Khi nuôi dạy trẻ, người lớn thường vô thức mong mỏi trẻ con ngoan ngoãn, hiểu chuyện, nghe lời. Chỉ khi đứng trước những đứa trẻ thật hiểu chuyện, người ta mới chợt nhận ra, sự hồn nhiên, vô tư là món quà vô giá mà trẻ thơ chỉ có được khi sống trong vòng tay yêu thương và chia sẻ. Sự khôn sớm, sự hiểu chuyện đến đau lòng của cậu bé Zezé trong “Cây cam ngọt của tôi” mang đến cho độc giả cả nụ cười cùng giọt nước mắt xót xa.
Chưa đầy 6 tuổi, cậu bé Zezé thông minh, tâm hồn thiện lương, trái tim nhạy cảm và trí tưởng tượng vô cùng phong phú ấy luôn mong ước trở thành nhà thơ cổ thắt nơ bướm. Nhưng nhà Zezé quá nghèo, đông anh em, người cha thất nghiệp, người mẹ đau ốm thường xuyên phải tăng ca ở nhà máy để có tiền trang trải sinh hoạt ở mức tằn tiện nhất. Cái nghèo khiến những người lớn trong gia đình không có đủ thời gian, sự bình tâm và kiên nhẫn để lắng nghe và chăm sóc trẻ con. Trong hoàn cảnh ấy, sự háo hức học hỏi, sự tò mò khám phá và nghịch dại của Zezé dẫn đến những trò đùa tai hại trong mắt người lớn. Trí tưởng tượng phong phú khiến Zezé trở nên bất thường, và trái tim nhạy cảm buộc em luôn day dứt nghĩ rằng trong mình có một con quỷ dữ, vì thế mà em không được yêu thương, không được quà, và thứ duy nhất em thường xuyên nhận là đòi roi.
Từ một cậu bé sẵn sàng lê bước chân khắp các ngả đường để đánh giầy kiếm tiền mua một gói thuốc tặng Giáng sinh cho bố, trốn học các ngày thứ ba để học hát với mong muốn xin được cuốn sách làm quà cho người chị gái thân yêu, chui vườn rào nhà người ta để hái hoa tặng cô giáo, hay luôn kiên nhẫn tưởng tượng ra cả một vườn bách thú để chơi cùng em trai…, Zezé đã trải qua một hành trình dài để từ đó khám phá nỗi đau và tình yêu thương. Xót xa làm sao khi cậu bé chưa đầy 6 tuổi nhận ra rằng: “Đau đớn không phải là bị đánh đến bất tỉnh. Đau đớn không phải là bị một mảnh thủy tinh cứa rách chân”. Mà “nỗi đau trong lòng” còn lớn hơn rất nhiều – nỗi đau của “một sinh vật nhỏ bé bị đánh đập tàn nhẫn mà không biết lý do tại sao”, nỗi đau của một mong ước không bao giờ thành hiện thực, nỗi đau của một đứa trẻ luôn nghĩ “đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này”…
Không ngôn từ hoa mỹ, “Cây cam ngọt của tôi” như một cuốn tự truyện đầy xúc cảm mà ở đó, trên mỗi trang viết, vị đắng chát của cái nghèo đan xen với vị ngọt tình cảm mát lành đến từ những người bạn ít ỏi của Zezé như bác Edmundo, cô giáo Cecília, người bạn tưởng tượng Pinkie – một cây cam nhỏ trong vườn, và đặc biệt là ông Bồ – người đã dạy cho cậu biết sự trìu mến là gì, để sau này cậu lại cố gắng trở thành người trao tặng sự trìu mến mà nếu không có nó “cuộc sống chẳng còn đặc biệt nữa”.
Khi những người xung quanh đã không còn muốn Zezé phải luôn ngoan nữa thì cũng là lúc một Zezé luôn luôn khao khát yêu thương như đã vụt trưởng thành. Cây cam ngọt sau vườn nhà đã nở hoa trắng, nhưng cây cam ngọt trong khu vườn tinh thần Zezé đã biến mất, chú chim nhỏ luôn vui vẻ ca hát trong tim Zezé đã bay đi, như một phần tuổi thơ cậu bé đã để lại với “người bạn bí mật” đã lên thiên đường của mình. Chỉ còn trên trang sách, là dư vị ngọt đắng của bài học gieo hạt giống yêu thương trong tâm hồn trẻ thơ: “Ai đã ở trên đời, thì tức là người đó đều xứng đáng được sinh ra”.
“Cây cam ngọt của tôi” của tác giả José Mauro De Vasconcelos ngay từ khi ra mắt lần đầu vào năm 1968 đã làm trái tim người đọc thổn thức. Cuốn sách được đưa vào chương trình tiểu học của Brazil, được 20 quốc gia mua bản quyền và đã được chuyển thể thành phim điện ảnh. Tại Việt Nam, “Cây cam ngọt của tôi” (NXB Hội Nhà văn) vừa ra mắt độc giả, do dịch giả Nguyễn Bích Lan và Tô Yến Ly giới thiệu.