Sách “Các loài chim Việt Nam” với 731 loài chim được ghi nhận thông qua 1.205 bức ảnh, trong đó có 10 loài đặc hữu, 64 loài hiện đang bị và sẽ bị đe doạ được ghi nhận trong Danh lục đỏ IUCN.
Chiều 15/1/2021, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cùng với Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Muôn cánh chim trời” giới thiệu cuốn sách “Các loài chim Việt Nam” với 731 loài chim đã được ghi nhận tại nước ta thông qua 1.205 bức ảnh; trong đó có 10 loài đặc hữu, 64 loài hiện đang bị và sẽ bị đe doạ được ghi nhận trong Danh lục đỏ IUCN (2020).
Theo đơn vị tổ chức, khu hệ chim Việt Nam phong phú và đa dạng, phân bố ở nhiều sinh cảnh khác nhau khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam các nghiên cứu về chim vẫn còn hạn chế, đặc biệt là việc xuất bản các ấn phẩm liên quan đến hình ảnh các loài chim trong thiên nhiên hoang dã…
Trước thực tế nêu trên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cùng với Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã phố hợp xây dựng cuốn sách “Các loài chim Việt Nam – Birds of Vietnam” với mong muốn không chỉ bổ sung, cập nhật các thông tin khoa học về loài, mà thông qua các bức ảnh sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị và tầm quan trọng của các loài động vật hoang dã nói chung, các loài chim nói riêng tại Việt Nam.
[Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý phản ánh của Báo điện tử VietnamPlus]
Sách “Các loài chim Việt Nam – Birds of Vietnam” là bộ tư liệu hoàn thiện nhất cho đến nay, giới thiệu 731 loài chim thuộc 22 bộ 93 họ ghi nhận tại Việt Nam thông qua 1.205 bức ảnh; trong đó có 10 loài đặc hữu, 64 loài hiện đang bị và sẽ bị đe doạ được ghi nhận trong Danh lục đỏ IUCN, 40 loài trong Sách đỏ Việt Nam.
Hơn 1.200 bức ảnh được các tác giả chụp tại các sinh cảnh khác nhau, trên mọi vùng miền của Tổ quốc từ đỉnh Fan Si Pan (Vườn Quốc gia Hoàng Liên), Chư Yang Sin (Vườn Quốc gia Chư Yang Sin), Bidoup (Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà) đến tận cùng phía Nam (Vườn Quốc gia Đất Mũi, Phú Quốc), các đảo phía Đông của Tổ quốc (Vườn Quốc gia Côn Đảo)…
Cuốn sách cũng xây dựng, cập nhật danh lục và hiện trạng phân bố của các loài chim Việt Nam theo hệ thống phân loại mới của Hội nghiên cứu Chim Thế giới với tổng số 918 loài thuộc 24 bộ và 101 họ.
Các tác giả của cuốn sách đến từ các ngành nghề khác nhau, từ nhà nghiên cứu điểu học đến nhà quản lý bảo tồn thiên nhiên, doanh nghiệp lữ hành bảo tồn các loài chim đến các doanh nhân yêu thích thiên nhiên hoang dã.
“Tôi ‘đến’ với các loài chim, chụp lại các bức ảnh về chim từ ‘sự bất ngờ’ trong những chuyến đi rừng, lạc trong các vườn quốc gia, lay động trước sự sinh động của các cá thể chim bé nhỏ, từ đó cuốn theo niềm đam mê chụp ảnh, ghi lại tất cả các loài chim với mong muốn giúp mọi người thấy được sự tồn tại của các loài chim, qua đó góp phần giúp các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sạch, các tổ chức bảo tồn có thêm cơ sở nhận diện loài và bảo vệ các loài chim hiệu quả, bảo tồn tốt hơn,” nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, một trong 5 tác giả của hơn 730 bức ảnh trong cuốn sách chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm, nhà báo Hùng Võ, Báo VietnamPlus – tác giả của loạt bài phóng sự điều tra “Tiếng kêu cứu của chim trời Cát Bà: Nỗi đau ai thấu?” đã được mời chia sẻ về hành trình đi tìm sự sống cho các loài chim hoang dã di cư trên quần đảo Cát Bà.
[Kiên quyết ngăn chặn tình trạng săn bắt tận diệt chim hoang dã di cư]
Loạt bài này đã phản ánh chi tiết tình trạng bẫy bắt, giết hại, buôn bán chim hoang dã di cư ở quần đảo Cát Bà đã và đang diễn ra ngang nhiên như “cơm bữa” suốt 20 năm qua, song dường như lại “che mắt” được chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm trên địa bàn. Hệ quả của “lỗ hổng” trong công tác quản lý nêu trên là mỗi ngày đêm, hàng trăm cá thể chim trời, ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà vẫn liên tiếp bị bẫy bắt, “hóa kiếp” thành những món ăn tuồn bán đi khắp nơi./.