Nhân câu chuyện thời sự là vụ ngoại tình rồi tự tử của vợ một viên thầy thuốc, Gustave Flaubert đã viết tiểu thuyết nổi tiếng Bà Bovary, xuất bản năm 1856, kể về một thiếu phụ với cuộc hôn nhân không như ý, người chồng tầm thường, những gã tình nhân ích kỷ, những mơ ước, ảo tưởng bị bóp nghẹt. Nhưng không chỉ có vậy, cuốn tiểu thuyết còn cất lên tiếng nói phản kháng của cá nhân chống lại những quy tắc xã hội và đạo đức của thế giới tư sản chật hẹp và giả dối, đồng thời miêu tả quá trình tan vỡ của những thơ mộng lãng mạn mà cá nhân khao khát hạnh phúc đặt vào cái thực tại tầm thường và hèn kém của cuộc sống hằng ngày.
Ngoài ra, đây còn câu chuyện của tiểu thuyết Pháp. Chẳng có gì, trong toàn bộ bức tranh ấy, lại không khiến xã hội đương thời phải phát hoảng. Khắc nghiệt như một vở bi kịch, rực rỡ như một vở chính kịch, cay độc chua chát như một vở hài kịch, cuốn tiểu thuyết tự trang bị cho mình một thứ vũ khí đáng gờm: văn phong. Trong mỗi câu văn, Flaubert đều dốc vào một chút thạch tín, thứ độc chất mà Emma Bovary đã dùng để tự kết liễu đời mình. Thành thử, cuốn sách của ông vừa khiêu khích lại vừa cay độc, mỉa mai nhạo báng tất cả các giá trị ở mọi cấp độ, khiến cho bản thân văn chương cũng không còn như trước khi Bà Bovary xuất hiện nữa.