Điều đó được thể hiện sâu sắc qua cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” của bác Đặng Hoàng Giang. “Điểm đến của cuộc đời – Đồng hành cùng những người cận tử và những bài học trong cuộc sống” là cuốn sách mang nhiều câu chuyện trầm buồn nhưng ẩn sâu trong những nốt trầm đó là những vẻ đẹp lóe sáng của tình người. Điều khiến người đọc bị cuốn vào những câu chuyện, là tác giả đã đứng trên phương diện là người đồng hành để kể lại những câu chuyện nghiệt ngã, một bức tranh chân thực về những bệnh nhân ung thư và gia đình họ. Những nỗi đau không ai thấu, nỗi đau của người mẹ mất con, nỗi đau một sinh viên sắp ra trường với bao hoài bão, nỗi đau của một người mẹ đang phải nai lưng ra kiếm tiền lo cho những đứa con thơ khi đối diện với căn bệnh được gọi là bệnh nguy hiểm nhất. Qua cuốn sách, tôi càng nhìn thấy khoảng trống mênh mông mà đáng lẽ hệ thống y tế phải lấp đầy. Những người như gia đình các bệnh nhân ung thư bị bỏ rơi, không thông tin, không lời giải thích, không có thuốc, không có tiền. Khước từ bán morphine số lượng lớn vậy họ phải sống thế nào “Không có thuốc thì không biết cháu sống thế nào đây chú ơi”, tại sao nhà nước không trao cho họ cái chết nhân đạo, họ khao khát một cái chết nhẹ nhàng để không gây chấn thương tâm lý cho người thân. Khi những người sắp chết nghĩ tới người xung quanh, họ tuyệt đẹp.
Không có thuốc những cơn đau giày xé họ, những âm thanh dù được đọc qua sách nhưng cũng khiến tôi nhói lòng “Ôi mẹ ơi…” “ÔI MEEEEEẸ ƠƠƠƠI…” Đó không còn là những tiếng rên ai oán, mà là tiếng gầm gừ của con thú kiệt sức muốn rời khỏi cõi trần. Họ đã mắc tội gì? Sao sự tra tấn này cứ hành hạ họ? Nhiều người sợ hãi cái chết, lại có những người thực sự muốn chết nhưng không chết được, không ai có thể giúp được họ. Nhà nước không cứu được họ nhưng lại không ban cho họ một sự ra đi thanh thản.
Cái chết có thực sự đáng sợ như mọi người hay nghĩ? Đức Phật cũng phải chết, mọi thứ không thay đổi theo cách đặc biệt dành cho ông ấy, nhưng ông ấy chết theo một cách đặc biệt. Ông ấy chết quá hạnh phúc, như thể không có cái chết. Ông ấy chỉ đơn giản biến mất, bởi ông ấy nói: “Cái gì sinh ra đều sẽ chết đi. Sự sinh ngụ ý sự diệt, vậy thì tốt thôi, ta chẳng thể làm gì.” Cái chết thật đẹp đẽ nếu bạn có thể chấp nhận, nếu bạn có thể mở cánh cửa với trái tim tiếp nhận, với sự chào đón ấm áp: “Vâng, bởi vì tôi được sinh ra nên tôi sẽ chết đi. Cho nên ngày này đã đến. Vòng tròn này đã hoàn thiện.” Và những người cận tử đã làm rất tốt việc đó, họ không có tự do để khước từ bất hạnh hay chạy trốn khỏi bi kịch, nhưng họ có tự do lựa chọn thái độ của mình trước những gì xảy ra.
Cuốn sách là một hành trình dũng cảm, tràn đầy tính nhân văn và sức lay động tâm hồn. Đối với tôi, đây là cuốn sách mỗi người nên đọc một lần trong đời, cuốn sách để lại những ấn tượng nặng nề, nó khiến tôi khóc rất nhiều qua những nét miêu tả quá đỗi chân thực của bác Đặng Hoàng Giang. Có lẽ ta đang sống quá yên bình sung sướng, mà không nhận ra những mặt tối những đau khổ mà người khác đang phải chịu đựng. Bởi vậy nên nhìn những cảm giác đau thương ám ảnh mà cuốn sách mang lại giúp cho ta có cái nhìn khách quan hơn về cuộc đời. Tại sao ta lại buồn rầu về những chuyện cỏn con, trong khi ta không thấu được một phần nghìn nỗi đau của họ.
Review của độc giả La N Anh – Nhã Nam reading club
Bạn có thể tìm mua sách tại:
TÊN SÁCH | NHÃ NAM | TIKI | FAHASA |
Điểm đến của cuộc đời | http://bit.ly/diemdencuocdoiNhaNam | http://bit.ly/diemdencuacuocdoiTK | http://bit.ly/diemdencuacuocdoiFHS |