Sách hay cho ngày mới: Buồng Tắm – khi ta không còn thiết tha sống vội

Sách hay cho ngày mới: Buồng Tắm – khi ta không còn thiết tha sống vội

Trong cuốn sách Buồng Tắm, Jean-Philippe Toussaint xây dựng một câu chuyện hay ho đầy màu sắc phi lý. Ảnh:

Buồng Tắm là cuốn tiểu thuyết đầu tay đem lại tiếng tăm cho tác giả Jean-Philippe Toussaint. Mang những chiêm nghiệm của con người khi không còn theo kịp nhịp sống hối hả trên cuộc đời. Đồng thời muốn rút lui khỏi dòng đời trôi quá vội.

Một người đàn ông trẻ tuổi quyết định đặt cả thư viện của mình vào buồng tắm. Anh muốn rút lui khỏi dòng đời vội vã và sống nốt phần đời còn lại ở đây. Bồn tắm vô tri vô giác bỗng trở thành nơi lý tưởng cho cuộc tồn tại hình thành từ sự mơ mộng.

Buồng Tắm – cho những con người không ham sống vội

Cuốn tiểu thuyết bao gồm ba phần tách biệt: Paris – Cạnh Huyền – Paris. Tương ứng với ba giai đoạn: nhân vật chính ở trong bồn tắm (tại Paris quê nhà) – rời bồn tắm – lại quay trở về.

Các phần được Jean-Philippe Toussaint chia làm nhiều đoạn nhỏ. Mỗi đoạn được đánh số lần lượt từ 1. Ở phần đề từ, ông trích lại một định lý . Chính là “Bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại”. Với cách triển khai bố cục tiểu thuyết rất đặc biệt, tác giả đã khéo léo ám chỉ cuộc đời của nhân vật chính là một điều vô nghĩa. Chẳng thể đáp ứng được thứ tưởng chừng như định lý.

Nhân vật chính trong Buồng Tắm là một người đàn ông hờ hững với nhịp sống của xã hội. “Buồng tắm là nơi (anh ta) cảm thấy thoải mái nhất”. Anh vốn không định ở lại bồn tắm quá lâu. Song sự dễ chịu mà nó đem lại khiến anh quyết chuyển hẳn thư viện của mình vào đó. Mặc cho những lời can ngăn và khuyên bảo từ người thân. Rồi cũng với thái độ quả quyết, anh rời khỏi nơi yêu dấu ấy chỉ bởi nhận được lời mời dự tiệc của Đại sứ quán Áo – một nơi anh chắc mẩm đã gửi nhầm thiệp mời cho mình.

Không còn bắt kịp nhịp sống hối hả, nhân vật “tôi” khao khát cái “bất động” đến tận cùng. Thậm chí không thể nắm bắt được cái “bất động” trong bồn tắm, anh chạy trốn tới Ý. Trong những cơn suy tưởng tới ám ảnh, anh nhận ra mình không thể có được trạng thái bất động. Dù là bên trong hay ngoài thân thể này.

Cuốn sách “cân não” với tác giả

Buồng Tắm là cuốn sách hay tràn ngập màu sắc phi lý. Nó có thể khiến độc giả hoài nghi. Phải chăng tác giả dụng tâm gửi gắm điều gì đó mà mình chưa hiểu được. Tác phẩm không dễ để cảm thụ đối với người đọc. Và dĩ nhiên, chẳng dễ viết ra với tác giả.

Jean-Philippe Toussaint chia sẻ tới năm 22 tuổi ông vẫn chưa có ý định viết sách. Bởi đam mê thời đó là điện ảnh. Ông bắt đầu cuốn sách với chiếc máy đánh chữ bằng hai ngón mổ cò.

“Thời kỳ ấy, có hai quyển sách ảnh hưởng quyết định lên tôi. Đầu tiên là Những Bộ Phim Đời Tôi của François Truffaut. Trong ấy ông khuyên thanh niên nào nuôi mộng làm phim mà không đủ nguồn lực thì đi viết sách. Chuyển kịch bản thành sách.

Với lời giải thích là điện ảnh đòi hỏi ngân sách lớn và kéo theo trách nhiệm lớn chừng nào. Văn chương lại là hoạt động nhẹ nhàng và phù phiếm, vui và quậy chừng ấy (tôi có biến lời ông đi đôi chút), ít tốn kém (xấp giấy với máy chữ thôi). Có thể thực hiện tùy nghi. Trong nhà cũng được ngoài trời cũng xong. Đóng bộ đeo cà vạt tề chỉnh cũng tốt mà đánh độc quần lót cũng hay. Tôi đã viết phần kết Buồng Tắm như thế. Trán đầm đìa, ngực đọng giọt mồ hôi, đùi nhớp. Trong cái nóng ngột ngạt hầm hơi 40oC nhà tôi ở Médéa bên Algerie.”

Jean-Philippe Toussaint tiết lộ Tội Ác Và Hình Phạt là cuốn sách thứ hai truyền cảm hứng cho ông: “Tôi không rõ có nên nhìn thấy ở đây một liên hệ trực tiếp, quan hệ nhân quả hoàn hảo, hay biết đâu một định luật (ai đọc Tội Ác Và Hình Phạt cũng sẽ có ngày viết sách) không. Nhưng, với tôi, chuyện là như vậy. Đọc xong Tội Ác Và Hình Phạt được một tháng thì tôi bắt đầu viết sách – và vẫn còn viết.”

Mỗi lần đọc là một lần nghiền ngẫm

Buồng Tắm – sách hay đáng để nghiền ngẫm mỗi ngày. Ảnh: Nhã Nam

Tờ The New York Times nhận định: “Cứ mỗi lần đọc, ta lại nhận được thêm một chút hé lộ từ cuốn tiểu thuyết hài hước một cách u ám này. Tuy vậy đó vẫn là một tác phẩm tuyệt đẹp khó giải mã”. Bằng việc cho đoạn kết cuốn tiểu thuyết giống với đoạn mở đầu, Jean-Philippe Toussaint tạo ra một vòng tròn lặp đi lặp lại với nhân vật “tôi”. Dù muốn tĩnh tại, anh vẫn sẽ không ngừng trở về “bồn tắm” – nơi anh cảm thấy dễ chịu nhất. Và lại bước ra khỏi đó, để chạy trốn, để kiếm tìm một điều gì có nghĩa, để rồi lại trở về.

Đôi nét về Jean-Philippe Toussaint

Jean-Philippe Toussaint sinh năm 1957 tại Brussels, Bỉ. Ông là nhà văn, nhà làm phim và nhiếp ảnh gia. Đồng thời là tác giả của mười sáu cuốn sách xuất bản tại Éditions de Minuit. Năm 2005, ông giành giải Médicis cho Fuir (Bỏ Trốn) và năm 2009 giải Décembre cho La vérité sur Marie (Sự Thật Về Marie). Các cuốn sách hay của ông, trong đó có Buồng Tắm đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và phát hành khắp nơi trên thế giới.

Tiếp thị & Gia đình

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *