ, có những pha trầm cảm cấp tính mấp mé bờ tự sát. Trầm cảm cũng không loại trừ người lớn tuổi. Đó là ông cụ từng là quân nhân, nay hơn 80 tuổi và có nhiều năm chăm sóc con trai bị trầm cảm, bản thân mắc bệnh nhiều năm nhưng bác sĩ không phát hiện, con cái và gia đình không thừa nhận người bệnh. Thách thức của bệnh trầm cảm đối với người già ở chỗ, hiện tượng trầm cảm rất dễ bị nhầm lẫn với biểu hiện của tuổi già như uể oải, mất ngủ, sa sút trí nhớ, sự cáu bẳn kiểu “lúc nào cũng như đang ở tiết trời nắng gắt”.
Trong số 12 câu chuyện, có trường hợp nào khiến anh ám ảnh, day dứt nhất?
Chuyện của Xuân Thủy, một luật sư ngoài 40 tuổi là một trong những trường hợp ám ảnh. Là người làm việc cho nhiều tập đoàn đa quốc gia, học vấn tốt, thu nhập tốt khiến người ngoài nhìn vào thấy anh ấy có cuộc sống mỹ mãn, nhưng thực tế Thủy âm thầm đánh vật với căn bệnh này 20 năm trời. Xuân Thủy có tuổi thơ bất hạnh, bị lạm dụng, quan hệ mẹ-con rất cằn cỗi, lớn lên với sự trống rỗng không biết bản thân muốn gì, hôn nhân cũng lộn xộn. Một con người bất hạnh, nhiều lần nghĩ đến cái chết, cũng không có cú hích nào đủ lớn để anh ấy có động lực trị liệu bài bản.
Đường dây nóng Ngày mai
TS Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đồng khởi xướng đường dây nóng miễn phí Ngày mai. “Sau ba tháng hoạt động, chúng tôi tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi. Tất nhiên đây không phải địa chỉ trị liệu lâu dài, Ngày mai chính là sự giúp đỡ nhất thời, sơ cứu để giới thiệu người trầm cảm với chuyên gia, bác sĩ, để họ được trị liệu bài bản, cặn kẽ hơn”, TS Đặng Hoàng Giang nói.
Đây là trường hợp kinh điển cho thấy sự khác nhau giữa vẻ bề ngoài và thế giới bên trong. Trầm cảm là sự khuyết tật tâm lý vô hình không giống gãy tay chân, cho nên người thân của họ không nhìn nhận, không ứng xử hợp lí. Đối với Xuân Thủy, bi kịch hơn chính là người bệnh tự định kiến với trầm cảm, không chịu thừa nhận mình có bệnh.
Anh sẽ trở lại đề tài trầm cảm trong những tác phẩm tiếp theo chứ?
Trầm cảm, tâm bệnh nói chung là vấn đề chưa được nhìn nhận, trị liệu đúng đắn ở Việt Nam. Sách, tài liệu về căn bệnh này còn rất ít. Tôi nghĩ rằng một cuốn sách khó tạo ra sự thay đổi về nhận thức xã hội. Sau Đại dương đen, chúng ta cần nhiều cuốn sách, bài báo hay bộ phim hơn nữa về đề tài này.
Khi viết Đại dương đen, tôi mong muốn cung cấp cái nhìn đúng đắn hơn về trầm cảm cho cộng đồng, để mọi người hiểu được sức phá hủy ghê gớm của căn nó, mong muốn tháo gỡ sự kỳ thị đang hiện diện trong xã hội. Người ta nhìn người tự sát do trầm cảm với ánh mắt trách móc, coi thường và cho rằng họ ích kỷ. Tôi hy vọng mọi người thấu cảm hơn, thậm chí có thể giúp đỡ người trầm cảm. Sự giúp đỡ từ trị liệu là một phần, phần khác chính là thái độ để người bệnh cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, để họ có thể thành người có ích thay vì bị kỳ thị là người tàn phế, điên rồ.
Đại dương đen ngót 500 trang, đưa người đọc vào thế giới của người trầm cảm. Độc giả có thể trải qua những cú sốc khi khám phá thế giới khá đen tối, đau đớn của người bệnh. Đó có thể là bà mẹ rơi vào trầm cảm sau sinh đã hành hạ đứa con nhỏ, có thể là cô gái thất bại và mắc kẹt trong áp lực kỳ vọng quá lớn của bố mẹ, hay những người lớn lên với sự trống rỗng, căm ghét bản thân do tổn thương bị xâm hại, bị ngược đãi trong quá khứ. Tác giả chỉ ra trầm cảm chẳng phải căn bệnh bế tắc, nó đều có cơ sở khoa học, có phương pháp trị liệu.
Không chỉ là người ghi chép, tái hiện các câu chuyện điển hình, cuốn sách của anh còn có phần cung cấp kiến thức cơ bản nhằm nhận diện và đưa ra giải pháp trị liệu căn bệnh này. “Đại dương đen” liệu có thể coi là cẩm nang về trầm cảm?
Tôi dành toàn bộ phần 2 cho kiến thức chuyên môn cần thiết để người đọc có cái nhìn cơ bản về trầm cảm, nguyên do, định hướng trị liệu. Tôi luôn đặt mình ở vị trí người trong cuộc và cả người thân của họ-chính những người này cũng cần được quan tâm, cung cấp thông tin. Đại dương đen không quá đầy đủ như cuốn cẩm nang, bởi muốn như vậy tôi nghĩ cần thêm nhiều năm tiếp tục đào sâu hơn nữa. Tuy thế, độc giả có thể xem đây là cuốn sách phổ thông về tâm lý học nói chung, trầm cảm nói riêng.
Cảm ơn anh!