Đọc sách: Hoang đường mà hiện thực

Bài đã đăng trên báo Đại Biểu Nhân Dân

Những linh hồn chết bắt đầu và kết thúc bằng hành trình một nhân vật là Chichikov đi thu mua những nông nô đã chết. Trong việc mua bán này, người bán đỡ phải tiếp tục đóng thuế cho nông nô đã chết mà lại được thêm món tiền bán nông nô. Còn người mua là Chichikov thì lý giải: cần một cái sổ có ghi tên ba trăm nông nô (chưa ai biết họ đã chết) để làm yên lòng một người sẽ viết di chúc chuyển giao cho y một món tài sản thừa kế.

Ban đầu đây giống như một câu chuyện hoang đường và có yếu tố ma quái. Nhưng dần dần nó được lý giải bằng những tham vọng hoàn toàn hiện thực của Chichikov và của những người bán nông nô chết. Có khi phải lợi dụng hoàn cảnh bà quả phụ già cô đơn có nông nô chết. Có khi phải bắt đúng thời điểm sa sút phá sản của chủ trang trại. Có khi phải lợi dụng mâu thuẫn giữa các chủ nô… Mỗi cuộc bán nông nô là một trường đoạn hài hước bộc lộ tính cách của những chủ nô. Mỗi người một toan tính khác nhau, bộc lộ những cá tính khác nhau. Tất cả hợp lại thành một xã hội đầu thế kỷ XIX khi chế độ nông nô đang ở thời điểm bền vững của nó. Tầng lớp chủ nô và quan lại cũng đang bộc lộ tất cả tham vọng, mưu mô thủ đoạn để duy trì sở hữu và làm giàu.

Cuộc mua bán nông nô chết xuyên suốt cuốn sách rồi trở thành một ẩn dụ: những kẻ mưu toan trục lợi trên danh sách những nông nô đã chết kia mới chính là những linh hồn chết. Họ đang sống đấy, vui chơi hưởng lạc, săn bắn, tiệc tùng nhưng họ đi lại như những cái xác sống. Một xã hội bốc mùi tử khí và những hình nhân đi lại mua bán, mặc cả, trao đổi, cười nói… tất cả đấy mới là những linh hồn chết.

Cuốn tiểu thuyết khép lại bằng một điểm sáng lương tâm khi có một con người chân chính vạch ra con đường hoàn lương cho Chichikov. Trong cơn bế tắc phải đối diện với hình phạt của luật, dường như Chichikov đã bắt đầu hối cải. Nhưng rồi điểm sáng cũng chỉ là le lói trong một đêm trường tội lỗi của xã hội. Được một thế lực đen tối hứa hẹn gỡ bí, Chichikov dường như vẫn chỉ là một thứ ngựa quen đường cũ.

Gogol là nhà văn người Nga nổi tiếng trên văn đàn thế giới với những tác phẩm như Quan thanh tra, Cái mũi, Taras Bulba… Hầu hết tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt. Trong đó Những linh hồn chết được coi là một trong những kiệt tác đầy chất châm biếm, thường được đặt ngang với Don Quijotte của Cervantes, Những di văn của câu lạc bộ Pickwick của Dickens. Những linh hồn chết được Gogol hăm hở viết sau khi có sự động viên và gợi ý của đại thi hào Nga Pushkin.

Bản dịch ra tiếng Việt của nhà giáo Hoàng Thiếu Sơn từ thập kỷ 60 của thế kỷ hai mươi, giờ đây được in lại, vẫn truyền tải đầy đủ phong cách giễu cợt chua chát của Gogol, vẫn cập thời và dễ tiếp nhận với người đọc hôm nay. Nhà giáo Hoàng Thiếu Sơn từng cùng nhà học Cao Xuân Hạo tham gia nhóm dịch  và hòa bình của Leo Tolstoy. Hoàng Thiếu Sơn cũng là người dịch tiểu thuyết Những tấm lòng cao cả của nhà văn Ý Edmondo De Amicis mà nhiều thế hệ người đọc từng rất say mê.

________

* Những linh hồn chết, tiểu thuyết của Nikolai Gogol, Hoàng Thiếu Sơn dịch, và NXB Hội Nhà văn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *