Chuyện phi lý của anh chàng trong ‘Buồng tắm’

Chuyện phi lý của anh chàng trong ‘Buồng tắm’

Một anh chàng có khát khao cháy bỏng là được sống nốt phần đời còn lại trong phòng tắm. Anh mang cả thư viện vào đó, bất chấp những lời khuyên can của người khác.

Buồng tắm là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Jean-Philippe Toussaint, được xuất bản năm 1985. Toussaint chịu nhiều ảnh hưởng từ Samuel Beckett (tác giả Trong khi chờ đợi Godot). Vậy nên, với Buồng tắm, ông đã dựng nên câu chuyện quá đỗi phi lý, quanh co trần tục để độc giả tự suy ngẫm.

Sách Buồng tắm do và NXB Hội Nhà văn phát hành. Ảnh: Hạnh Nguyễn.
Tieu thuyet Buong tam anh 1

Tieu thuyet Buong tam anh 1
Sách Buồng tắm do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành. Ảnh: Hạnh Nguyễn.

Kiếp người giữa dòng chảy cuộc sống hối hả

Cuốn sách khá mỏng, trên dưới 100 trang, nhưng chất chứa ngập tràn những suy tư trăn trở của nhân vật chính về kiếp người giữa dòng chảy cuộc sống hối hả.

Người kể chuyện trong Buồng tắm không có danh tính xác định. Đó có thể là bất cứ ai trong xã hội, khi độc giả có thể bắt gặp hình ảnh một người trưởng thành bàng quan trước nhịp sống xô bồ ở bất cứ đâu.

Anh ta có một khát khao cháy bỏng là được sống nốt phần đời còn lại trong phòng tắm, đến nỗi anh mang cả thư viện vào đó, bất chấp những lời khuyên can của người khác. Bởi vì, đối với anh, “buồng tắm là nơi cảm thấy thoải mái nhất”.

Tiêu đề Buồng tắm gợi nhớ đến Oblomov của Ivan Goncharov, tiểu thuyết về một nhà quý tộc ở thế kỷ 19, người không rời khỏi giường trong 50 trang đầu tiên của cuốn sách.

Nhân vật trong Buồng tắm cũng vậy, ban đầu anh vốn không định lưu lại quá lâu. Thế nhưng, anh thực sự mãn nguyện khi nằm trong bồn tắm, “giọng nói ấm áp của con người” phát ra từ chiếc radio vừa đủ cho anh kết nối với thế giới bên ngoài vì bản thân không có nhu cầu giao tiếp quá nhiều.

Cuốn sách được chia làm ba phần tách biệt, “Paris – Cạnh huyền – Paris”, tương xứng mỗi phần là ba giai đoạn, ở trong buồng tắm – rời buồng tắm – quay trở về buồng tắm.

Tác phẩm của Toussaint xoay vần theo những cách mới mẻ và thú vị, không bó buộc trong vai trò người kể chuyện bất di bất dịch. Những độc giả yêu cầu một cốt truyện truyền thống và lớp lang rõ ràng hẳn sẽ thấy giọng văn ở đây đều đều như đang ru ngủ.

Nhưng chính sự trầm lắng này lại là điểm nhấn khác lạ của Toussaint, khi đối lập cuộc sống ồn ã ngoài kia là sự bất động của nhân vật chính trong một không gian bó hẹp và anh ta coi đó là niềm yêu thích của mình.

“Tôi thích tranh Mondrian ở sự bất động. Không họa sĩ nào tiệm cận bất động gần tới độ ấy. Bất động không có nghĩa là chuyển động, mà là vắng toàn bộ viễn cảnh chuyển động, bằng với cái chết”, trích Buồng tắm.

Trong phần II mang tên “Cạnh huyền”, người kể chuyện rời Venice mà tuyệt nhiên không nói với ai. Tại đây, anh ta không động tay động chân chút nào ngoài việc giao bánh mì trong khách sạn, chơi phi tiêu trong tưởng tượng và lang thang đến quán bar trong khi người quản gia dọn phòng.

Mãi đến khi gần kết thúc, anh ta cuối cùng cũng trở về căn nhà của mình, vào bồn tắm quen thuộc của mình.

Đặc tả sự nhàm chán

Kết thúc của cuốn sách lặp lại như phần mở đầu: Anh nằm trong bồn tắm và suy tư; tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn. Một giấc mơ hồi quy? Liệu anh ta sẽ lựa chọn đi vào thế giới trong buồng tắm một lần nữa hay đơn giản trở lại bồn tắm của mình?

Toussaint đã đặt nhân vật của mình vào một bối cảnh phi lý và mô tả như thể điều đó chẳng hề phi lý chút nào. Chính tác giả thú nhận những sáng tác của ông tập trung vào đặc tả sự “nhàm chán” và “bình thường” của cuộc sống, Buồng tắm (1985), Máy ảnh (1989) là những minh chứng rõ ràng cho phong cách sáng tác này.

Buồng tắm được chia thành từng đoạn văn đánh số giống với Pensées (Những suy nghĩ) của Blaise Pascal, một nhà người thế kỉ 17.

Đoạn sau tiếp nối đoạn trước, nhưng bị ngắt quãng và tách rời bằng các con số giống như mỗi đoạn có thể đứng riêng biệt, như một khoảnh khắc bị ngắt kết nối trong tâm trí của người kể chuyện. Những suy nghĩ của anh ta được phân chia vào từng hộc tủ kí ức, được nhắc đến như một thực thể riêng biệt, không liên quan đến suy nghĩ trước đó và sau này. Chúng ở đó, phá vỡ dòng chảy của văn bản, buộc người kể chuyện không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về một sự bất động hoàn toàn.

Jean-Philippe Toussaint sinh năm 1957 tại Brussels, Bỉ. Ông là nhà văn, nhà làm phim và nhiếp ảnh gia. Ông là tác giả của mười sáu cuốn sách xuất bản tại Éditions de Minuit.

Năm 2005, ông giành giải Médicis cho Fuir (Bỏ trốn) và năm 2009 giải Décembre cho La vérité sur Marie (Sự thật về Marie).

Ông từng đạo diễn bốn phim điện ảnh dài và có triển lãm ảnh khắp nơi trên thế giới, trong đó phải kể đến triển lãm Livre/Louvre tại bảo tàng Louvre, Paris, năm 2012.

ZingNews

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *