PNO – Mở đầu bằng cái chết và kết thúc bằng lễ cúng 49 ngày của người đã khuất, “Nguyện ước cuối trong căn bếp yêu thương” dậy lên mùi hoài niệm với món ăn mang tên gia đình và bài học về sự trân trọng.
Bà Otomi, vợ kế của ông Ryohei, ra đi đột ngột để lại nỗi nhớ thương vô bờ nơi ông. Cùng lúc đó, khi phát hiện chồng ngoại tình, Yuriko, cô con gái ông hết mực yêu thương, bỏ nhà chồng quay về căn nhà xưa nơi cô từng trải qua cả thời thơ ấu. Nỗi buồn chồng chất nỗi buồn, hai cha con như những con tàu lạc lõng trên bến cô đơn. Đúng lúc ấy, Itomo, học trò của bà Otomi, xuất hiện, đem theo món quà và di nguyện cuối cùng của bà, như neo giữ hai con người với đầy ắp nỗi buồn và sự mất mát.
Itomo được bà Otomi ủy thác trao cho chồng mình cuốn sổ với dòng chữ “Công thức thường nhật”, được phân theo mục lục như: món ăn, giặt giũ, làm đẹp và những thứ khác. “Bản di chúc” khác thường với di nguyện: “Lễ cúng 49 ngày, bà chẳng cần tụng kinh hay nhang khói gì, chỉ cần những món ăn bà ghi sẵn công thức ở đây được làm thành tiệc buffet cho mọi người vui vẻ hạnh phúc là quá đủ để bà ngậm cười nơi suối vàng”. Hai cha con với sự trợ giúp của Itomo bắt tay chuẩn bị cho ngày chung thất, để bà Otomi thanh thản ra đi khi tâm nguyện được hoàn thành.
|
Nguyện ước cuối trong căn bếp yêu thương chính là bản di nguyện của tình thương, đưa những trái tim lạc lối tìm về với nhau và biến nỗi buồn thành động lực bước tiếp trong khoảnh khắc sinh ly tử biệt. Nếu ông Ryohei hối hận vì đã từng cáu gắt với vợ chỉ vì phần nước xốt dây ra lớp bọc trong hộp cơm mà bà chuẩn bị cho ông khi đi câu cá thì Yuriko hồi tưởng lại ngày đầu tiên gặp mẹ kế, cô cũng hất đổ phần cơm bà Otomi đã tận tâm chuẩn bị cho mình. Dường như những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của người đã khuất đều nằm ở căn bếp yêu thương, nơi giao thoa lòng thủy chung của người vợ và tình thương hết mực của người mẹ dành cho đứa con chồng.
Phải chăng kỷ niệm như một thứ rượu hảo hạng được chưng cất, càng để lâu càng ngon và khi bật nút, mùi của tháng năm trở về bồi hồi trong tâm cảnh khắc khoải khiến ta chợt nhận ra mình đã đánh mất thứ giá trị nhất trong cuộc đời.
Những tháng năm bà Otomi về làm vợ ông Ryohei là những tháng năm bà cần mẫn dựng xây một tổ ấm mới. Nơi đó, tình thương, lòng nhẫn nại, sự vun vén và cả những mất mát của đời bà hòa thành “thực đơn” mang tên tình thân. Bà mồ côi mẹ, không được dạy cách làm vợ, làm mẹ nhưng chính trái tim chân thành của bà đã thuyết phục ông chấp nhận để bà vá vết thương lòng nơi ông, bước vào gia đình ông với vai trò là người vợ, người mẹ.
Ibuki Yuki đã dệt nên câu chuyện thấm đẫm tình thương yêu với chủ đề quá quen thuộc mang tên gia đình. Tác giả không đào sâu vào cách kể ấn tượng, cũng không lấy nước mắt độc giả bằng bi kịch mà rót vào trái tim người đọc bằng những cảm xúc chân thật nhất, cắm chiếc rễ đầy dưỡng chất thương yêu vào mảnh đất cằn cỗi. Nơi đó, khu vườn sẽ thành hình và che mát cho những trái tim lạc lối.
Ngô Vinh